Euro 2016: Quả bóng dưới họng súng

12/06/2016 15:23 GMT+7

An ninh được siết chặt khắp 10 thành phố đăng cai Euro 2016. Đi đâu cũng gặp súng ống, những bóng áo rằn ri. Xem bóng đá dưới họng súng cảnh giới cho ta cảm giác như thế nào?

Cuộc rà bom đột xuất
“Anh có thấy cảnh sát và quân đội khắp nơi không? Chưa bao giờ Paris lại dày đặc súng ống như vậy. Thật khó để nói rằng như thế thì tôi cảm thấy an toàn hơn hay bất an hơn”, Jérémy Blanche, chàng trai trẻ ngồi gần tôi trong sân Stade de France suốt trận khai mạc và sau đó cùng bạn bè nhảy tưng bừng trước ống kính của tôi, chia sẻ cảm giác. “Tôi vẫn chưa thực sự quen với hình ảnh này”.
Trước khi nghe lời của Blanche, tôi đã có dịp dạo bộ khắp Paris và một số nơi ở Lille. Nhìn từ bên ngoài, hình ảnh một Paris mềm mại có vẻ hao hụt đôi phần khi lực lượng vũ trang xuất hiện với mật độ dày đặc. Ấn tượng về giới nghiêm càng trở nên mạnh hơn khi cuộc đấu Euro khai màn. Chỉ vài giờ trước khi bóng lăn, tôi cùng hàng trăm nhà báo quốc tế cặm cụi trong trung tâm báo chí bên dưới khán đài A sân Stade de France. Để vào được nơi này, tôi đã phải trải qua ít nhất 3 lần cửa: kiểm soát mã số thẻ tác nghiệp, máy soi an ninh và lần cửa cuối cùng là kiểm tra thẻ bằng mắt thường. Nhưng sự rà soát tưởng chừng con kiến cũng không lọt ấy vẫn chưa đủ. Giữa lúc các nhà báo đang hối hả thì lực lượng rà bom xuất hiện, lịch sự yêu cầu tất cả bỏ lại đồ đạc bên trong và rời phòng làm việc. “Chúng tôi cần kiểm tra chất nổ. Mong quý vị hợp tác”, một tình nguyện viên truyền đạt lại ý của người chỉ huy. Các phóng viên lập tức rời đi và cánh cửa phòng đóng lại.
Qua ô vuông nhỏ trên cửa, chúng tôi được chứng kiến một phần công việc của đơn vị rà bom. Chú chó nghiệp vụ được đưa vào sục sạo khắp nơi. Máy dò quét lên từng chiếc ba lô, va li đựng máy ảnh. Nhân viên còn dùng mắt thường xem xét kỹ lưỡng thùng đựng rác, hốc đèn trần. Sau chừng 15 phút, đội dò bom mới rời đi. Không chỉ ở đây, các chuyên gia cùng chó nghiệp vụ cũng xuất hiện khắp nơi xung quanh sân, mỗi khi có dấu hiệu nghi vấn là ngay lập tức yêu cầu cổ động viên (CĐV) đặt ba lô, túi xách xuống để kiểm tra chất nổ, sau khi đã kiểm tra ít nhất một lần ở cửa soát vé.
Khi trận đấu kết thúc và không có sự cố an ninh nào xảy đến, tôi lại len lỏi giữa dòng CĐV dày đặc. Khắp xung quanh sân, cảnh sát và quân đội được triển khai dày đặc, với súng ống lăm lăm, từ sân Stade de France đến nhà ga tàu điện kế cận. Trên thực tế, nước Pháp vẫn còn được đặt trong tình trạng khẩn cấp từ tháng 11.2015 đến nay, sau loạt đánh bom khủng bố khắp Paris và Sain-Denis và nhân viên bảo an được mở rộng quyền nổ súng.
Có thật sự an toàn?
Cảnh sát Marseille với áo giáp, súng ống tối tân luôn túc trực xung quanh sân vận động Velodrome Đỗ Hùng
Sau đêm khai mạc, tôi vội vã xuôi xuống Marseille. Hơn 4 tiếng đồng hồ để tàu tốc hành TGV hoàn tất hành trình gần 800 km từ Paris tới thành phố bên bờ Địa Trung Hải ở phương nam. Ngay khi bước xuống sân ga Marseille St Charles, đập vào mắt tôi lại là bóng dáng những cảnh sát với áo giáp, súng ống mà nhìn từ xa cứ như hiệp sĩ thời trung cổ.
Trong mùa Euro 2016, nước Pháp đã huy động 90.000 người, bao gồm cảnh sát, quân đội và 13.000 nhân viên công ty vệ sĩ tư nhân. Riêng thủ đô Paris, lực lượng này lên tới 13.000 người. Tại Marseille, hiện có khoảng 1.000 cảnh sát và 1.850 nhân viên an ninh được điều động để bảo vệ sân Velodrome và khu fanzone ở Prado. Bên cạnh đó còn có 100 binh sĩ quân đội và 600 nhân viên an ninh tư nhân. Sân đấu tại đây được đặt 30 camera giám sát; con số này là 11 ở fanzone. Hàng loạt biện pháp phòng ngừa đã được triển khai, ví dụ chính quyền cấm hàng quán đặt màn hình lớn truyền hình trực tiếp bóng đá ngoài trời. Bởi như vậy sẽ khiến tạo ra những đám đông “tự phát”, khó kiểm soát được an ninh. Người hâm mộ không có vé được khuyến cáo xem ở nhà hoặc tới fanzone.
Công tác an ninh được gia cường tới mức tối đa. Nhưng liệu như thế đã đủ để đảm bảo một kỳ Euro an toàn? Thực ra, không có câu trả lời chắc chắn 100% cho chuyện này. Tại Marseille, hồi giữa tuần đã có CĐV Anh bị bắt do quậy phá. Hôm thứ năm, một phóng viên báo The Sun, cũng của Anh, đã thử đột nhập vào fanzone và không bị phát hiện. Vụ việc trên đang gây tranh luận dữ dội ở Marseille và các CĐV có thêm lý do để mà lo. Một gã phóng viên có thể chui lọt thì một tên khủng bố được huấn luyện kỹ lưỡng có thể làm hơn thế.
Cứ thả lỏng đi
Hình ảnh súng ống, giáp khiên lồ lộ khắp nơi khiến nhiều người băn khoăn. Xem bóng đá giữa thời cảnh giới còn gì vui nữa? Paris và nước Pháp liệu có căng thẳng quá mức không?
Quả thực, sự xuất hiện của súng ống dưới chân tháp Eiffel, bên bờ sông Seine, trên đồi Montmartre và khắp 10 thành phố đăng cai chắc hẳn đã làm cho hình ảnh nước Pháp gồ ghề hơn. Cảm giác căng thẳng và đôi khi phiền phức vì phải trải qua quá nhiều thủ tục an ninh là một thực tế. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nước Pháp đang căng như dây đàn. Mọi người vẫn bình thường, vẫn thưởng thức bóng đá với sự hứng khởi chưa từng có. Và nếu đến Paris, Marseille, Bordeaux... trong những ngày này, có dịp tự mình đi xuyên qua những hàng cảnh sát lăm lăm súng, thậm chí trò chuyện với họ, nhờ họ chỉ đường, bạn sẽ thấy mọi người không hề căng thẳng như cái ấn tượng bên ngoài. Những binh sĩ nhìn có vẻ lạnh lùng luôn sẵn sàng cười vui, chỉ đường, hướng dẫn thông tin tàu điện cho khách vãng lai.
“Thả lỏng đi và xem bóng đá”, anh chàng Alard Cornett nói với tôi khi vừa nhảy xuống từ tàu TGV để đi về trung tâm Marseille. Trước mặt chúng tôi là một sân ga rực nắng và đầy những áo cờ. Phía xa kia là Địa Trung Hải thẳm xanh, yên bình cùng những con tàu trắng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.