EU tiếp tục tự vệ thương mại trước Trung Quốc

21/07/2016 07:39 GMT+7

Liên minh châu Âu (EU) sẽ không tranh luận tiếp liệu Trung Quốc có là nền kinh tế định hướng thị trường hay không, mà sẽ tập trung vào các biện pháp mới giải quyết chuyện trợ cấp, bán phá giá của nước này.

Theo AFP, nền kinh tế thị trường - chuyện đã và đang gây tranh cãi - là vấn đề quan trọng vì nó đồng nghĩa với việc các đối tác làm ăn sẽ phải đối xử với Trung quốc như một thị trường tự do bình đẳng khi giải quyết tranh chấp thương mại.
Gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, Trung Quốc hứa sẽ là nền kinh tế thị trường vào cuối năm 2016, động thái bị nhóm 28 nước phản đối vì nó để Bắc Kinh đứng ngoài chuỗi dài nhiều tranh chấp khác nhau, từ thép đến tấm pin mặt trời.
Hôm 21.7, Ủy ban châu Âu (EC) đồng ý rằng khối này sẽ phải hoàn thành nghĩa vụ của họ trong WTO liên quan đến tư cách thành viên của Trung Quốc. Dù vậy, EU vẫn nên có nhiều kế hoạch “duy trì hệ thống phòng thủ thương mại mạnh mẽ”.
Ủy viên EC phụ trách việc làm, tăng trưởng và đầu tư Jryki Katainen nói với báo giới rằng EU nên “quên cụm từ này” khi được hỏi liệu họ có xem Trung Quốc là nền kinh tế thị trường hay không. “Tốt hơn là nên quên khái niệm này, vì cách tiếp cận của chúng tôi hoàn toàn khác nhau”, ông Katainen cho biết. Ông nhấn mạnh đề xuất mới sẽ đảm bảo cho doanh nghiệp EU có cùng mức bảo vệ, bồi thường đối với hành vi bán phá giá và trợ cấp bất hợp pháp hiện nay của Trung Quốc.
Mới đây, EU cũng nộp đơn khiếu nại lên WTO về các biện pháp kiềm chế xuất khẩu nguyên liệu công nghiệp chủ chốt của Trung Quốc. Bắc Kinh phản ứng mạnh, cho hay tất cả biện pháp họ dùng là hợp pháp. Tại Hội nghị Thượng đỉnh EU - Trung Quốc tuần trước, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker cảnh báo EU sẽ dùng mọi cách để tự vệ trước “cơn lũ” thép nhập khẩu từ Đại lục.
Trung Quốc làm ra hơn một nửa lượng thép thế giới và bị cáo buộc bán phá giá hàng loạt khi thị trường nội địa lao dốc. Tuy nhiên, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho hay thực trạng này không phải do bất kỳ quốc gia nào gây ra. Đại lục là đối tác thương mại lớn thứ nhì của EU, sau Mỹ song chính phủ quốc gia châu Á vẫn đang đóng vai trò trung tâm trong việc chỉ đạo nền kinh tế.

tin liên quan

EU đệ đơn kiện Trung Quốc ở WTO
Liên minh châu Âu (EU) vừa theo chân Mỹ kiện Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì các loại thuế mà nước này đặt lên nguyên liệu thô xuất khẩu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.