EU sắp kiện Trung Quốc lên WTO vì ‘cưỡng ép’ Lithuania

Khánh An
Khánh An
27/01/2022 07:40 GMT+7

Liên minh châu Âu (EU) dự định kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vì chặn hàng xuất khẩu của Lithuania sau khi nước này cho phép Đài Loan hiện diện ngoại giao.

Logo của WTO tại trụ sở ở Geneva (Thụy Sĩ)

Afp

Tờ South China Morning Post ngày 27.1 đưa tin Liên minh châu Âu (EU) sắp kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), sau khi hoàn tất cuộc điều tra riêng về cáo buộc Trung Quốc cưỡng ép Lithuania.

Theo các nguồn thạo tin, EU sắp đề nghị tham vấn với Trung Quốc tại Geneva (Thụy Sĩ) sau khi thu thập các chứng cứ thông qua phỏng vấn trong tháng qua với giới doanh nghiệp Lithuania bị ảnh hưởng.

Bộ trưởng Thương mại Pháp Franck Riester cho hay EU sắp kiện và Pháp hiện giữ vai trò chủ tịch luân phiên của EU hoàn toàn ủng hộ vụ kiện.

Trung Quốc bị cáo buộc áp đặt lệnh cấm vận không chính thức đối với hàng xuất khẩu của Lithuania, thành viên EU, sau khi nước này cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện tại thủ đô Vilnius, lấy tên là Đài Loan thay vì Đài Bắc.

Hàng xuất khẩu của Lithuania sang Trung Quốc giảm hơn 90% trong tháng 12.2021, so với tháng 12.2020 cũng như tháng 1.2021.

Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc về việc cấm vận trên và nói với giới chức EU rằng các doanh nghiệp Trung Quốc đơn giản chỉ quyết định không mua hàng hóa từ các nước “đã công kích chủ quyền của Trung Quốc”.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh chính phủ Lithuania chịu áp lực phải đặt tên lại Văn phòng Đại diện Đài Loan.

Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda mô tả việc đặt tên là “sơ sót”, trong khi các doanh nghiệp vận động chính phủ vì mất khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc, dù chỉ một số lượng khá nhỏ các công ty Lithuania xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tại châu Âu, nhiều ý kiến tỏ ra bức xúc về việc Trung Quốc chặn hàng hóa từ các nước như Pháp, Đức và Thụy Điển có thành phần được sản xuất từ Lithuania.

Nhà tù bí mật để CIA giam giữ người trái phép sắp được Lithuania rao bán
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.