EU, Mỹ, Trung Quốc đứng sát vách cuộc chiến thương mại

09/07/2017 09:15 GMT+7

Giữa lúc cảnh sát và người biểu tình đụng độ bên ngoài Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Hamburg (Đức), các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Trung Quốc bên trong đang đứng sát vách một cuộc chiến thương mại.

Theo AFP, cuộc chiến thuế thép sẽ không chỉ diễn ra giữa Mỹ, EU mà còn bao gồm cả Trung Quốc.
Trước khi các cuộc đàm phán trong khuôn khổ G20 diễn ra hôm 7.7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho biết EU sẵn sàng phản ứng thích đáng nếu các nước khác tung biện pháp tự vệ trước thép nhập khẩu từ nước ngoài. Cách đây không lâu, Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết sẽ áp dụng thuế quan lên thép nhập khẩu để bảo vệ ngành sản xuất Mỹ và Washington có thể bắt đầu áp thuế sớm nhất từ ngày 13.7.
Thuế quan với một số sản phẩm thép sẽ ảnh hưởng đến nhập khẩu thép vào Mỹ, vốn đạt 152,6 triệu USD năm ngoái. Đức, Nhật là hai nước xuất nhiều thép đến Mỹ nhất, theo sau là Thụy Sĩ, Ấn Độ, Hàn Quốc và Ý.
EU hiện áp dụng một số biện pháp chống lại thép Trung Quốc vì cho rằng chính phủ Đại lục đang trợ cấp thiếu công bằng cho các nhà sản xuất nước nhà để bóp méo thị trường.
Không như Trung Quốc, “châu Âu không thể bị đặt ngang hàng với các hoạt động cạnh tranh thiếu lành mạnh mà chúng ta không tham gia”, Văn phòng Tổng thống Pháp tuyên bố, cam kết sẽ phản ứng nhanh nếu Mỹ nhắm mục tiêu vào xuất khẩu thép EU. Giới chức EU cũng vừa đưa ra danh sách các mặt hàng Mỹ có thể bị trừng phạt để trả đũa, từ nước cam cho đến các sản phẩm sữa.
Ông Juncker chưa xác nhận chi tiết nhưng nhấn mạnh rằng Brussels đang trong trạng thái cảnh báo cao và chỉ mất vài ngày để khối này phản ứng với các biện pháp của Mỹ.
Trong khi EU và Mỹ căng thẳng chuyện thuế thép, Đại lục - nước cung ứng khoảng một nửa số thép toàn cầu - ít nói về chủ đề này tại Hamburg. Bắc Kinh từng lên tiếng phản đối lệnh trừng phạt từ châu Âu hồi tháng trước, cáo buộc Brussels chưa hiểu hệ thống cho vay của nước này. Ông Wang Hejun, quan chức cấp cao thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết: “Châu Âu thành kiến, thiếu công bằng khi đổ lỗi vấn đề công nghiệp của riêng họ cho Trung Quốc”.
Thép chỉ là một trong số danh sách dài các vấn đề về khiếu nại có thể ảnh hưởng đến tuyên bố chung của G20. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm ngoái diễn ra ở Hàng Châu (Trung Quốc), giới lãnh đạo nhất trí rằng “năng suất dư thừa trong ngành thép và các ngành công nghiệp khác là vấn đề mang tính toàn cầu, đòi hỏi nhiều phản ứng chung nhằm tạo ra cơ chế để tăng cường chia sẻ thông tin và hợp tác giải quyết vấn đề”. Dù vậy, nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán G20 cho biết Trung Quốc vẫn chưa thực sự chia sẻ tất cả thông tin.
Một quan chức cấp cao nói trên tờ Financial Times: “Tín hiệu mà chúng tôi đưa ra là chúng tôi hoàn toàn sẵn sàng hợp tác với Mỹ” để nhắm mục tiêu vào thép Trung Quốc. Tuy nhiên, quan chức này cũng cho rằng hai bên sẽ rất khó hợp tác về mặt chính trị nếu cả EU cũng là mục tiêu của biện pháp trừng phạt từ Mỹ.
Là người chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh năm nay, Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 7.7 kêu gọi một giải pháp “đa phương” để giải quyết tình trạng dư cung thép thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.