EU chia rẽ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc ở châu Phi

08/02/2022 20:00 GMT+7

Sự chia rẽ bên trong Liên minh châu Âu (EU) đang khiến kế hoạch huy động 300 tỉ euro (343,5 tỉ USD) để đầu tư vào châu Phi của khối này gặp khó khăn.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen công bố kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng mới mang tên Global Gateway vào tháng 12.2021

Ủy ban châu âu

Chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa, hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) - Liên minh châu Âu (EU) lần thứ sáu sẽ diễn ra. Tuy nhiên, theo South China Morning Post, các thành viên EU vẫn chưa thống nhất về gói tài chính có thể cạnh tranh với Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.

Trong hội nghị thượng đỉnh diễn ra ngày 17-18.2 tại Brussels (Bỉ), EU có kế hoạch khởi động “một gói đầu tư châu Phi - châu Âu đầy tham vọng, đã xem xét những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và cuộc khủng hoảng y tế hiện tại”.

Trước đó, EU vào tháng 12.2021 thông báo sẽ huy động tới 300 tỉ euro (343,5 tỉ USD) cho các khoản đầu tư công và tư trên khắp thế giới đến năm 2027. Số tiền khoảng 68,5 tỉ USD/năm sẽ được sử dụng để giúp các nền kinh tế đang hồi phục sau đại dịch Covid-19, vốn đã đẩy nhiều nước châu Phi vào cảnh nợ nần chồng chất.

Kế hoạch có tên gọi Global Gateway (tạm dịch Cửa ngõ toàn cầu) trên của EU là phản ứng đối với việc ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Phi về kinh tế và chính trị ngày càng tăng thông qua BRI. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thậm chí còn gọi Global Gateway là phương án thay thế BRI của Trung Quốc.

EU đã đề xuất gói đầu tư ban đầu trị giá 20 tỉ euro (22,8 tỉ USD) mỗi năm cho cơ sở hạ tầng ở châu Phi. Tuy nhiên, các nhà quan sát nói rằng khối này đang gặp vấn đề nan giải trong việc đồng thuận với cam kết tài chính của các quốc gia thành viên và quyết định dự án sẽ nhận được tài trợ.

Tổng thống Uganda: người Trung Quốc quyết liệt "gõ cửa" vì cơ hội đầu tư

Tranh cãi nội bộ

South China Morning Post dẫn lời tiến sĩ Tim Zajontz, giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Freiburg (Đức), cho biết có sự khác biệt lớn về lợi ích và khá nhiều cuộc tranh luận giữa các thành viên EU.

Theo ông Zajontz, Tây Ban Nha muốn có nhiều dự án hơn ở Bắc Phi. Người Đức thì cho rằng các dự án chưa được suy xét kỹ lưỡng. Trong khi đó, Hungary, Phần Lan và Bồ Đào Nha nói trước tiên họ phải cấp ngân sách cho các dự án phát triển khác.

Tuy vậy, các bên được cho là sẽ đưa ra cam kết tại hội nghị thượng đỉnh AU - EU. Hội nghị này diễn ra ba năm một lần và do Bờ Biển Ngà đăng cai lần cuối vào năm 2017. Năm 2020, hội nghị bị hoãn vì các khó khăn đại dịch Covid-19 gây ra.

"Bất chấp những tranh cãi trong nội bộ về định hướng chiến lược của EU đối với châu Phi, EU sẽ đề xuất một loạt các dự án tại hội nghị thượng đỉnh để tăng thêm độ tin cậy cho tuyên bố của mình rằng châu Âu cung cấp một giải pháp thay thế khả thi cho Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc", ông Zajontz nhận định.

Trong gần một thập niên qua, Trung Quốc đã tài trợ và xây dựng các dự án lớn, bao gồm cảng, đường cao tốc, nhà máy điện và đường sắt ở châu Phi, châu Á và một phần châu Âu theo chương trình BRI. Tuy nhiên, những khoản đầu tư này, đặc biệt là ở châu Phi, đã vấp phải sự chỉ trích từ Mỹ và các quốc gia phương Tây. Các nước này cho rằng hoạt động cho vay của Trung Quốc đang kéo quốc gia nghèo vào bẫy nợ.

Trung Quốc đầu tư rất nhiều vào châu Phi trong những năm qua

shutterstock

Do đó, các bên cho vay ở Trung Quốc đã trở nên thận trọng hơn - đặc biệt là đối với các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Tuần trước, Bộ trưởng Giao thông Rotimi Amaechi của Nigeria cho biết các khoản vay từ Trung Quốc đã bị trì hoãn. Vì vậy, Nigeria đang tìm kiếm nguồn tài trợ từ châu Âu để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường sắt.

Chưa chắc chắn

Bên cạnh quy mô của gói tài trợ, các điều khoản tài trợ cũng sẽ ảnh hưởng đến việc các nước châu Phi có tiếp nhận tài trợ hay không.

Tại hội nghị thượng đỉnh, các nước châu Phi có thể sẽ thúc đẩy việc thông qua thỏa thuận sản xuất vắc xin trong nước và cũng tìm kiếm các khoản vay ưu đãi để tài trợ cho các dự án.

Tuy nhiên, ông W. Gyude Moore, chuyên gia Trung tâm nghiên cứu phát triển toàn cầu tại Washington (Mỹ) và là cựu Bộ trưởng Công trình công cộng Liberia, cho biết còn nhiều điều chưa chắc chắn. Theo ông Moore, vẫn phải xem liệu EU có đưa ra một gói tài chính tương xứng với những khoản chi khổng lồ của Trung Quốc đối với cơ sở hạ tầng ở châu Phi hay không.

“Chúng ta có thể lạc quan một cách thận trọng”, ông Moore nói. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý rằng tờ The Economist gần đây đã gọi Global Gateway là “một hỗn hợp các cam kết, bảo đảm cho vay và các giả định hùng hồn về khả năng thu hút đầu tư tư nhân của EU hơn là chi tiêu mới trên thực tế”.

“Nếu đây là dấu hiệu cho thấy những chuyện sắp xảy ra, các cam kết này không có gì hấp dẫn”, ông Moore nhận định.

Tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - Châu Phi (FOCAC) vào cuối tháng 11.2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa đầu tư 40 tỉ USD vào châu Phi, bao gồm xuất khẩu và hỗ trợ hạn mức tín dụng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu qua video tại FOCAC 2021

chụp màn hình tân hoa xã

Theo Trung tâm Phát triển Toàn cầu, với việc Hội nghị thượng đỉnh Liên minh AU - EU liên tục bị hoãn, các nhà lãnh đạo châu Phi đã tăng cường quan hệ với các cường quốc toàn cầu khác, trong đó có Trung Quốc.

“FOCAC không chỉ thể hiện chiều sâu và bề rộng ấn tượng của quan hệ Trung Quốc - châu Phi mà còn báo hiệu cách tiếp cận mới dựa trên tài sản 'mềm', gần như chạm vào khu vực ảnh hưởng của EU và chiến lược kết nối toàn cầu trị giá 300 tỉ euro của họ", ông Moore viết trong một bài phân tích.

Ông Moritz Weigel, giám đốc sáng lập của công ty Tư vấn Trung Quốc châu Phi có trụ sở tại Đức, cho biết cho đến nay việc công bố các gói tài trợ của Global Gateway chỉ giới hạn trong việc xác định lại các cam kết hiện có hoặc thông báo huy động đầu tư.

“Sẽ rất thú vị khi chờ xem liệu Hội nghị thượng đỉnh AU - EU có dẫn đến cam kết cụ thể hơn nào về nguồn tài chính mới hay không hay chỉ là xác định lại những cam kết hiện có”, ông Weigel nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.