ePass và ‘cú hích’ từ thu phí không dừng

17/08/2022 08:49 GMT+7

Những nỗ lực “thần tốc” của Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC) trong 2 năm vừa qua đã trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy dự án thu phí tự động không dừng ETC chính thức cán đích sau nhiều năm “lỡ hẹn”.

Đòn bẩy quan trọng đưa ETC về đích

Ngày 1.8, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tuyến cao tốc cuối cùng trong 4 dự án cao tốc của Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc VN (VEC) chính thức thu phí tự động không dừng. Nút thắt lớn nhất đã được gỡ bỏ, dự án thu phí tự động không dừng ETC đã về đích sau 7 năm chật vật, nhiều lần trì hoãn với không ít khó khăn, vướng mắc tính từ thời điểm triển khai năm 2015.

Việc vận hành ETC toàn quốc không ít lần "lỡ hẹn" thậm chí những thời điểm dự án gần như dậm chân tại chỗ. Lợi nhuận thấp, thu hồi vốn chậm, chủ đầu tư BOT không có nhiều động lực đàm phán, người tham gia giao thông chưa nhận thức đúng về lợi ích của ETC… được coi là những nguyên nhân chính của sự chậm trễ.

Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của nhà đầu tư thứ 2 là Công ty CP Giao thông số Việt Nam VDTC được coi là yếu tố quan trọng thúc đẩy triển khai ETC. Trước đó dự án chỉ có một nhà đầu tư duy nhất là Công ty TNHH Thu phí tự động VETC thuộc Tập đoàn Tasco.

Tốc độ triển khai thần tốc hệ thống ePass của VDTC đã thể hiện sự nghiêm túc của doanh nghiệp này đối với dự án. Tháng 11.2020, chỉ sau hơn 4 tháng ký hợp đồng, VDTC đã hoàn thành kết nối 35/35 trạm thu phí đạt yêu cầu của hợp đồng BOT, BOO và chỉ đạo của Chính phủ. Đây là khối lượng công việc tương đương dự án BOO1 thực hiện trước đó trong gần 4 năm.

Đặc biệt, VDTC là đơn vị đầu tiên và duy nhất của VN hiện nay làm chủ được hệ thống ETC từ Backend đến Frontend đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật của Tổng cục Đường bộ VN. Năng lực này giúp VDTC kiểm soát chất lượng dịch vụ, nâng cao trải nghiệm cho người tham gia giao thông và công tác bảo trì, quản lý.

Vượt qua nhiều khó khăn, sự thành công bước đầu của dự án ETC chính là quyết tâm lớn từ phía Quốc hội và Chính phủ. Hành lang pháp lý cho ETC dần hình thành với Nghị Quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định 19/2020/QĐ-TTg của Chính phủ, tạo tiền đề cho ETC cũng như sức ép để Bộ GTVT, các nhà đầu tư thúc đẩy tiến độ dự án.

Khắc phục các bất cập

Những lo ngại về tính khả thi, tỷ lệ xe dán thẻ thấp, hệ thống kỹ thuật... của dự án ETC được giải đáp khi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thí điểm thành công thu phí ETC hoàn toàn từ ngày 1.6.2022. Dù có một vài trục trặc ban đầu, song chỉ sau thời gian ngắn triển khai, mô hình thí điểm đã mang tới niềm tin lớn cho sự thành công cho việc triển khai ETC trên quy mô toàn quốc.

Ông Bùi Trình, Tổng giám đốc VDTC, cho biết ban đầu chủ phương tiện còn ngần ngại vì thói quen của người VN, song nhờ sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng CP, Bộ GTVT và qua truyền thông, lưu lượng dán thẻ, cũng như lưu lượng ETC đã tăng rất mạnh. Trong nửa đầu năm 2022, VDTC đã phát triển được gần 400 nghìn thuê bao ePass mới, đạt 88% kế hoạch năm. Đến nay tổng số thuê bao ePass đã đạt con số 1,5 triệu.

Theo thống kê, tính đến ngày 2.8 đã có 3,52 triệu xe trên toàn quốc dán thẻ ETC, tăng gần 1,2 triệu xe so với cuối năm 2021. Với tốc độ này, việc đạt tỷ lệ trên 80% vào cuối tháng 8 được đánh giá hoàn toàn khả thi.

Với các xe dán thẻ ETC, thời gian xe qua trạm thu phí tự động được ghi nhận rút ngắn 6 - 7 lần so với hình thức thu phí thủ công một dừng. Tất cả những bất cập của hình thức thu phí thủ công trước đây như thường xuyên gây ùn tắc, thiếu minh bạch trong kiểm soát doanh thu, hạn chế quá trình hiện đại hóa hạ tầng giao thông... đang được gỡ bỏ nhờ ETC.

Sau giai đoạn 1 hiện nay, tới đây thu phí không dừng sẽ tiến tới giai đoạn 2 và sau đó là giai đoạn 3 - 4 (giai đoạn đa làn tự do), từ trả trước sang trả sau, đồng thời bỏ barie và các trạm thu phí hiện nay, tạo thuận lợi tối đa cho người dân. Đây cũng là giai đoạn phát huy hiệu quả cao nhất của thu phí không dừng, hoàn toàn tự động từ lưu thông đến trả phí.

Quyết tâm đưa VN vào Top 10 quốc gia có tỷ lệ phương tiện sử dụng ETC cao nhất khu vực

Mặc dù việc đầu tư có thời gian hoàn vốn rất lâu, có thể lên tới gần 30 năm, nhưng VDTC vẫn quyết tâm xây dựng hệ thống ETC đã được Quốc hội, Chính phủ đặt mục tiêu, đồng thời thể hiện vai trò, trách nhiệm trong phát triển đất nước. “VDTC sẽ không ngừng đổi mới, phát triển công nghệ thúc đẩy sự phát triển của ETC, hướng mục tiêu đưa VN vào Top 10 quốc gia có tỷ lệ phương tiện sử dụng ETC cao nhất khu vực”, Tổng giám đốc VDTC nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.