Từ khi tốt nghiệp đại học cho tới lúc nghỉ hưu, cô chỉ gắn với trường tiểu học Thành Công B. Tại sao cô không có thêm một lựa chọn khác?

Tôi cũng không lý giải được. Có lẽ tôi quá yêu ngôi trường mà tôi cùng với các đồng nghiệp đã bỏ nhiều tâm huyết, công sức xây dựng từ những ngày đầu cực kỳ khó khăn nên cứ gắn bó mãi với nơi đây.

Lúc tôi tốt nghiệp Đại học sư phạm và được phân công về tiểu học Thành Công B (cô Yến tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành giáo dục tiểu học Đại học Sư phạm), trường khó khăn lắm. Có lúc người ta định bỏ ngôi trường này vì ở một phường thì không cần thiết phải có 2 trường tiểu học, nhưng chúng tôi kiên quyến tìm cách không để điều đó xảy ra.

Cô giáo Phạm Thị Yến - Nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Thành Công B

Ngày ấy, tiểu học Thành Công B tiếp quản cơ sở vật chất từ một trường mầm non đã bỏ đi nên có thể hiểu điều kiện là như thế nào. Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh một ông dẫn cháu mình đến trường để xem cơ sở vật chất trước khi nhập học; cháu bé sau khi đi một vòng, chạy ào ra và nói “Ông ơi trường xấu lắm con không học đâu!”, rồi khóc ầm lên…

Thế nhưng, đội ngũ giáo viên chúng tôi ngày đó rất nhiệt tình và tâm huyết với quyết tâm: “Thành Công B nhưng chất lượng không thể loại B”.

Xuất phát điểm không tốt, điều kiện cơ sở vật chất cũng không thuận lợi, làm thế nào Thành Công B có thể vươn lên trở thành một trường “điểm”?

Tôi luôn nghĩ đó là giáo viên. Việc đầu tiên là chất lượng thầy cô phải tốt thì mới có học trò giỏi và tiếp đó mới khẳng định được uy tín và chất lượng của trường. Vì thế, chúng tôi rất chú trọng bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên về chuyên môn, đưa các thầy cô đi học tập ở trường bạn, tham gia các khoá đào tạo nghiệp vụ...

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cố gắng tìm mọi cách để được các cấp quan tâm, đầu tư cho cơ sở vật chất của trường được khang trang hơn, đồng thời kết hợp với xã hội hoá để làm được nhanh hơn. Ngoài việc có trường học được xây mới, chúng tôi còn chú ý đến cây xanh và vệ sinh luôn sạch sẽ, để làm cho các em học sinh yêu thích ngôi trường của mình hơn.

Chỉ sau vài năm, Thành Công B liên tục có giáo viên giỏi các cấp, đội tuyển học sinh giỏi đạt thành tích… và trường bắt đầu có uy tín. Những năm đầu tiên, trường chỉ có khoảng hơn 400 học sinh, 18 cán bộ giáo viên; còn bây giờ Thành Công B có hơn 2.200 học sinh, 98 cán bộ giáo viên và 42 lớp.

Nhưng tôi nghĩ, các con số cũng như thành tích không quan trọng bằng việc Thành Công B là ngôi trường có một tập thể với tư tưởng liên tục được đổi mới trong cách dạy và học, không ngừng áp dụng các công nghệ mới trong giảng dạy, hướng tới sự phát triển toàn diện của học sinh.

Cuối năm 2012, Thành Công B “gây bão” với việc trở thành trường công lập đầu tiên ở Hà Nội triển khai 100% lớp học tương tác – vốn chỉ có khả năng áp dụng ở các trường tư, dành cho con nhà giàu. Cô và nhà trường đã làm như thế nào để thực hiện được trong khi rất nhiều trường khác của thành phố không thể làm được?

Mọi người nhìn thấy chúng tôi triển khai vào cuối năm 2012 nhưng ít người biết là mọi việc bắt đầu từ năm 2008 khi tôi đi công tác ở Đài Loan và tham dự một lớp học tương tác ở đó. Thấy mô hình quá hay cho học sinh và cũng không có gì phức tạp hay ghê gớm nên khi về, tôi bàn với ban giám hiệu rồi quyết định thực hiện.

Thực tế thực hiện cũng không dễ dàng nhưng chúng tôi làm rất bài bản, để giảm bớt các rủi ro vì mô hình này bắt buộc phải làm xã hội hoá do không cơ quan cấp trên nào phê duyệt đầu tư.

Đầu tiên, ban giám hiệu phải đi tìm hiểu kỹ hơn mô hình này và có thành viên phải bỏ tiền túi đi khảo sát ở các nước có mô hình thành công nhất. Tiếp đó, nhà trường tổ chức họp, tập huấn giáo viên làm quen với mô hình học mới. Sau khi giáo viên nắm được những kỹ năng cần thiết, nhà trường mới họp bàn với đại diện phụ huynh để thăm dò ý kiến và tổ chức dạy thử. Kết quả sau nhiều hoạt động là gần như 100% phụ huynh đồng ý.

Một vấn đề nhạy cảm khác là việc đầu tư ra sao. Trong các cuộc họp bàn, hội thảo với phụ huynh về lớp học tương tác, nhà cung cấp thiết bị phải có mặt để giải thích cho phụ huynh tất cả các thắc mắc liên quan đến giá cả, công nghệ… Phụ huynh cũng có quyền đề nghị nhà cung cấp khác và họ cũng phải bảo vệ kế hoạch như nhau. Chúng tôi là giáo viên chỉ nói về cách dạy ra sao với lớp học mới và những thay đổi với học sinh mà thôi.

Nhiều phụ huynh rất giỏi và am hiểu về CNTT. Họ hỏi nhiều câu hay với nhà cung cấp và chúng tôi cũng học thêm được rất nhiều từ đó. Những buổi hỏi đáp cũng làm sáng rõ mọi vấn đề cả về kỹ thuật, tiền bạc… giúp phụ huynh, chúng tôi và cả nhà cung cấp hiểu rõ nhau để có phương án tốt nhất.

Theo phương án cuối, tính trung bình, mỗi gia đình học sinh sẽ phải trả không tới 100.000 đồng/tháng cho công tác xã hội hoá lớp học tương tác và gia đình có khó khăn sẽ được hỗ trợ hoặc giãn tiến độ đóng tiền theo các đợt… Cuối cùng, chúng tôi cũng đã thuyết phục được gần như tất cả các phụ huynh đồng ý.

Mong muốn tạo ra phương pháp dạy và học mới, hiện đại – điều sẽ tốt cho học sinh nhưng gặp quá nhiều phiền phức, cô nghĩ gì sau khi triển khai lớp học tương tác?

Tôi và ban giám hiệu vẫn thế thôi. Chúng tôi kiên trì với việc đổi mới. Đổi mới là phải mạo hiểm rồi nhưng không đổi mới còn nguy hiểm hơn. Ngày trường còn nhiều khó khăn, không ít người nói với tôi “mình Yến thì làm được điều gì?”. Tôi thì nghĩ, nếu ai cũng có tư tưởng đó thì trường làm sao phát triển được.

Mình cứ bắt đầu thay đổi từ một cái rất nhỏ thôi và phải kiên trì để làm được, rồi làm tiếp, làm tiếp… Rất may là ở Thành Công B, tôi không phải làm một mình và cả đội ngũ cùng sẵn sàng làm.

Trở lại chuyện lớp học tương tác, tôi cho rằng một số trường ngại làm vì không ít người sẽ nghĩ đó là việc “ôm rơm rặm bụng”, quá nhiều rủi ro về việc bị khiếu nại liên quan đến chuyện đóng tiền vì trường công mà, phải giải thích, giải trình quá nhiều, rồi đủ thứ trục trặc khi dạy học và

Thực tế là không ít lần tôi và cô hiệu phó (giờ là Hiệu trưởng trường Thành Công B) phải lọ mọ tận đêm cùng với nhà cung cấp ở trường vì máy tính trục trặc, hôm đang dạy thì phần mềm gặp vấn đề, ngày khác là mạng lại gặp chuyện…

Thế nhưng, sau một thời gian quen với cách dạy mới, các giáo viên đều nói với tôi: “Giờ em không thể quay lại dạy theo cách cũ được, nó chán và chuẩn bị còn mệt nữa”. Rõ ràng, cái mới bao giờ cũng gặp vấn đề khi bắt đầu thực hiện nhưng khi mọi người hiểu tác dụng thì mọi việc hoàn toàn khác.


Được biết sau khi nghỉ hưu cô được mời làm Hiệu trưởng một trường quốc tế và tham gia một dự án về giáo dục trực tuyến có tương tác của Viettel. Dự án với Viettel có điểm gì thú vị?

Trước đây, khi bắt đầu làm công tác quản lý ở trường tôi đã hiểu thầy cô giáo giỏi là nhân tố quyết định nhưng tổ chức theo cách cũ thì họ chỉ tốt với học sinh trong phạm vi trường của mình mà thôi. Còn với sự phát triển của ứng dụng CNTT trong giáo dục, môi trường học trực tuyến sẽ đưa các giáo viên giỏi đến bất kỳ nơi đâu học sinh cần và không chỉ là bài giảng một chiều mà có thể tương tác, hỏi đáp với thầy cô như lớp học ở trường.

Hiện tại, Viettel đã có một mạng xã hội học tập trực tuyến có tên Viettelstudy.vn giúp cho tất cả các thầy cô giáo có thể đưa bài giảng hay nhất của mình đến với các học sinh mà không phụ thuộc vào vị trí. Các thầy cô cũng có thể tương tác trực tiếp với học sinh của mình thông qua Viettelstudy bởi mạng xã hội học tập này cung cấp các công cụ tiện lợi nhất cho việc giảng dạy và học trực tuyến với các tài khoản được định danh.

Trên mạng xã hội học tập này, thầy cô có thể tổ chức thi và kiểm tra kiến thức của học sinh, tương tác với học sinh, phụ huynh, thậm chí là cả với các cơ quan quản lý giáo dục. Đó cũng là nơi các thầy cô, học sinh thảo luận về giảng dạy học tập…

Khi được mời tôi rất thích và tham gia với vai trò là một cầu nối với nhiều giáo viên dạy giỏi khác cùng tham gia Viettelstudy, tạo ra một môi trường học tập mới cho các em học sinh. Tôi nói vui với các bạn Viettel khi đi công ty ở huyện vùng cao Y Tý (tỉnh Lào Cai): “Trước đây, mình cứ tự hỏi là bao giờ thì các học sinh miền núi mới có được các thầy cô giỏi như ở trường quốc tế trên thành phố dạy? Giờ thì có rồi, có thể ‘xây’ được trường quốc tế ở Y Tý rồi. Các thầy cô có thể ‘lên đây’ thường xuyên với các em rồi”.

Trở thành người đầu tiên đưa lớp học tương tác vào trường công lập, giờ khi nghỉ hưu, cô lại quyết định hợp tác với Viettel trong một dự án giáo dục 4.0 rất khó và phức tạp. Cô nghĩ gì khi tham gia?

Tôi biết các bạn ở Viettel từ khi còn làm ở trường Thành Công B. Họ hỗ trợ rất nhiều chương trình cho ngành giáo dục nói chung và tôi chia sẽ với tâm huyết của họ dành cho ngành. Viettel rất thành công với viễn thông và các bạn ấy cũng đã mang tới những dự án làm thay đổi việc ứng dụng CNTT trong ngành giáo dục. Viettelstudy là một dự án mới khác.

Với mạng xã hội học tập trực tuyến, nếu là việc dễ thì nhiều người khác đã làm hết rồi. Những thứ đáng giá thì không bao giờ dễ dàng. Viettel đã chọn việc rất khó nhưng nếu thành công sẽ tạo ra một thay đổi lớn trong việc dạy và học.

Tôi chia sẻ với họ và muốn đóng góp một phần nhỏ vào đó. Thực ra, thì khi về hưu, tôi cũng có thể chọn cách nghỉ ngơi và làm những việc đơn giản. Thế nhưng, chỉ làm toàn những việc dễ giống như cứ đi mãi trên con đường bằng phẳng, rất nhạt nhẽo.


Báo Thanh Niên
15.11.2018

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.