"Edgelord" là gì mà khiến người trẻ ngán ngẩm ?

Thanh Nam
Thanh Nam
02/12/2022 17:49 GMT+7

Edgelord khá quen thuộc với người trẻ, đặc biệt là Gen Z. Đây là từ lóng chỉ những người "hay ra vẻ" trên mạng xã hội .

Edgelord là "hay ra vẻ"

Edgelord được kết hợp bởi 2 từ "edge" và "lord'" thường được dùng để mô tả một người cố tỏ ra hiểu biết và thông minh trên mạng xã hội. Tuy nhiên thực tế thì sự hiểu và thông minh ấy chỉ là... ảo chứ không có thật.

Nhiều người 'tỏ ra nguy hiểm' trên mạng xã hội

ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Edgelord đã và đang trở nên phổ biến và thông dụng rất nhiều trong đời sống người trẻ hiện nay. Nói như chuyên gia tâm lý Trần Thị Thảo Nhi (Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam, TP.HCM), thì thế hệ Gen Z quen thuộc với mạng internet. Trong đó, một bộ phận giới trẻ có xu hướng tự biến bản thân mình trở nên nổi bật, cố tình bày tỏ quan điểm gây sốc hoặc xúc phạm người khác như là một cách để thu hút sự chú ý hoặc muốn người khác phải nhìn vào, phải trầm trồ ngưỡng mộ.

Trần Trọng Đức (32 tuổi), nhà ở số 28/10 đường Phan Tây Hồ, Q.Phú Nhuận (TP.HCM) minh chứng việc nhiều người trẻ hiện nay khá là edgelord. "Nhất là trên Facebook và TikTok, không ít người trẻ tự cao tự đại, tỏ ra hiểu biết bất kỳ lĩnh vực hay vấn đề gì. Họ tỏ ra am hiểu tường tận mọi thứ. Nhưng khi được gọi cặn kẽ thì họ lại không biết gì", Đức nói.

Cùng quan điểm, Đặng Bảo Toàn (27 tuổi, làm việc ở Công ty ZitaHima, TP.HCM) cho biết cũng đã từng gặp không ít trường hợp "người trẻ edgelord". "Họ có thể mải mê chém gió về một trận đấu bóng đá, họ có thể say sưa bình luận về một vấn đề y tế, giáo dục, chính trị, xã hội... Họ luôn cho bản thân là đúng. Nhưng đến khi bị ai thắc mắc, hỏi kỹ, họ ngớ người không biết phải giải thích ra sao", Toàn chia sẻ.

Lê Tuyết Thảo, cựu sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM thì cho rằng: "Trên mạng xã hội, hình ảnh người trẻ edgelord xuất hiện nhan nhản, ngập tràn Facebook. Đó là những người có sở thích cạnh khóe, cáu khỉnh, cố gắng tỏ ra vẻ hiểu biết sâu rộng để thể hiện bản thân nhưng sự thật thì ngược lại hoàn toàn".

"Rất bực bội khi gặp những người khoái edgelord. Họ hay làm những điều chẳng giống ai, ăn nói ngược ngạo khiến người khác khó chịu. Thật sự, tôi cảm thấy ngán ngẩm những người edgelord", Thảo nói thêm.

Chuyên gia tâm lý Trần Thị Thảo Nhi cho biết thêm: "Một dạng khác của edgelord, đó là những người này hay soi mói, bình luận tiêu cực, thường có xu hướng xúc phạm, miệt thị người khác về bất kỳ vấn đề gì. Trường hợp dễ thấy nhất trong thời gian gần đây đó chính là TikToker Nờ Ô Nô. Vì edgelord nên chàng trai này đã không ngần ngại cố tỏ vẻ trên mạng xã hội TikTok".

Đừng edgelord!

Võ Chí Tâm (32 tuổi) nhà ở địa chỉ 113/29 đường số 8, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho rằng: "Núi này con thì còn có núi khác cao hơn. Có nghĩa là đừng tưởng bản thân giỏi nhất mà cố tỏ vẻ hiểu biết, thể hiện bản thân quá đà, vì khi gặp những người giỏi hơn, hiểu biết hơn, họ hỏi lại thì dễ rơi vào tình cảnh muối mặt. Thiết nghĩ, người trẻ đừng bao giờ edgelord".

Nguyễn Trần Tuấn Anh, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nói: "Nhiều người cố tình thể hiện bản thân một cách thái quá, thậm chí lố bịch trên Facebook nói riêng và các mạng xã hội khác nói chung. Sự ra vẻ này để mong được người khác tấm tắc ngưỡng mộ. Nhưng việc cố tỏ ra hiểu biết dễ trở thành con dao hai lưỡi, phản tác dụng, dễ nhận về sự chỉ trích của người khác".

"Như khi nói chuyện về World Cup 2022 đang diễn ra. Có người bạn bình luận "như đúng rồi" trên mạng xã hội, rằng bóng đá châu Á đang thể hiện một bộ mặt khởi sắc trong giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh. Người này cũng liệt kê đầy đủ các cầu thủ châu Á để lại ấn tượng mạnh tại World Cup 2022 như: Ritsu Doan (Nhật Bản), Son Heung-min (Hàn Quốc)... Trớ trêu thay, châu Á chỉ có 6 đại diện tham dự World Cup 2022, nhưng người này cho rằng có đến 9 đội, thậm chí đưa cả Việt Nam vào danh sách những đội tuyển châu Á góp mặt tại giải đấu ở Qatar khi tưởng trận Việt Nam đá giao hữu với CLB Borussia Dortmund (Đức) mới diễn ra ngày 30.11 cũng nằm trong vòng loại World Cup", Tuấn Anh chia sẻ.

Theo Tuấn Anh: "Câu chuyện người trẻ tỏ vẻ hiểu biết nhưng khi hỏi cặn kẽ thì 'rất tiếc', mà nói theo ngôn ngữ của Gen Z bây giờ chính là edgelord rất phổ biến. Mong sao mọi người nên thể hiện sự hiểu biết nếu có một cách chừng mực".

Đừng cố tỏ vẻ nguy hiểm trên mạng xã hội rồi tự biến bản thân thành edgelord

ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Chuyên gia tâm lý Trần Thị Thảo Nhi cho rằng: "Chém gió quá đà sẽ trở thành người mắc 'bệnh edgelord'. Đây là 'bệnh' rất đáng suy ngẫm của một bộ phận người trẻ hiện nay. Nếu biết hãy nói, thậm chí nếu biết 10 chỉ nên nói khoảng 5, 6. Chứ đừng chỉ có biết 10 mà 'phán lung tung' lên đến 90, 100".

Ngoài ra, bà Nhi cũng khuyên người trẻ: "Giả sử muốn tìm hiểu một vấn đề gì đó, hãy cố gắng hiểu sâu, hiểu trọn vẹn. Để khi ai đó hỏi đến, có thể giải thích một cách cặn kẽ, thông thạo, tránh trường hợp bị bóc mẽ kiến thức hạn hẹp. Quan trọng nhất, hãy nói không với edgelord. Edgelord không tốt cho bản thân. Đừng cố tình khiến bản thân trở thành người edgelord".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.