Ngày chị Diễm quay trở về Nhật, sân bay quốc tế Nội Bài vắng vẻ

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Nhật, Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Nhật Bản đã nhận được hàng ngàn lượt đăng ký hỗ trợ chuyến bay về nước. Vậy nhưng, chị Trần Thị Diễm (28 tuổi, quê Quảng Nam) dù đang ở Việt Nam đúng thời điểm Tokyo trở thành tâm dịch vẫn mua vé để sang lại xứ sở hoa anh đào cùng chồng.

Trở lại Nhật, chị Diễm phải cách ly 3 ngày ở khách sạn, không mất phí. Sau 3 ngày có kết quả xét nghiệm âm tính, chị được trở về nhà
Sân bay Nhật sắp xếp chỗ ngồi chờ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19

Chị Diễm vẫn còn nhớ như in khoảnh khắc vào tháng 1.2020, các phương tiện báo đài thông tin phát hiện vài ca mắc Covid-19 tại Nhật Bản. Lúc ấy, chị hơi lo nhưng vẫn giữ cùng suy nghĩ như nhiều người Nhật rằng đây chỉ là vi rút cúm thông thường. 

Đến khi, tình hình dịch trên thế giới diễn biến phức tạp và trong nước số người nhiễm tăng nhanh thì chị bắt đầu thấy sợ. Tất cả các siêu thị, nhà thuốc ở Tokyo đều không còn khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn. May mắn, ba mẹ chồng tâm lý nên mua từ sớm và gửi lên để vợ chồng chị sử dụng.

Cùng thời điểm ấy, tại Việt Nam có 2 người Trung Quốc mắc Covid-19 nhưng được chữa khỏi nên mọi mối lo đều dồn về Nhật. Cha mẹ chị Diễm ở Quảng Nam nóng ruột khi thấy con gái ở một nơi có nhiều ca nhiễm, nhưng cũng không biết làm gì khác ngoài điện thoại dặn dò con mỗi ngày.

Cuối tháng 2.2020, chồng chị Diễm có lịch công tác tại Hải Phòng, Việt Nam nên chị cùng chồng về nước. Sau 14 ngày tự cách ly, chị thở phào vì cảm nhận được sự quản lý chặt chẽ của chính quyền và tin tưởng rằng cả chị và chồng đều an toàn ở Việt Nam.Ngày Việt Nam thực hiện cách ly xã hội, chị và chồng vẫn cảm thấy thoải mái, tin tưởng hơn vào hành động quyết liệt của chính quyền ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Khi chị Diễm đang an toàn ở Việt Nam cũng là lúc dịch ở Nhật bùng phát mạnh hơn. Lo lắng cho gia đình chồng và em trai ruột đang làm việc tại đất nước này, chị thường gọi điện qua mạng xã hội hỏi thăm tình hình, sức khỏe.

Ngày Nhật Bản chỉ vừa có vài ca mắc Covid-19, như bao người, chị không quá lo lắng

Bất ngờ, nhận tin em trai phải đi cấp cứu vì có biểu hiện của chứng rò hậu môn, chị Diễm lo đến nóng ran người, rồi cũng chỉ biết khóc chờ tin từ bệnh viện. Chị kể: “Vài hôm sau, em tôi khỏe nhưng một tháng sau đó phải nhập viện để mổ gấp vì nguy hiểm đến tính mạng. Sát ngày thực hiện, bác sĩ nói không mổ được vì không có người nhà bảo lãnh. Vừa lo cho bệnh tình của em, vừa lo thêm vì dịch đang diễn biến phức tạp, nằm viện có thể xác suất lây nhiễm cao hơn tôi mới liều nghĩ đến chuyện xin ĐSQ cho em trai về nước”.

Ngày em trai về nước, cả nhà chị lại mất ăn mất ngủ vì mừng. Sau 14 ngày cách ly tập trung, chị Diễm đưa em trai về quê rồi đi tái khám để chuẩn bị mổ ở BV Đà Nẵng thì bất ngờ bác sĩ báo bệnh tình đã tự hết hẳn.

“Không tin vào tai mình, vì em tôi chưa dùng thuốc điều trị gì, vậy mà về Việt Nam tự hết bệnh. Em tôi quả thật rất may mắn, có thể về đến quê hương, tinh thần thoải mái hơn nên bệnh tình cũng biến mất chăng. Mấy hôm sau đó thì nghe tin BV Đà Nẵng thành tâm dịch, nhà tôi lại thêm thở phào vì nếu em tôi phẫu thuật tại đây, không chừng sẽ phải cách ly cùng BV”, chị Diễm chia sẻ.

Chia sẻ câu chuyện của em trai trên trang cá nhân, chị Diễm xúc động nói về sự hỗ trợ của ĐSQ. Từ đó, chính chị cũng là người đứng ra kết nối những trường hợp bạo bệnh cần về nước điều trị tới đại diện của ĐSQ.

Cuối tháng 6.2020, vẫn còn hàng ngàn người Việt ở Nhật chờ chuyến bay về nước thì chị Diễm cùng chồng lại từ Việt Nam bay trở lại Nhật để tiếp tục công việc. Tokyo những ngày này đang là tâm dịch Covid-19 của Nhật khiến chị thêm lo lắng.

Công ty của chồng chị cũng có người mắc Covid-19 nên anh được làm việc ở nhà. Đây là dịp khiến chị phải thay đổi thói quen ăn ở ngoài. Một tuần, chị đi siêu thị 2 lần, mua đủ đồ ăn cho cả tuần để nấu ăn cho hai vợ chồng.

Ở Nhật đang vào mùa nóng, nhốt mình trong nhà suốt cũng bí bách và dễ stress nhưng không còn lựa chọn nào khác. Chị Diễm lấy việc nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa làm thú vui để tâm trạng thoải mái hơn.

Nhiều biến động tâm lý và các sự việc nối tiếp nhau trong mùa dịch Covid-19 này khiến chị Diễm sống chậm hơn, có thời gian suy ngẫm lại mọi chuyện trong cuộc sống. Chị trải lòng: “Tôi nhận ra điều quan trọng nhất vẫn là gia đình và sức khỏe, mọi thứ khác có hay không không quan trọng. Sau đợt này, tình cảm vợ chồng chắc gắn kết hơn vì cùng nhau làm việc nhà, cùng nấu ăn, dọn dẹp”.

Ga Kawasaki tấp nập người qua lại
Trung tâm thương mại bên trong ga Kawasaki đông đúc dù đang là dịp nghỉ hè.

Bài viết: Vũ Phượng
Đồ họa: Lâm Nhựt

Báo Thanh Niên
13.08.2020

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.