Khi tham quan các gian hàng ở MWC 2019, ông có cảm nhận gì về sự phát triển của ngành di động thế giới?

Qua mỗi kỳ triển lãm, chúng tôi đều thấy rất rõ sự phát triển của ngành di động thế giới, đặc biệt là nếu trùng với các thời kỳ công nghệ khác nhau. Ví dụ các năm trước là 2G, 3G, 4G, thì năm nay nổi bật lên là công nghệ 5G.

Các chuyên gia đều cho rằng, 2019 là năm bắt đầu của công nghệ 5G, và nó sẽ chín muồi vào khoảng 2021-2022. Vây nên, hầu như tất cả các gian hàng tại đây đều mang tới chủ đề về 5G và những ứng dụng tương lai của công nghệ này. Tôi nghĩ, đây chính là thời kỳ phát triển rất mạnh mẽ của ngành di động thế giới.


Trong xu thế phát triển đó, cơ hội phát triển của Viettel trong chiến lược tiếp tục vươn ra thế giới có gì thay đổi không?

Thế giới bắt đầu bước vào kỷ nguyên 5G, và điều quan trọng nhất là Viettel cũng phải bắt kịp với nhịp điệu đó. Hiện nay, ở Việt Nam, đây là chính sách không phải chỉ của riêng Viettel mà cả Chính phủ cũng mong muốn chúng ta nhanh chóng hoà nhập cùng thế giới với công nghệ mới 5G.

Công nghệ 5G rất quan trọng với sự phát triển, bởi nó tạo ra nền tảng cho chuyển đổi số, ứng dụng vạn vật kết nối (IoT) để xây dựng các thành phố thông minh, xã hội thông minh. Triển lãm này cũng đã khẳng định, Việt Nam khôngcòn con đường nào khác ngoài nhanh chóng triển khai công nghệ 5G.

Viettel sẽ có thế mạnh gì so với nhiều tên tuổi lớn khác trên thế giới trong thời đại công nghiệp 4.0 đang phát triển rất mạnh mẽ?

Việc quan trọng nhất của Viettel là xây dựng, đề cử công nghệ 4.0 tại Việt Nam và các thị trường mà Viettel đang đầu tư.

Ở Việt Nam, những nhu cầu của thị trường cần tới cách mạng 4.0 là thanh toán số, nội dung số, chính phủ điện tử, thành phố thông minh, xã hội thông minh. Điểm mấu chốt là phải làm đúng văn hoá Việt Nam, đặc trưng xã hội Việt Nam, chính xác những gì người Việt Nam cần, và áp dụng được cho mọi ngành kinh tế như nông lâm ngư nghiệp, công nghiệp, du lịch, văn hoá.

Tất nhiên, ở Việt Nam, Viettel là mạnh nhất, bởi chúng ta hiểu đúng được con người để tạo dựng được những ứng dụng quan trọng nhất cho xã hội này.


Viettel từng tuyên bố sẽ sản xuất thiết bị 5G và đưa vào lắp đặt ngay khi triển khai 5G tại Việt Nam. Sau khi tham quan MWC2019, ông nghĩ gì về điều đó?

5G có điểm đặc biệt là nhà sản xuất nào muốn có thiết bị 5G thì phải sản xuất được chipset riêng của mình. Hiện nay, thế giới vẫn trong giai đoạn thử nghiệm 5G và chỉ triển khai chính thức vào năm sau. Do đó, nếu cố gắng hết sức để có thiết bị trong vòng 1-2 năm tới thì khi thế giới chuyển sang thương mại hoá dịch vụ 5G hoặc bùng nổ công nghệ này Viettel cũng sẽ có thiết bị 5G của riêng mình để sử dụng.

Theo ông, quá trình 1-2 năm đó có phải trở ngại lớn hay là Viettel vẫn có những thế mạnh khác?

Trong 1-2 năm nữa, đủ thời gian để chúng tôi biết tất cả những gì là cần thiết, là yêu cầu, là tính năng kỹ thuật của 5G thì chúng tôi sẽ bắt nhịp được với thế giới. Công nghệ 5G sở hữu các đặc trưng rất riêng biệt, ví dụ về ăngten. Đó cũng là công nghệ khá mới với Viettel.

Dù vậy, công nghệ chỉ là bước này nâng cấp lên bước kia thôi, ví như 5G có tốc độ cao gấp 10 lần 4G, nên quan trọng nhất là khi có kinh nghiệm, kiến thức để triển khai các trạm thu phát 4G rồi thì đến 5G. Chúng tôi tin tưởng mình sẽ làm được, thông qua việc hợp tác với các công ty khác nhau trên thế giới để sản xuất ra thiết bị phù hợp.

Có ý kiến cho rằng với 5G, xu thế hợp tác về công nghệ giữa các quốc gia sẽ không dễ dàng như trước. Ông nghĩ sao và điều này có làm khó Viettel không?

Đúng là công nghệ 5G có nhiều điểm đặc biệt. Xem triển lãm, tôi cũng có cảm giác các quốc gia có vẻ đang cạnh tranh nhau, so kè khoa học công nghệ của nước nào mạnh hơn thông qua bước tiến về 5G. Chính vì thế sự hợp tác cũng không được rộng rãi như các công nghệ trước.

Các quốc gia đều phải tự sản xuất ra chipset của mình, sau đó là sản xuất thiết bị. Điều này cũng là khó khăn cho Viettel. Ví như 4G, chúng tôi sử dụng chipset trên thị trường, nhưng đến 5G, Viettel buộc phải tự phát triển chipset riêng. Để làm được điều ấy, Viettel chắc chắn phải tìm ra cách phát triển công nghệ này thành công.

Với các công nghệ 5G trình diễn tại MWC 2019, ông có nhận xét gì về việc phổ biến 5G trên thế giới trong những năm tới?

Tiến trình đã được vạch rất rõ. Ở triển lãm này, các nước biểu diễn nhiều hơn về thiết bị hạ tầng 5G, nhưng một số tên tuổi Huawei, Xiaomi, LG, Samsung… đã có có những thiết bị đầu cuối.

Thực tế, để một công nghệ phổ cập được thì phải có những loại thiết bị giá dưới 100 USD. Các chuyên gia đều nhận định, đến cuối 2021, thế giới sẽ có thiết bị đầu cuối giá dưới 100 USD và lúc đó, 5G sẽ bùng nổ.

Năm nay, Viettel đã tham dự MWC lần thứ 5. Tới kỳ tham dự này, cảm nhận của ông về sự thay đổi của Viettel so với những biến đổi trong ngành di động trên thế giới ra sao?

Khi sang đây tham gia triển lãm này, chúng tôi có nhiều mục đích. Mục đích thứ nhất là đi học hỏi, xem thế giới đang làm như thế nào, các đối tác ra sao, công nghệ đã phát triển đến đâu rồi. Việc này năm nào Viettel đều cử chuyên gia sang để làm và tôi nghĩ là kết quả rất tốt.

Mục đích thứ hai là khi Viettel có gian hàng ở đây thì sẽ là nơi để các đối tác tìm tới và đặt vấn đề hợp tác. Tôi thấy hàng năm, đặc biệt năm nay, số lượng các công ty, các quan chức chính phủ đến làm việc với Viettel cho các mục đích khác nhau rất đông. Đó là tín hiệu rất tốt, thể hiện danh tiếng của Viettel ngày càng được nhiều người quan tâm và biết đến hơn.

Thứ ba, việc hiện diện ở MWC là cơ hội để Viettel quảng bá sản phẩm của mình. Tuy nhiên, tôi cũng thấy rằng, sản phẩm Viettel hiện nay vẫn chưa phong phú.

Dẫu vậy, vẫn có rất nhiều người đến gian hàng của Viettel, và chúng tôi cũng có cơ hội nói về sản phẩm của mình. Bước tiếp theo trong tiến trình là muốn bán được sản phẩm thì phải bám được khách hàng, phải có chiến lược marketing đặc biệt. Tôi hy vọng sau triển lãm này, một số sản phẩm Viettel tự so sánh thấy phẩm chất tốt sẽ bán được với doanh số tốt.

Ông thấy được bài học quan trọng gì khi tham quan MWC 2019 và có thể áp dụng được cho Viettel ngay sau đó?

Năm nay, Viettel sang đây với mục đích quan trọng nhất là gặp các đối tác và thể hiện cho họ thấy chúng ta mong muốn bắt kịp với thế giới cùng công nghệ 5G.

Viettel đã được Chính phủ cấp giấy phép thử nghiệm 5G, tức là sẽ phải thử nghiệm rất nhiều thứ, từ công nghệ, tần số, mô hình kinh doanh…, kéo theo đó, việc đầu tiên là phải chọn thiết bị, đối tác, thiết kế cho sản phẩm thử nghiệm. Với nhiệm vụ đầu tiên, nói chung, chúng tôi đã làm được, để có những ý tưởng triển khai 5G thành công trong năm 2019 này.

Ngoài ra, chủ đề của MWC năm nay là kết nối thông minh, chuyển đổi số. Viettel, với chiến lược chuyển đổi số trong ngắn hạn (2019-2020) đã tìm được nhiều ứng dụng cho tiến trình này, ví như các công nghệ trí tuệ nhân tạo, Big data, IoT… Tôi nghĩ, tất cả những cái đó chúng ta đều có thể học được để bắt đầu về triển khai tại Việt Nam.

Viettel trước đây chỉ là công ty viễn thông thôi, nhưng có vẻ các ông đang muốn phát triển thành nhà sản xuất thiết bị?

Tôi nghĩ là chúng tôi có thể làm được. Nhiều công ty ở đây có lẽ chỉ mang theo thiết bị mẫu thôi, có khi chưa có sản phẩm thật, mà để đến khi sản xuất được ra thì còn phải có một thời gian nữa. Nếu mạnh dạn, chúng ta hoàn toàn có thể làm được như vậy.

Thế nhưng quan trọng nhất là các sản phẩm về phần mềm, bởi đây là mảng mà Viettel rất mạnh. Cái Viettel cần là có kịch bản demo rõ hơn để dễ dàng chuyển tải ý đến các khách hàng. Đó là nghệ thuật bán hàng mà chúng tôi cầntiếp tục suy nghĩ, tìm cách, thậm chí, phải tính đến thuê tư vấn.

Báo Thanh Niên
01.03.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.