Chị Trang Trần, một người Việt sinh sống và làm việc tại TP. Nottingham (Anh) đã trả lời Thanh Niên như vậy hồi đầu tháng 3, khi dịch bệnh bắt đầu lan sang châu Âu. Chia sẻ của chị Trang Trần cũng giống những độc giả kiều bào của Thanh Niên ở Mỹ, Úc, Áo hay Slovakia…

Đeo khẩu trang vốn là điều bình thường và quen thuộc ở nhiều nước châu Á, kể cả khi không có dịch bệnh. Thế nhưng, hành động đó lại không bình thường ở xã hội phương Tây, thậm chí còn bị xem là dấu hiệu của người có bệnh hoặc liên quan vấn đề phân biệt chủng tộc. Tạp chí Time dẫn lời Giáo sư xã hội học người Nhật Mitsutoshi Horii làm việc tại Anh cho rằng có sự khác biệt trong quan niệm về chuyện che mặt nói chung và đeo khẩu trang nói riêng giữa người phương Đông và phương Tây. Người phương Tây không có thói quen che mặt và mang xu hướng tiêu cực khi cho đó là đi ngược lại ý thức hệ của họ về chủ nghĩa tự do. 

Có lẽ vì vậy, trong giai đoạn đầu của đại dịch, hầu hết các chính trị gia phương Tây cũng không coi trọng việc đeo khẩu trang, trong khi các nước châu Á đã sớm ra khuyến cáo với người dân. Mãi tới khi dịch bệnh lan rộng, mức độ ngày càng trầm trọng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bắt đầu ủng hộ chủ trương khuyến khích hoặc yêu cầu người dân các nước đeo khẩu trang để phòng ngừa Covid-19. Tới tháng 4, nhiều nước phương Tây, từ châu Âu đến Mỹ đã phải thừa nhận tác dụng của việc đeo khẩu trang giúp ngăn đà lây lan của dịch và ra quy định từ khuyến cáo đến bắt buộc.

Hàng chục triệu người dân phương Tây bắt đầu làm quen với việc coi khẩu trang là vật bất ly thân khi ra ngoài. “Tôi biết rõ khẩu trang hoàn toàn xa lạ với chúng ta. Nhưng cần có một sự thay đổi lớn”, Đài NPR dẫn lời Thủ tướng Áo Sebastian Kurz nói. Cách đây không lâu, Tổng thống Mỹ Donald Trump – người từng bác bỏ chuyện đeo khẩu trang có thể giúp ngăn bệnh – cuối tháng 7 đã xuất hiện công khai với chiếc khẩu trang và không ngần ngại ca ngợi “đeo khẩu trang là yêu nước”. Đổi chiều 180 độ nhưng lại hoàn toàn phù hợp với thực tế đang diễn ra và đó cũng là sự thích nghi cần thiết trong trạng thái mà người ta gọi là “bình thường mới”.

Cũng trong trạng thái “bình thường mới” ấy, những cử chỉ giao tiếp thông thường cũng buộc phải thay đổi. Người dân được khuyên hạn chế cử chỉ thân mật như ôm hôn. CLB RB Salzburg (Áo) hồi tháng 5 có màn ăn mừng chức vô địch Cúp quốc gia lạ mắt chưa từng có trong lịch sử, khi mỗi cầu thủ tự lên bục nhận huy chương, nâng cúp trong tư thế mỗi người cách nhau cả mét. 

Cũng chưa bao giờ, ban công lại trở thành nơi gắn kết cộng động như thời gian vừa qua. Mọi người nâng ly, biểu diễn nghệ thuật, vỗ tay, hát hò ngay tại ban công nhà mình để cổ vũ cho những y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Hình ảnh đó xuất hiện khắp nơi trên thế giới, từ Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Bỉ cho đến Ấn Độ, vừa là lời cảm ơn, vừa là nguồn động lực cho những anh hùng giữa thời đại dịch. 

Không chỉ người dân bình thường, các chính trị gia cũng phải khác đi. Trước nay cái bắt tay giữa các nhà lãnh đạo có thể là chỉ dấu để giới chuyên gia ngôn ngữ cơ thể giải mã mức độ quan hệ hay ẩn ý với đối phương. Tuy nhiên, họ phải dần quen với việc giãn cách, dù gặp nhau trực tiếp cũng hạn chế những “động chạm” vốn từng là truyền thống để biểu đạt tình cảm như bắt tay, ôm, cọ mũi vào nhau hay hôn nhẹ lên má. Thay vào đó, họ biến tấu phép lịch sự thành những cái chạm khẽ khuỷu tay hay đá nhẹ vào chân nhau.

Giới truyền thông gọi vui đây là “vũ điệu chào hỏi” thời đại dịch. Điều thú vị là rất nhiều chính trị gia đã vui vẻ dùng hành động này, bất kể người đối diện là lãnh đạo quốc gia khác hay người ở phe đối lập. Không ai bảo ai thì giờ đó cũng đã trở thành biểu hiện của trách nhiệm và sự quan tâm tới sức khỏe của bản thân lẫn đối phương. 

Gặp nhau thì chạm khẽ khuỷu tay, còn không gặp được thì nhìn nhau qua màn hình trực tuyến. Lần đầu tiên trong lịch sử, hàng loạt cuộc họp cấp cao đã diễn ra theo hình thức trực tuyến. Ở đó vẫn có các cuộc luận bàn quan trọng, những chính sách mang tính quyết định vẫn được đưa ra khi mỗi người ngồi cách nhau nửa vòng trái đất. Sắp tới đây, cũng lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của mình, lãnh đạo 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc sẽ không gặp nhau ở New York (Mỹ) vào tháng 9 trong kỳ họp thường niên của Đại hội đồng, thay vào đó họ chỉ xem bài phát biểu qua video được gửi đến trước. 

Sẽ không còn nhiều cuộc vận động hành lang theo đúng nghĩa đen, vốn được tận dụng tối đa vào các giờ nghỉ giải lao. Những thay đổi này buộc các chính trị gia, giới ngoại giao, giới doanh nghiệp hay tổ chức phải tìm cách thích nghi. Nắm bắt ý định của đối phương qua lời nói trực tiếp, cử chỉ gương mặt có lẽ dễ hơn nhiều việc phải đoán qua màn hình. Trước đây, cục diện bàn đàm phán có thể xoay chuyển chỉ sau một cuộc gặp ngắn bên lề. Giờ đây điều đó sẽ khó khăn hơn khi các nước đều hạn chế di chuyển và tập trung đông người. Tại Mỹ, cuộc bầu cử tổng thống chỉ còn chưa đến 100 ngày nhưng lần đầu tiên các ứng viên không liên tục bay từ bang này sang bang khác mà chuyển sang vận động qua những hình thức gián tiếp khác.

Không chỉ các cuộc họp vĩ mô như Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, kể cả việc học, việc làm giờ đây cũng đã phải thích nghi với trạng thái mới. “Work from home” – làm việc tại nhà dần trở nên quen thuộc với người lao động từ Á đến Âu. Quy định giãn cách mở ra hình thức làm việc đòi hỏi mọi người sự tập trung và trách nhiệm. Bởi ở đó, không có đồng nghiệp hay cấp trên nào kè kè bên cạnh, chỉ là chiếc màn hình, những công việc cần làm và thời hạn hoàn thành. 

Việc học tập cũng đã chuyển lên internet. Hàng triệu học sinh, sinh viên trên thế giới đã không đến trường, nhưng vẫn làm bài tập, vẫn theo dõi bài giảng của giáo viên. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ điều kiện để tiếp cận hình thức mới và cũng không phải lớp học nào cũng đủ chất lượng. “Đại dịch Covid-19 gần như thay đổi hoàn toàn đồng hồ sinh học của em. Bình thường đi học về em chỉ muốn lao vào giường ngủ vì quá mệt, thế nhưng từ khi học trực tuyến, em chẳng thể ngủ được vào buổi tối. Em không cần dậy sớm để chuẩn bị đến trường, bài tập về nhà cũng ít hơn. Mọi việc em cần làm chỉ là “lên lớp” đúng giờ khi giáo viên mở phòng học trên mạng. Thật ra, giáo viên rất cố gắng dạy như bình thường nhưng việc không giao tiếp trực tiếp khiến giờ học không thú vị bằng” - Mate Dvalishvili (15 tuổi – học sinh tại thành phố cổ Kutaisi, Georgia) chia sẻ trên trang web UNICEF. Đại dịch vô hình trung lại phơi bày và khoét sâu thêm những bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đối với trẻ em nghèo. 

Bài viết: Ngọc Mai
Đồ họa: Lâm Nhựt
Ảnh: AFP/REUTERS

Báo Thanh Niên
13.08.2020

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.