Duy trì vĩ mô ổn định giữa 'bão' lạm phát toàn cầu

07/04/2022 06:56 GMT+7

Trong khi hàng loạt quốc gia đang đau đầu đối phó với lạm phát tăng cao thì Việt Nam dù bị tác động mạnh nhưng vẫn duy trì ổn định các chỉ số vĩ mô.

Lạm phát thành nỗi ám ảnh của nhiều nước

Theo ước tính sơ bộ của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), lạm phát hằng năm của 19 quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng lên mức kỷ lục 7,5% vào tháng 3, từ mức 5,9% một tháng trước đó. Giá năng lượng trong tháng 3 đã tăng 44,7% so với cùng kỳ năm trước; giá thực phẩm, rượu và thuốc lá tăng 5% trong một năm. Các loại hàng hóa công nghiệp, không bao gồm năng lượng, tăng 3,4% và hàng hóa dịch vụ tăng 2,7%. Lạm phát trong khu vực đồng tiền chung châu Âu đang ở mức cao nhất kể từ năm 1997. Tương tự, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hay nói cách khác là lạm phát trong tháng 2 của Mỹ cũng tăng 7,9%, là mức cao nhất kể từ tháng 1.1982. Trước đó, chỉ số CPI tháng 1 của Mỹ đã tăng 7,5%, đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp chỉ số này vượt trên ngưỡng 6%.

Doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất văn phòng phẩm tại Công ty DELI - KCN Yên Phong - Bắc Ninh

Ngọc Thắng

Theo Bộ phận dự báo của Tổ chức The Economist (EIU), giá các mặt hàng năng lượng tiếp tục tăng trong năm 2022. Xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến giá dầu thô, khí đốt tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng tăng vọt. Chỉ số giá lương thực, thực phẩm đạt trung bình 140,7 điểm vào tháng 2, tăng 5,3 điểm so với tháng 1 và cao hơn 24,1 điểm so cùng kỳ năm trước. Đây là mức cao kỷ lục, vượt mức cao nhất trước đó trong tháng 2.2011. Sự gia tăng chỉ số lương thực, thực phẩm được dẫn dắt bởi sự gia tăng mạnh của các chỉ số phụ về giá dầu thực vật và giá sữa. Do đó, giá toàn cầu đối với các mặt hàng nông sản đã tăng vọt và sẽ tiếp tục tăng lên chừng nào xung đột còn diễn ra. Cụ thể, giá lúa mì kỳ hạn đạt mức cao nhất trong 14 năm vào ngày 1.3; giá dầu cọ đã đạt mức cao kỷ lục khi các thương nhân vội vàng tìm kiếm nguồn cung thay thế trong bối cảnh không có các lô hàng dầu hạt hướng dương. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2022 lạm phát dự kiến sẽ tiếp tục tăng, trung bình 3,9% ở các nền kinh tế phát triển và 5,9% ở thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Giả sử kỳ vọng lạm phát trung hạn vẫn được duy trì tốt và đại dịch dần suy giảm, lạm phát sẽ giảm dần khi gián đoạn chuỗi cung ứng giảm bớt, chính sách tiền tệ thắt chặt và tái cân bằng nhu cầu từ tiêu dùng hàng hóa sang dịch vụ.

Thế nhưng giữa vòng xoáy giá cả tăng nhanh, chỉ số CPI của Việt Nam quý 1/2021 tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng của quý 1 các năm 2017 - 2020. Các yếu tố làm tăng CPI trong quý là do giá xăng dầu được điều chỉnh 7 đợt. Ngược lại, một số nguyên nhân tác động làm giảm CPI như giá các mặt hàng thực phẩm giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước; giá dịch vụ giáo dục giảm 4,24%...

Kiểm soát tốt chính sách tiền tệ và tài khóa

GS-TS Võ Tòng Xuân, Trường ĐH Nam Cần Thơ, cho rằng giá các mặt hàng lương thực thực phẩm của Việt Nam sụt giảm trong bối cảnh đầu vào tăng nhanh là do nguồn cung trong nước dồi dào. Trong khi các nước xung quanh đều bị “rung rinh”, có thời điểm bị thiếu lương thực vì tắc nghẽn chuỗi cung ứng do các biến động địa chính trị trên thế giới thì an ninh lương thực của Việt Nam vẫn đảm bảo. Sản lượng lúa của Việt Nam vẫn giữ ổn định khi được sản xuất 3 vụ/năm ở khu vực miền Tây, nhất là những địa phương đã khắc phục được tình trạng nhiễm phèn như An Giang, Đồng Tháp, Long An.

Đặc điểm sản xuất của Việt Nam là sử dụng giống lúa cao sản, ngắn ngày nên bảo đảm nguồn cung lương thực cho cả nước và sẽ không có chuyện thiếu đói. Đây là yếu tố tiên quyết giúp ổn định xã hội và kinh tế vì lương thực chiếm nhu cầu chủ yếu trong đời sống hằng ngày của người dân cả nước. Chính vì nguồn cung trong nước dồi dào nên dù chi phí đầu vào tăng nhanh cũng khó làm tăng giá sản phẩm bán ra mà một bộ phận người sản xuất, thương lái bị giảm lời. Vì vậy lạm phát của Việt Nam cũng khó tăng cao như nhiều nước.

PGS-TS Phạm Thế Anh (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) phân tích: chính sách kích thích phát triển kinh tế sẽ tạo ra nguy cơ lạm phát cao hơn trong giai đoạn bình thường trước đây. Nhưng chúng ta phải chấp nhận điều đó. Để làm giảm được tác động gây lạm phát cao thì Chính phủ vẫn đang thận trọng ở chính sách tiền tệ, kiểm soát tín dụng để tránh gây ra nguy cơ bong bóng tài sản.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch thừa nhận những biến động nhất thời trong tình hình kinh tế thế giới, vấn đề giá nhiên liệu, một số chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn, xung đột vũ trang Nga và Ukraine… đang tạo ra thách thức, tăng áp lực nhập khẩu lạm phát của Việt Nam. Dù vậy, Việt Nam vẫn đang duy trì ổn định về mặt vĩ mô, các chỉ số của Việt Nam hiện tương đối tốt. Thời gian qua, Chính phủ đã có những giải pháp phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ và tài khóa, đặc biệt là kiểm soát tốt dòng tiền để giảm nguy cơ lạm phát tiền tệ, kiểm soát giá dịch vụ công. Việt Nam vẫn giữ tốt 3 vấn đề lớn gồm ổn định về giá trị đồng tiền, tỷ lệ xuất khẩu trong quý 1 vẫn tăng hơn 14% và phát triển được thị trường nội địa. Nếu mở cửa tốt về du lịch trong thời gian tới, Việt Nam có thể xử lý nguy cơ lạm phát.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.