Dứt khoát không hợp thức hóa chung cư mini

Lê Hiệp
Lê Hiệp
21/09/2023 06:45 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị TP.Hà Nội phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn cao hơn về phòng cháy, chữa cháy, giao thông, môi trường; đồng thời yêu cầu "dứt khoát không hợp thức hóa chung cư mini".

DÂN CƯ QUÁ ĐÔNG, QUẢN LÝ CHƯA NGHIÊM

Sáng 20.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục phiên họp 26 cho ý kiến về luật Thủ đô sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 6 vào tháng 10 tới đây. Cho ý kiến, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nói đặc biệt quan tâm các quy định liên quan đến việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ thủ đô để đảm bảo thực hiện quy hoạch.

Dứt khoát không hợp thức hóa chung cư mini - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

GIA HÂN

Ông Cường bày tỏ nhất trí với quy định trong khu vực nội đô lịch sử (là khu vực bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, các giá trị truyền thống của người Hà Nội, bao gồm các khu vực thuộc quận Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ được xác định trong quy hoạch chung thủ đô) sẽ không mở rộng diện tích đất các bệnh viện hiện có; không mở rộng, xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, đồng thời di dời những cơ sở sản xuất công nghiệp, y tế, giáo dục đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị trong đô thị trung tâm không phù hợp với quy hoạch. "Chủ trương là rất đúng và chúng ta đặt ra từ khi sáp nhập tỉnh Hà Tây vào Hà Nội, nhưng cần triển khai sớm và quyết liệt", ông Cường nói.

Tuy vậy, Tổng thư ký Quốc hội cho rằng thực tế phát triển thủ đô thời gian qua, nhất là với sự kiện cháy chung cư mini tại P.Khương Hạ (Q.Thanh Xuân), việc tồn tại hơn 2.000 nhà riêng lẻ kiểu chung cư mini cho thấy định hướng xây dựng và phát triển của thủ đô có phần khó kiểm soát, dù có rất nhiều luật, nghị quyết được ban hành cho TP.Hà Nội. "Đó là hệ lụy tập trung dân cư quá đông trong khu vực nội thành, đi kèm với đó là công tác quản lý chưa nghiêm", ông Cường đánh giá.

Cạnh đó, vấn đề di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, trụ sở cơ quan bộ, ngành, theo ông Cường "đã đặt ra từ rất lâu, tuy nhiên triển khai rất chậm chạp". Tại dự thảo luật, danh mục, lộ trình, biện pháp di dời được giao cho Chính phủ, song ông Cường cho biết chưa thấy thể hiện trong hồ sơ dự án luật.

"CHÁY CHUNG CƯ MINI RẤT ĐAU XÓT, NGHIÊM TRỌNG"

Góp ý, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng TP.Hà Nội cần có những tiêu chuẩn, quy chuẩn cao hơn hoặc khác biệt hơn so với cả nước trong các vấn đề giao thông, môi trường, phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Đồng tình với Tổng thư ký Bùi Văn Cường về vấn đề chung cư mini, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Pháp luật của Quốc hội rà soát lại luật Nhà ở sửa đổi đang thẩm tra, "dứt khoát không luật hóa chung cư mini trong luật Nhà ở".

Các đồng chí rà soát lại dự thảo luật Nhà ở, không được hợp thức hóa chung cư mini. Vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội vừa rồi các đồng chí thấy rất đau xót, nghiêm trọng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội cho biết trong các dự thảo luật trước đây đã thiết kế một điều riêng cho chung cư mini, đến dự thảo chuẩn bị trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp 6 tháng 10 tới vẫn giữ nhưng biến thành một điều khác. "Các đồng chí rà soát lại dự thảo luật Nhà ở, không được hợp thức hóa chung cư mini. Vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội vừa rồi các đồng chí thấy rất đau xót, nghiêm trọng", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Giải trình sau đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị quy chuẩn, tiêu chuẩn cho quy hoạch, xây dựng thủ đô nên giao cho TP.Hà Nội quyết định. "Qua vụ cháy chung cư mini vừa rồi thấy là vô cùng bất cập. Giấy phép chỉ cho xây dựng 6 tầng nhưng thực tế xây đến 9 tầng đã là vi phạm. Tuy nhiên, trong điều kiện cụ thể của khu vực này, hạ tầng giao thông có 2 - 3 m phía trước, phía sau mà cấp phép cho xây tới 6 tầng cũng là vô cùng bất cập. Phải chăng những khu vực như thế chỉ cho xây 2 tầng,

3 tầng thôi, chẳng hạn như thế", ông Dũng nói và cho rằng việc giao cho Hà Nội quyết định những vấn đề cụ thể như vậy mới có thể đảm bảo an ninh, an toàn lâu dài.

ĐỀ XUẤT PHẠT VI PHẠM PCCC CAO GẤP ĐÔI

Liên quan vấn đề PCCC, dự thảo luật Thủ đô sửa đổi cũng đề nghị cho phép TP.Hà Nội được mở rộng quy định mức tiền phạt vi phạm hành chính cao hơn tối đa 2 lần thêm 3 lĩnh vực PCCC, vệ sinh an toàn thực phẩm và quảng cáo, bên cạnh các lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng đang áp dụng theo luật Thủ đô hiện hành. Đề xuất này cũng mở rộng phạm vi áp dụng với toàn thành phố thay vì chỉ áp dụng tại khu vực nội thành Hà Nội như hiện hành.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp (cơ quan trình dự án luật - PV) Lê Thành Long, bên cạnh 3 lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng đang áp dụng mức phạt cao hơn theo luật Thủ đô 2012 thì PCCC, vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng cáo cũng đang là những lĩnh vực mà tình hình vi phạm hành chính đang diễn ra rất "nóng", phức tạp. Trong khi đó, mức xử phạt, biện pháp ngăn chặn, biện pháp bảo đảm thi hành chưa bảo đảm tính răn đe, chưa bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, gây bức xúc trong xã hội.

Cùng với tăng mức phạt, ông Long cho biết dự thảo luật cũng đề xuất cho phép TP.Hà Nội áp dụng các biện pháp ngăn chặn bằng việc ngừng cung cấp dịch vụ (điện, nước...) tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, PCCC.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết có thành viên ủy ban cho rằng việc để TP.Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn trên toàn địa bàn; ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại cơ sở vi phạm là chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013 về các quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền bình đẳng trước pháp luật.

Trình Quốc hội 2 phương án rút bảo hiểm xã hội 1 lần

Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến lần 2 về dự án luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi. Theo tờ trình mới nhất gửi tới UBTVQH, Chính phủ đề xuất 2 phương án rút BHXH 1 lần.

Phương án 1, người lao động đã tham gia BHXH trước khi luật có hiệu lực (dự kiến ngày 1.7.2025), sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được rút BHXH 1 lần. Người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi thì không được rút BHXH 1 lần.

Quy định này không áp dụng với các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định của luật.

Phương án 2, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần. Tuy nhiên, dự thảo quy định chỉ được rút tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị kết hợp 2 phương án Chính phủ trình thành một phương án thống nhất và nghiên cứu nên có lộ trình giảm dần phần trăm mức hưởng khi nhận BHXH 1 lần, vì nếu giảm một lần sẽ gây phản ứng chính sách.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là vấn đề lớn nhất trong dự án luật sửa đổi lần này. Cho rằng có nhiều phương án, theo Chủ tịch Quốc hội, có thể trình Quốc hội phương án Chính phủ đang tiếp thu để Quốc hội tiếp tục thảo luận; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động để có phương án tối ưu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.