Đường vành đai 3 sẽ hoàn thành vào năm 2026

Đình Sơn
Đình Sơn
11/03/2022 19:33 GMT+7

Đó là khẳng định của ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM tại hội thảo dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 do UBND TP.HCM tổ chức.

Xin cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ

Theo quy hoạch, TP.HCM có 3 tuyến vành đai gồm đường vành đai 2, vành đai3, vành đai 4, với tổng chiều dài khoảng 356 km. Tuy nhiên đến nay mới chỉ đưa vào khai thác được khoảng 71km, đạt chưa đến 20%. Việc đầu tư thiếu đồng bộ hệ thống vành đai đã trở thành điểm nghẽn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM cũng như khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (TP.HCM), cho biết tổng chiều dài đường vành đai 3 là gần 92 km, trong đó TP.HCM dài nhất là 47,51km. Dự án sẽ giải phóng mặt bằng một lần và mở rộng ra hai bên để có thêm quỹ đất đấu giá, tạo nguồn thu để đầu tư cho dự án và nguồn thu cho ngân sách.

Hiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã trình Chính phủ xem xét và sắp tới trình Quốc hội thông qua. Đây là dự án vô cùng cấp thiết tạo sự đột phát phát triển giao thông, khi giải quyết quá tải về giao thông cho cả vùng chứ không riêng gì TP.HCM. Đặc biệt, tuyến đường sẽ nối kết các đô thị vệ tinh, các cảng với nhau, rút ngắn thời gian đi lại giữa các tỉnh. Tạo không gian phát triển mới cho các đô thị vệ tinh như Nhơn Trạch, Thủ Đức, Thuận An, Củ Chi… từ đó tạo ra nguồn lực mới đóng góp vào ngân sách các địa phương. Tuyến đường cũng tạo hành lang nối kết liên vùng khi nối kết với 5 đường cao tốc đã và sẽ đầu tư trong thời gian tới, từ đó tạo sự lan toả cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Nếu tuyến đường vành đai 3 được xây dựng, không chỉ giúp TP.HCM mà cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam cất cánh
NGỌC DƯƠNG

Ông Phúc cũng cho biết, dự án sẽ đầu tư làm 2 giai đoạn, giai đoạn đầu thiết kế 4 làn xe và hai đường song hành, mỗi bên 2 làn xe. Điểm đầu giao cắt với cao tốc Bến Lức – Long Thành ở Nhơn Trạch, sau khi qua Đồng Nai - Bình Dương – TP.HCM – Long An thì điểm cuối kết nối vào cao tốc Bến Lức – Long Thành. Khi xây dựng dự án sẽ có khoảng hơn 2.400ha đất ở TP.HCM, Đồng Nai có khoảng 214 ha đất mở rộng ra hai bên đường được đem đấu giá thu về khoảng 31.000 tỉ đồng. Tuy nhiên số tiền sẽ còn tăng lên vì còn quỹ đất của Bình Dương và Long An chưa thống kê được.

Ngoài ra, khi hoàn thành, tuyến đường sẽ áp dụng hình thức thu phí để thu hồi vốn. “Để thực hiện dự án nhanh, dự án xin một cơ chế đặc thù, giao cho UBND TP.HCM và UBND các tỉnh tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng các dự án thành phần thuộc địa phương mình quản lý. Nhất là chỉ định thầu tất cả các gói thầu, từ giải phóng mặt bằng đến các gói thầu xây lắp, tư vấn, thiết kế… Đây là ước vọng, khát vọng của 20 triệu bà con vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đại dịch các địa phương TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An có số người chết vì Covid nhiều nhất, nhưng cũng ở các địa phương này dù dịch bệnh vẫn đóng góp cho ngân sách nhiều nhất. Chính vì những đau thương mất mát, những đóng góp của người dân khu vực này nên Chính phủ và các bộ ngành đã ủng hộ rất lớn và đã thông qua việc chi vốn đầu tư công để thực hiện dự án này. Năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành phần cao tốc, năm 2026 hoàn thành toàn dự án và năm 2027 sẽ quyết toán”, ông Phúc nói.

Thu phí hoàn vốn cho dự án

Do dự án phức tạp, đi qua nhiều địa phương, để đảm bảo việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng và thi công, UBND TP.HCM kiến nghị Quốc hội cho phép phân chia dự án thành 8 dự án thành phần, trong đó mỗi địa phương phụ trách 2 dự án thành phần (một về bồi thường, hỗ trợ tái định cư và một về xây dựng). Trình tự, thủ tục thực hiện các dự án thành phần tương tự dự án nhóm A do Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quyết định.

Đồng thời UBND TP.HCM cũng kiến nghị giao UBND TP.HCM là cơ quan điều phối chung trong quá trình thực hiện dự án. Kiến nghị Quốc hội giao Thủ tướng quyết định điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư của dự án và các dự án thành phần mà không vượt tổng mức đầu tư đã được Quốc hội thông qua.

Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Phan Văn Mãi, cho biết dự án đường vành đai 3 lúc ban đầu chỉ định giao Bộ Giao thông vận tải và sau đó là giao TP.HCM làm theo hướng PPP nhưng thấy không khả thi nên dùng vốn ngân sách. Do điều kiện vốn trung hạn 2021-2025 chưa kịp bố trí nên có sự chia sẻ ngân sách TƯ và địa phương, trong đó TƯ là 50% và địa phương 50%. Sau này khi dự án hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí và khai thác quỹ đất 2 bên đường để có thêm ngân sách phát triển các dự án khác.

Hiện các địa phương đang nổ lực hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp tháng 5 tới. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng các địa phương hạ quyết tâm sẽ thực hiện cho bằng được. Trong quá trình này cũng triển khai các bước, để khi Quốc hội duyệt là có thể bắt tay vào làm ngay các bước, nhất là khâu giải phóng mặt bằng.

Sau khi trình hồ sơ cho Quốc hội cũng sẽ ngồi lại ngay để chuẩn bị đường vành đai 4 và các tuyến cao tốc cũng như rà soát chiến lược phát triển giao thông vùng trong đó có đường sắt và đường thuỷ. Đồng thời nghiên cứu các cơ chế, thể chế huy động nguồn lực tài chính để triển khai các dự án khác. Lập các tổ chuyên gia, tư vấn thúc đẩy các dự án nhanh chóng, hiệu quả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.