Đường 'Nhuệ' liên quan thế nào trong vụ xét xử vợ chồng Lẫm - Quyết?

Cù Hiền
Cù Hiền
03/12/2022 14:46 GMT+7

Vợ chồng Lẫm, Quyết vay 900 triệu để kinh doanh , khi bị chủ nợ đòi thì cả hai nói đã trả hết nợ, giấy biên nhận đã bị mất trong quá trình công ty của 2 bị cáo này bị Đường 'Nhuệ' chiếm vào ngày 3.10.2017.

Dự kiến, ngày 13.12 tới, TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Văn Lẫm (60 tuổi), Phạm Thị Quyết (55 tuổi, cùng trú tại P.Trần Lãm, TP.Thái Bình) về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Hai vợ chồng bị cáo Lẫm, Quyết tại phiên tòa sơ thẩm

C.T.V.

Trước đó, TAND tỉnh Thái Bình xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Lẫm 14 năm tù giam, bị cáo Quyết 13 năm tù giam. Cả hai sau đó liên tục có đơn kêu oan.

Được biết, tại phiên xét xử phúc thẩm sắp tới, HĐXX triệu tập 11 người trong vai trò là người làm chứng. Đáng chú ý, trong số này có Nguyễn Xuân Đường (tức Đường "Nhuệ") và Bùi Mạnh Tiến (tức Tiến "trắng", con nuôi Đường "Nhuệ").

Trùm xã hội đen Đường Nhuệ cho rằng mình “bị gài bẫy, đưa vào tròng” - Video tư liệu

Mang ô tô Camry để thế chấp vay nợ, sau đó ngấm ngầm bán xe

Cáo trạng thể hiện, năm 2006, vợ chồng bị cáo Lẫm, Quyết thành lập Công ty TNHH Lẫm Quyết (trụ sở đặt tại thôn Đông Hải, xã Vũ Chính, TP.Thái Bình) để sản xuất, chế biến, kinh doanh đồ gỗ.

Từ năm 2013 đến 2016, vợ chồng Lẫm, Quyết vay của ông Đỗ Văn Tới (66 tuổi) và bà Lê Thị Tuyết (56 tuổi, cùng trú TP.Thái Bình) 900 triệu đồng để sản xuất và kinh doanh đồ gỗ.

Hai bên có ký hợp đồng vay vốn, tài sản thế chấp trong hợp đồng là ô tô Toyota Camry 2.0E BS 17K - 9966. Thời hạn trả gốc là ngày 28.6.2013 (âm lịch). Nếu quá thời hạn trả nợ gốc một tháng thì ông Tới có quyền mua lại ô tô trên bằng 70% giá thị trường tại thời điểm đó.

Khi thế chấp tài sản là xe ô tô, vợ chồng Lẫm, Quyết cam kết không thế chấp, không bán, cho, tặng bất kỳ tổ chức, cá nhân nào nếu không được sự thoả thuận của ông Tới trong thời gian vay.

Tuy nhiên, khoảng tháng 4.2017, vợ chồng Lẫm, Quyết đi ô tô Camry nói trên đến nhà ông Phạm Công Tự và bà Tống Thị Huệ (TP.Thái Bình) đề nghị bán chiếc xe này để trừ vào khoản vay 800 triệu đồng đã vay năm 2015 mà không hỏi ý kiến ông Tới.

Tháng 10.2017, nghe tin Công ty TNHH Lẫm Quyết phá sản, vợ chồng Lẫm đã bỏ trốn nên ông Tới gọi điện, nhắn tin đòi tiền Lẫm, Quyết. Ông Tự cũng gửi tin nhắn đến vợ chồng Lẫm, Quyết để đòi xe.

Ngoài ra, liên quan đến Đường “Nhuệ” trong vụ án này, vào tháng 1.2017, Lẫm, Quyết cũng vay 1,7 tỉ đồng của Nguyễn Thị Dương (vợ Đường “Nhuệ”). Tháng 10 cùng năm, Dương phát hiện vợ chồng Lẫm chưa trả số tiền này nhưng đã rời khỏi TP.Thái Bình nên Dương báo cho chồng biết.

Giấy biên nhận trả nợ mất do Đường “Nhuệ” chiếm công ty ?

Ngày 3.10.2017, Đường "Nhuệ" cùng Tiến "trắng" đến Công ty Lẫm Quyết tìm Lẫm nhưng không gặp. Đường chỉ đạo Tiến "trắng" ở lại canh gác, thấy vợ chồng Lẫm, Quyết về phải báo cho mình.

Ba ngày sau, theo chỉ đạo của Đường “Nhuệ”, Tiến và đàn em đã đuổi hai em trai của Lẫm đang ở trong công ty ra ngoài để nhóm Tiến vào đó ăn ở, sinh hoạt tại đây, 2 tuần sau mới rời đi.

Sau đó Lẫm, Quyết bị bắt.

Quá trình điều tra, Lẫm, Quyết khai đối với khoản vay của ông Tới đã được trả hết cả gốc và lãi. Việc thanh toán được trả tại Công ty TNHH Lẫm Quyết, không có ai chứng kiến. Khi nhận tiền ông Tới viết giấy biên nhận thể hiện đã nhận toàn bộ tiền gốc và hợp đồng vay vốn không còn giá trị. Giấy biên nhận đã mất do Đường “Nhuệ” chiếm công ty vào ngày 3.10.2017.

Hồ sơ cũng thể hiện, khi dùng xe ô tô nói trên để thế chấp vay 900 triệu đồng, vợ chồng Lẫm, Quyết đã cam kết không thế chấp, không bán xe…nhưng sau đó, khi chưa trả nợ ông Tới, hai vợ chồng Lẫm, Quyết đã đem chiếc xe đã thế chấp vay tiền trên bán cho ông Tự mà không được sự đồng ý của ông Tới, nhưng vẫn nói dối ông Tới là chưa bán xe.

Quá trình điều tra cũng xác định, trong thời gian từ năm 2012 đến khi bị khởi tố, bắt tạm giam (2018), 2 bị cáo Lẫm, Quyết đã vay của 12 cá nhân khác nhau với tổng số tiền gần 21 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.