Đường nâu khác đường trắng thế nào?

Lê Cầm
Lê Cầm
01/02/2024 00:08 GMT+7

Đường nâu có một số lợi ích hơn so với đường trắng nhưng không đáng kể và vẫn chứa lượng calo và chỉ số đường huyết cao.

Thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa 1 Dương Thị Ngọc Lan (Phòng khám Tư vấn dinh dưỡng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3) cho biết, đường nâu là sản phẩm đường không được chế biến nhiều và ít tinh chế hơn các loại đường khác. Đường nâu có chứa một số khoáng chất vi lượng tự nhiên như sắt, canxi, magiê, kali, vitamin, axit amin, chất chống oxy hóa và chất hóa thực vật. Trong khi đó, đường trắng chứa ít chất dinh dưỡng hơn. Việc thay thế đường trắng bằng đường nâu có thể mang lại một số nguồn chất chống oxy hóa bổ sung tiềm năng.

Nhìn chung, đường nâu có lợi cho sức khỏe hơn đường trắng ở một số điểm như chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn. Đường nâu có vị ngọt đậm đà hơn đường trắng, do đó bạn có thể sử dụng ít đường nâu hơn để đạt được độ ngọt mong muốn.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những lợi ích sức khỏe của đường nâu là không đáng kể. Ngoài ra, đường nâu và đường trắng đều có lượng calo cao, có chỉ số đường huyết cao, do đó bạn vẫn nên hạn chế sử dụng nhiều đường nâu trong chế độ ăn uống.

Đường nâu khác đường trắng thế nào?- Ảnh 1.

Cả đường nâu và đường trắng đều chứa lượng calo và chỉ số đường huyết cao

SHUTTERSTOCK

Vậy có nên thay đường trắng bằng đường nâu trong ăn uống hay không? Câu trả lời là tùy thuộc vào nhu cầu và sở thích của mỗi người. Nếu bạn muốn sử dụng một loại đường có vị ngọt đậm đà hơn và có chứa một lượng nhỏ chất dinh dưỡng thì đường nâu là một lựa chọn tốt. Tuy nhiên, nếu bạn đang cố gắng giảm lượng đường tiêu thụ, thì bạn nên hạn chế sử dụng cả đường nâu và đường trắng. Hạn chế lượng đường dưới 5-10% tổng năng lượng mỗi ngày (ít hơn 5 thìa cà phê).

Các mẹo giảm đường từ thực phẩm

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi người nên ăn dưới 25 g đường một ngày (kể cả uống).

Bác sĩ chuyên khoa 1 Đặng Thị Oanh, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, bên cạnh thức ăn nhanh như pizza, gà rán, khoai tây chiên… đồ uống có đường (nước ngọt) là nguồn cung cấp thêm calo có thể góp phần làm tăng cân và không mang lợi ích dinh dưỡng. Thậm chí, các loại nước ngọt còn làm tăng nguy cơ gây bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim và các bệnh mạn tính khác.

Do đó thay vì uống nước tăng lực, nước ngọt, chúng ta có thể uống nước lọc, các loại nước không đường. Thay vì uống sinh tố trái cây có pha đường và sữa, bạn nên ăn trái cây. Thay kẹo thành các loại trái cây, quả hạch hoặc chocolate đen. Nếu chọn thưởng thức món ăn yêu thích có nhiều đường, hãy tập ăn một phần nhỏ hơn bình thường, nhai chậm.

Khi chọn nước uống cũng như các loại thực phẩm, nên đọc kỹ thành phần cũng như loại đường trong sản phẩm. Tuy nhiên, các nhà sản xuất thực phẩm có thể sử dụng nhiều dạng đường, mỗi dạng có tên khác nhau và liệt kê từng loại đường riêng lẻ trên nhãn dinh dưỡng. Do đó, bạn cần tính tổng năng lượng các loại đường.

Chúng ta nên cung cấp cho cơ thể lượng đường vừa đủ bằng khẩu phần ăn uống lành mạnh với các loại đường tự nhiên từ các loại trái cây và thực phẩm chưa qua chế biến như đậu, rau củ, ngũ cốc… Các thực phẩm chứa đường tự nhiên gồm nấm, mầm đậu nành, cải xanh, dưa leo, cần tây, củ cải, súp lơ, măng tây, gạo lứt, yến mạch, các loại đậu, lê, táo, nho, sữa tươi, sữa chua…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.