Dương Huyền Ly: Ước mong lan tỏa niềm yêu thích nhạc cụ dân tộc Việt khắp thế giới

Nguyên Vân
Nguyên Vân
15/10/2022 06:29 GMT+7

Sinh ra tại Bắc Ninh , Dương Huyền Ly tin mình được thừa hưởng gien âm nhạc dân tộc từ tổ tiên thì mới làm nghề tới bây giờ. Cô đang sống tại CH Czech với công việc biểu diễn, dạy nhạc cụ dân tộc Việt cho học viên Việt Nam và các nước.

Muốn trở thành nghệ sĩ biểu diễn tỏa sáng như bác ruột

Sinh ra ở Hà Bắc (nay là Bắc Ninh), một làng quê nhỏ yên bình, 5 tuổi, Dương Huyền Ly đã vào TP.HCM sinh sống; rồi 8 tuổi trở ra Hà Nội học tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia VN). Sự ảnh hưởng âm nhạc dân tộc đến từ những người thân trong gia đình đối với Ly vô cùng sâu đậm: ông cậu là Nhà giáo nhân dân Xuân Khải và NSND Xuân Ba; bác ruột là nghệ sĩ Hồng Nhật chơi đàn tranh tại Nhà hát Ca múa nhạc VN, nay đã về hưu; cậu là NSƯT Anh Tấn chơi đàn kìm - Trưởng đoàn nhạc tại Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, TP.HCM; dì ruột của Ly cũng chơi đàn tranh rất hay…

“Lúc học sơ cấp, tôi hay theo dì vào phòng tập đàn và học bài. Tiếng đàn của dì thấm vào mình lúc nào không biết. Năm 13 tuổi, tôi theo gia đình biểu diễn tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đây là thời điểm hình thành tình yêu nghề trong tôi. Hình ảnh bác Hồng Nhật của tôi biểu diễn tuyệt đẹp đã để lại ấn tượng rất lớn, khiến tôi muốn được trở thành một nghệ sĩ biểu diễn tỏa sáng như bác”, Ly cho biết. Và cô đã được chính người bác mình hướng dẫn chơi đàn T’rưng, K’long put và đàn tranh.

Dương Huyền Ly diễn trong Vietnam Day tại Slovakia, tháng 8.2022

NVCC

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành đàn bầu và đàn tam thập lục, Dương Huyền Ly vào TP.HCM tham gia nhóm nhạc Mặt Trời Mới và là nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen. Thời điểm này, cô đi biểu diễn rất nhiều nơi trên thế giới như: Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Đức, Nhật, Hàn Quốc, Phần Lan, Bỉ, Slovakia, Thụy Điển, Đan Mạch... đồng thời “được trải nghiệm và học rất nhiều bài học quý về cách sống và làm việc”.

Trước khi định cư tại CH Czech, Dương Huyền Ly học thêm 3 năm Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội (cơ sở 2), Khoa Sáng tác. “Tôi đã học được những điều cần thiết cho công việc hiện tại của mình. Tôi may mắn được học thầy Trần Mạnh Hùng, một người thầy uyên bác và tràn đầy tình yêu và nhiệt huyết với âm nhạc. Thầy đã động viên và dành tặng những lời khuyên quý giá khi tôi quyết định sang châu Âu định cư”, cô nói.

Hiện tại, cùng với biểu diễn (tham gia các chương trình liên quan văn hóa nghệ thuật cho cộng đồng tại CH Czech, Slovakia, Đức, Algeria), Ly đang dạy đàn bầu online cho các học viên tại VN, Mỹ, Luxembourg; hướng dẫn một lớp sáo online; dạy nhạc lý và các nhạc cụ dân tộc cho các bạn người Việt sinh ra tại CH Czech. Cô kể: “Ban đầu các bạn chỉ học âm nhạc VN và nhạc lý cơ bản, nhưng khi tôi hướng dẫn các bài dân ca VN để các bạn xướng âm và hát, thì các bạn rất thích và muốn học lâu dài 4 nhạc cụ đàn bầu, tranh, T’rưng và sáo mèo”.

Khi đi biểu diễn cho người nước ngoài, Ly cho biết hầu hết khán giả đều yêu thích các nhạc cụ dân tộc VN, bởi mỗi loại đều có những đặc trưng và thú vị riêng: đàn bầu chỉ có 1 dây mà tạo ra nhiều âm điệu trầm bổng du dương, khi thì êm ái, khi thì rộn ràng; đàn T’rưng với những thanh nứa đơn giản mà tạo nên âm thanh nghe như suối chảy; sáo mèo thì mang lại sự ấm áp, bay bổng và ngọt ngào.

“Tùy chương trình dài hay ngắn mà tôi giới thiệu về các nhạc cụ ít hay nhiều, nhưng luôn giới thiệu xuất xứ của nhạc cụ và ý nghĩa của tác phẩm”, Ly nói và chia sẻ thêm: “Điều tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được là một nhạc công chơi nhạc cụ dân tộc, có cơ hội được đi rất nhiều nơi trên thế giới với sự trân trọng và yêu mến của mọi người, được gặp gỡ, quen biết, làm bạn với những con người tài giỏi và học hỏi được nơi họ nhiều điều bổ ích”.

Cùng các nghệ sĩ tại Lễ hội các dân tộc thiểu số ở Prague (CH Czech), tháng 5.2022

Kênh YouTube truyền cảm hứng với nhạc cụ dân tộc

Gần đây, Dương Huyền Ly lập kênh YouTube (tự quay bằng điện thoại và làm bằng những dụng cụ mình có) với suy nghĩ: phải có một kênh - nguồn nào đó cho những người học, tìm hiểu về đàn bầu có tư liệu bài bản để dùng khi cần. Như bản thân cô, khi đi tìm tư liệu âm nhạc cho mình cũng cảm thấy biết ơn những thế hệ đi trước đã thu âm những bản nhạc hay, quý báu cho thế hệ sau. Và kênh YouTube, nếu tạo được giá trị nhất định sẽ lan tỏa niềm yêu thích đàn bầu tới nhiều người VN, người Việt sống tại nước ngoài hay cả người ngoại quốc hơn.

Ly bảo, người hay nghe kênh YouTube của cô nhất là bà ngoại (bà mới qua đời) và mẹ của cô. “Sau mỗi bài mới, tôi thường gửi link cho mẹ và hỏi: “Mẹ thấy thế nào ạ?”, mẹ tôi luôn nói: “Hay lắm con ạ, nghe êm ái, ngủ ngon lắm. Mẹ cảm ơn con nhiều lắm!”. Thật xúc động và ấm áp. Tôi nghĩ đây chính là thành công lớn nhất của mình, được đền đáp tình yêu thương to lớn mà gia đình đã dành cho”.

Khán giả theo dõi Dương Huyền Ly thường là những người đã lớn tuổi, hoặc là những người rất trẻ. Ly tâm sự: “Tôi biết những người không học đàn bầu ở trường lớp, nhưng họ chơi đàn rất hay và điêu luyện. Họ chơi bằng đam mê bất tận. Điều này chứng tỏ đàn bầu là một nhạc cụ đặc biệt của VN, như tiếng nói của dân tộc Việt, rất giản dị mộc mạc nhưng đầy nội lực, nó có một sức mạnh tinh thần rất lớn đối với người dân VN và cả những người Việt sinh sống tại nước ngoài. Tôi vô cùng trân trọng những cô chú, anh chị… đang tập đàn bầu qua kênh của tôi và kênh của những nghệ sĩ khác. Thay vì chọn những cách giải trí khác, họ đã chọn đàn bầu để học, thư giãn và nuôi dưỡng tâm hồn mình”. Một số người xem YouTube đã trở thành học viên của Ly, vì được truyền cảm hứng từ kênh này.

Với Dương Huyền Ly, biểu diễn nhạc cụ là nghề nghiệp, là cuộc đời, là sứ mệnh. Ly đã từng trông trẻ, làm pha chế và phục vụ tại nhà hàng, suýt trở thành thợ làm mì trong tiệm mì Nhật của một người bạn. Sau những trải nghiệm công việc đó tại CH Czech, cô nhận ra mình “chỉ có thể làm nhạc công thôi. Công việc này, mình làm tốt nhất, tự tin nhất và yêu thích nhất. Tôi đã từng nghĩ, làm nghề này khó có cuộc sống dư dả. Nhưng hiện nay tôi cảm thấy đủ đầy”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.