Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn về trầm cảm

Liên Châu
Liên Châu
07/04/2022 18:14 GMT+7

Trầm cảm ở trẻ vị thành niên là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tự sát. Tuy nhiên, nhiều trường hợp biểu hiện “kín” khiến người thân không nhận biết sớm để hỗ trợ kịp thời.

Tọa đàm về phòng ngừa tự sát ở tuổi vị thành niên đã được Viện Sức khỏe tâm thần T.Ư (Bệnh viện Bạch Mai) tổ chức chiều nay 7.4.

Tại tọa đàm, các bác sĩ cho hay ở Việt Nam, tự sát là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong ở mọi lứa tuổi.

Một điều tra năm 2020 cho thấy, trong số 6.407 học sinh ở lứa tuổi 11 - 17, có 11% cho biết “có ý tưởng tự sát” trong vòng 1 năm qua.

Bác sĩ Hồ Thu Yến, chuyên gia về sức khỏe tâm thần trẻ em - vị thành niên (Viện Sức khỏe tâm thần T.Ư), chia sẻ về nhận biết trầm cảm, ngăn ngừa tự sát.

LIÊN CHÂU

Bác sĩ Hồ Thu Yến, Viện Sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), cho hay mới đây Viện đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ 13 tuổi ở Hà Nội được gia đình đưa đến khám, nhập viện điều trị trong tình trạng chán nản, hay khóc, tự ti, bi quan, cảm thấy chán sống và có ý tưởng tự sát.

Bản thân bệnh nhân đã từng giải toả căng thẳng bằng cách tự gây thương tích (dùng mảnh thủy tinh cứa vào cổ tay gây chảy máu).

Qua thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhân có hội chứng trầm cảm, có ý tưởng tự sát và hành vi tự huỷ hoại.

Gia đình cho biết con từng học giỏi, trong đội tuyển. Tình trạng bất thường về sức khỏe xuất hiện trong quãng thời gian con học online kéo dài, con không theo kịp, không tập trung, có yêu đương qua mạng; cha mẹ thấy con học hành giảm sút lại ép con học nhiều hơn…

Nên quan tâm đến những thay đổi tâm lý, trạng thái con trẻ

Thông tin tại tọa đàm dẫn kết quả các nghiên cứu cho thấy trong số các trường hợp tự sát, 98% có rối loạn về sức khỏe tâm thần tại thời điểm xảy ra sự việc. Trong rối loạn tâm thần, trầm cảm là bệnh lý thường gặp nhất.

Theo các bác sĩ, các biểu hiện trầm cảm ở trẻ em và vị thành niên khá đa dạng. Các biểu hiện chung thường gặp là tâm trạng thất thường (gắt gỏng, dễ nổi cáu bộc phát…); giảm hoặc mất hứng thú kéo dài với các hoạt động giải trí được yêu thích trước đây (bỏ các hoạt động thể thao, âm nhạc, vẽ,...); không muốn đi ra ngoài, không tham gia các hoạt động trên lớp hoặc không còn muốn đi chơi với bạn bè; tránh né việc đi học; suy giảm kết quả học tập, than phiền không tập trung, hay quên.

Trẻ cũng có thể trong tình trạng thay đổi giấc ngủ như mất ngủ hoặc ngủ nhiều; hay có thể thường xuyên phàn nàn không giải thích được như: cảm giác mệt mỏi, đau đầu, đau dạ dày.

Trẻ cũng có thể xuất hiện các vấn đề về hành vi (trở nên cố chấp hơn, trốn khỏi nhà, bắt nạt người khác); có các suy nghĩ tiêu cực, ý tưởng hoặc hành vi tự tử…

Trầm cảm là rối loạn có thể điều trị ổn định được. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu trầm cảm, gia đình nên đưa trẻ đến thăm khám với bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Các biện pháp điều trị bao gồm điều trị thuốc, liệu pháp tâm lý và giáo dục cho trẻ và gia đình. Tùy thuộc chẩn đoán và mức độ trầm cảm, bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra lời khuyên phù hợp về lựa chọn điều trị.

Viện Sức khỏe Tâm thần hiện đã có đường dây nóng hỗ trợ tư vấn cho các gia đình, các cá nhân, các vấn đề về sức khỏe tâm thần cho các lứa tuổi như trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, stress...

Có thể liên lạc để được tư vấn hoặc đặt lịch hẹn khám theo số máy 0984.104.115, từ 7 giờ 30 - 22 giờ các ngày trong tuần.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.