Đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu: Tranh cãi số tiền thu lợi bất chính

Lê Lâm
Lê Lâm
21/11/2022 20:22 GMT+7

Luật sư bào chữa cho 2 bị cáo cầm đầu đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu cho rằng số lượng xăng lậu cũng như số tiền thu lợi bất chính của thân chủ mình không nhiều như cáo trạng truy tố.

Ngày 21.11, phiên tòa xét xử 74 bị cáo trong đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu bắt đầu bước vào phiên tranh luận.

Bị cáo Phan Thanh Hữu (bên phải) và bị cáo Đào Ngọc Viễn

LÊ LÂM

Hai bị cáo đầu tiên được HĐXX cho tranh luận về hành vi phạm tội cũng là 2 người cầm đầu đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu gồm "ông trùm" Phan Thanh Hữu và Đào Ngọc Viễn (người vận chuyển xăng lậu từ Singapore về Việt Nam).

Luật sư bào chữa cho "ông trùm" Phan Thanh Hữu cho rằng bị cáo Hữu chỉ chịu trách nhiệm tiêu thụ 127 triệu lít xăng (thu lợi bất chính 102 tỉ đồng) chứ không phải 197 triệu lít xăng (thu lợi 156 tỉ đồng) như cáo trạng truy tố.

Theo vị luật sư này, có đến 67,7 triệu lít xăng được bị cáo Hữu bán qua Campuchia. Ngoài ra, trong quá trình buôn lậu, bị cáo Hữu đã chi 39 tỉ đồng hối lộ cơ quan chức năng nên số tiền thu lợi bất chính chỉ còn khoảng 63 tỉ đồng.

Các luật sư bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa

LÊ LÂM

Tự bào chữa cho mình, bị cáo Phan Thanh Hữu trình bày số xăng 67,7 triệu lít đã bán sang thị trường Campuchia, số còn lại 2,5 triệu lít xăng đang còn trong kho nên không thể nói bị cáo thu lợi bất chính số xăng này.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Đào Ngọc Viễn cũng cho rằng, cơ quan điều tra chưa ghi nhận số xăng đã bán qua Campuchia mà tính luôn cho Viễn chịu trách nhiệm là không thỏa đáng.

Bên cạnh đó, 2 tàu Pacific Ocean (trọng tải 3.000 tấn) và tàu Western Sea (trọng tải 5.000 tấn) mà bị cáo Viễn dùng để chở xăng lậu từ Singapore về Việt Nam không phải là tài sản riêng của Viễn, mà là của Công ty Đại Dương Hải Phòng, vì vậy kê biên 2 con tàu này là không đúng. Luật sư cũng nêu tình tiết bị cáo Viễn ra đầu thú nhưng không được cơ quan điều tra ghi nhận.

Do vậy luật sư bào chữa cho bị cáo Viễn đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Trường hợp không trả hồ sơ thì giảm khung cho bị cáo Viễn từ khung 4 xuống khung 3.

Tại tòa, bị cáo Viễn trình bày lợi nhuận thu được chỉ là 1.500 đồng/lít xăng chứ không phải 2.000 đồng/lít. Bên cạnh đó, trong chuyến tàu cuối, bị cáo Viễn vẫn chưa nhận được tiền thanh toán từ Phan Thanh Hữu nên số tiền thu lợi bất chính của Viễn không phải 46,7 tỉ đồng như cáo trạng truy tố.

Đại diện Viện KSND tỉnh Đồng Nai tại tòa

LÊ LÂM

Đáp lại, đại diện Viện KSND tỉnh Đồng Nai khẳng định có đủ căn cứ xác định đường dây buôn lậu xăng dầu của Phan Thanh Hữu và Đào Ngọc Viễn đã tiêu thụ 197 triệu lít xăng. Do đó, việc truy tố các bị cáo với số lượng xăng và số tiền thu lợi bất chính như trên là có cơ sở.

Đối với tình tiết đầu thú của bị cáo Viễn mà luật sư nêu ra, Viện KSND cho biết trong hồ sơ không có biên bản ghi nhận. “Tuy nhiên chúng tôi sẽ xem xét tình tiết người phạm tội đã ra trình diện để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo”, đại diện Viện KSND tỉnh Đồng Nai nói.

Về số tiền 38 tỉ đồng mà bị cáo Hữu đưa hối lộ cho Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng, Hải quan... quan điểm của Viện KSND cho rằng đây là tiền phạm tội nên buộc phải tịch thu và việc không truy tố bị cáo Hữu tội đưa hối lộ là do bị cáo đã tố giác hành vi trước khi cơ quan điều tra phát hiện. Do vậy, đề nghị của luật sư cấn trừ số tiền này vào phần thu lợi bất chính là không thể chấp nhận.

Trong phần luận tội, Viện KSND tỉnh Đồng Nai đề nghị mức án từ 16 - 17 năm tù cho "ông trùm" buôn lậu xăng dầu Phan Thanh Hữu và Đào Ngọc Viễn. Theo Viện KSND tỉnh Đồng Nai, cơ quan này đã cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ mới đưa ra khung hình phạt như trên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.