Được mời dự hội nghị về người lang thang xin ăn, thường trực UBND quận, huyện TP.HCM đều vắng

07/10/2023 10:36 GMT+7

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, bày tỏ việc chưa đồng tình khi hội nghị sơ kết 6 tháng việc thực hiện Quyết định 812 năm 2023 của UBND TP.HCM về quy định cơ chế phối hợp tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn, không có sự tham dự của lãnh đạo UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức.

Chiều 6.10, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng thực hiện Quyết định 812 năm 2023 của UBND TP.HCM về quy định cơ chế phối hợp tập trung trẻ em, người lang thang, xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác tại TP.HCM.

Tham dự hội nghị có ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM; Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Lê Văn Thinh; Phó giám đốc Công an TP.HCM Nguyễn Đình Dương; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đại diện Phòng LĐ-TB-XH các quận, huyện, TP.Thủ Đức và lãnh đạo các trung tâm bảo trợ xã hội trực thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM...

Xem nhanh 12h ngày 7.10: Bản tin thời sự toàn cảnh

Phát biểu tại hội nghị này, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM cho biết, ông chưa đồng tình việc hội nghị lần này không có sự tham dự của lãnh đạo UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức (trong thành phần mời của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM có thường trực UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức - PV).

Thay vào đó, ở hội nghị chỉ có chuyên trách của phòng LĐ-TB-XH đến dự để về tham mưu lại cho UBND. Ông Cao Thanh Bình nói ông sẽ có phản ánh, kiến nghị với UBND TP.HCM về vấn đề này.

Trưởngban VH-XH HĐND TP.HCM chưa đồng tình việc một hội nghị thiếu thường trực UBND quận, huyện - Ảnh 1.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, phát biểu tại hội nghị

TRỌNG NGHĨA

Theo ông Bình, những nội dung tại hội nghị này đều có thể kiến nghị ở các cuộc họp về kinh tế - xã hội hằng tháng của TP.HCM để thực hiện quyết liệt hơn, và trách nhiệm đó thuộc về các lãnh đạo chủ chốt của các quận, huyện.

"Nếu bây giờ chúng ta cứ bàn, cứ thảo luận nội dung này, vậy rồi ai nghe? Trách nhiệm của các đồng chí chuyên trách LĐ-TB-XH về tham mưu với lãnh đạo địa phương có yên tâm không? Hay là tham mưu rồi thì vấn đề vẫn nằm trên bàn giấy? Cái này cần phải xem trọng", ông Bình nói.

Trưởngban VH-XH HĐND TP.HCM chưa đồng tình việc một hội nghị thiếu thường trực UBND quận, huyện - Ảnh 2.

Hội nghị sơ kết 6 tháng việc thực hiện Quyết định 812 năm 2023 của UBND TP.HCM

TRỌNG NGHĨA

Ông Bình cho biết, theo báo cáo thì các quận, huyện và TP.Thủ Đức đều có kế hoạch thực hiện về Quyết định 812. Tuy nhiên, ông đặt câu hỏi liệu có bao nhiêu quận, huyện và TP.Thủ Đức tham mưu cho quận ủy, thành ủy TP.Thủ Đức để ban hành các văn bản liên quan công tác tập trung người lang thang, xin ăn…

"Các hội, đoàn thể có kế hoạch để phối hợp thực hiện chuyện này không? Những vấn đề khó, vướng sẽ tự thân giao cho Phòng LĐ-TB-XH thực hiện hay là được đưa vào các cuộc họp kinh tế - xã hội và các cuộc họp ban chấp hành Đảng bộ các đơn vị để chỉ đạo toàn hệ thống chính trị vào cuộc?", ông Bình nêu ý kiến.

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

Theo ông Bình, trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng người lang thang, xin ăn được tập trung có tăng so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên đây là giai đoạn TP.HCM quyết tâm thực hiện nên số trường hợp tăng là điều dễ hiểu.

Song cần phải phân tích rõ trong con số 894 người lang thang, ăn xin được tập trung vào các cơ sở xã hội có bao nhiêu trẻ em, người cao tuổi, người được tập trung lần 2... để có hướng xử lý thích hợp như giao cho cơ quan đơn vị thường xuyên quản lý hoặc tham mưu cho địa phương thực hiện cụ thể.

"Cần phân tích thêm để thấy được có sự liên thông, kết nối giữa các địa phương không, khi có trường hợp người lang thang, xin ăn đi lang thang, xin ăn trở lại. Hay là chúng ta mất rất nhiều thời gian để tập trung vào các cơ sở xã hội rồi sau đó, chỉ trong một thời gian rất ngắn, có trường hợp qua địa bàn khác hoạt động", ông Bình cho hay và gợi mở một số giải pháp khác như ứng dụng công nghệ thông tin để người dân thuận tiện phản ánh, huy động sự tham gia của các hội đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội...

Trưởngban VH-XH HĐND TP.HCM chưa đồng tình việc một hội nghị thiếu thường trực UBND quận, huyện - Ảnh 3.

Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Lê Văn Thinh phát biểu về công tác tập trung người lang thang, xin ăn tại TP.HCM

TRỌNG NGHĨA

Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Lê Văn Thinh cũng đề nghị các đại biểu về báo cáo đề xuất lãnh đạo UBND, đề xuất, báo cáo cấp ủy để huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc.

"Tại sao UBND TP.HCM ban hành quy định 812, quy định rõ việc thành lập tổ công tác do chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn đứng đầu, bởi lãnh đạo TP.HCM quan tâm, muốn người đứng đầu các địa phương thật sự quan tâm, xem và có hướng giải quyết việc người dân lang thang, ăn xin trên từng địa bàn khu phố, tổ ấp của mình quản lý. Để thực hiện TP.HCM văn minh - hiện đại - nghĩa tình thì người đứng đầu địa phương phải tiếp cận, quan tâm", ông Lê Văn Thinh nói.

Theo báo cáo tại hội nghị, từ ngày 16.3 đến nay, TP.HCM đã tập trung 894 người lang thang, xin ăn vào các cơ sở bảo trợ xã hội, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. Công tác này thời gian qua đạt được nhiều kết quả khi cơ bản giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn, đặc biệt tại các khu vực nội thành; việc phối hợp giữa các đơn vị liên quan hiệu quả, kịp thời.

Tuy nhiên, công tác tập trung người lang thang, xin ăn tại TP.HCM còn gặp một số khó khăn, nhất là sau khi hội nhập cộng đồng, nhiều người lang thang, xin ăn vẫn tiếp tục đi lang thang, xin ăn; công tác tuyên truyền để người dân không trực tiếp cho tiền người xin ăn chưa đạt hiệu quả...

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 7.10


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.