Được - mất của Mỹ sau 20 năm chiến tranh chống khủng bố

11/09/2021 06:19 GMT+7

Các chuyên gia quốc tế đã cùng đánh giá về những thành công, thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh chống khủng bố kéo dài 20 năm sau khi nước này bị tấn công chấn động vào ngày 11.9.2001.

Cuối tháng 8 vừa qua, Mỹ đã triệt thoái toàn bộ lực lượng khỏi Afghanistan sau khi Taliban lại chiếm quyền kiểm soát ở Afghanistan. Việc rút quân diễn ra chỉ hơn 10 ngày trước thời điểm đánh dấu 20 năm vụ Mỹ bị tấn công khủng bố vào ngày 11.9.2001.
Hôm qua 10.9, Thanh Niên đã phỏng vấn ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) và PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế, Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật).

Thành công nhưng cũng thất bại

Ông đánh giá thế nào về cuộc chiến tranh chống khủng bố mà Mỹ đã theo đuổi gần 20 năm qua?
Ông Schuster: Cuộc chiến chống khủng bố có những thành công và thất bại. Chúng tôi đã tiêu diệt các lãnh đạo cấp cao của phong trào khủng bố, nhưng chúng tôi không làm tê liệt hay đánh bại chủ nghĩa khủng bố. Chúng tôi đã mắc một số sai lầm sau.
Mỹ đổ quân vào Iraq (bắt đầu vào năm 2003 - NV) đã làm trẻ hóa phong trào thánh chiến. Điều này đã sản sinh ra lực lượng Nhà nước hồi giáo tự xưng (IS) và làm cạn kiệt các nguồn lực mà lẽ ra sẽ giúp cho cuộc chiến ở Afghanistan hiệu quả hơn; Mỹ quyết định chuyển Afghanistan thành một quốc gia dân chủ với chính phủ tập trung. Quyết định này đã khiến Mỹ không đánh bại chủ nghĩa khủng bố ở Afghanistan cũng như không chuyển đổi thành công nước này thành một quốc gia dân chủ.
Một sai lầm khác là việc Mỹ loại bỏ Muammar Gaddafi - nhà lãnh đạo Libya (Mỹ dẫn đầu liên minh tấn công Libya và lật đổ chính quyền của ông Gaddafi vào năm 2011 - NV). Trước đó, ông Gaddafi hợp tác với phương Tây trong Cuộc chiến chống khủng bố. Việc nhà lãnh đạo này bị lật đổ đã tạo điều kiện hơn 8.000 tay súng thiện chiến của mạng lưới khủng bố al-Qaeda thoát khỏi nhà tù Libya, cùng với đó còn có tiền bạc và vũ khí. Nhiều tay súng thoát ra khỏi nhà tù của Libya đã gia nhập IS và Boko Haram (tổ chức khủng bố đóng ở Nigeria - NV) và bổ sung kinh nghiệm, biến các tổ chức khủng bố này trở nên có tổ chức và rất nguy hiểm.

Mối đe dọa khủng bố thay đổi ra sao 20 năm sau vụ tấn công 11.9?

PGS Nagy: Cuộc chiến của Mỹ đã có những kết quả trái chiều. Bên trong nội địa, Mỹ và hầu hết các đồng minh an toàn hơn nhiều đối với mối đe dọa của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Nhưng nhìn cuộc chiến ở góc độ rộng hơn, cuộc chiến đã tạo ra nhiều thách thức bao gồm một Trung Đông hỗn loạn và bất ổn, dòng người tị nạn tràn vào châu Âu gián tiếp ảnh hưởng đến sự ổn định và gắn kết của EU. Mỹ đã đổ hàng ngàn tỉ USD vào Afghanistan thay vì sử dụng nguồn lực này cho chính trong nước và đầu tư đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc. Các nguồn lực đổ vào Afghanistan có thể được dùng để củng cố nền kinh tế và thể chế cũng như năng lực răn đe của Mỹ.

Mối nguy chưa dứt ?

Vậy sau khi rút quân khỏi Afghanistan, Mỹ đối mặt với những nguy cơ khủng bố nào?
Ông Schuster: Việc rút khỏi Afghanistan, cũng như việc lật đổ Gaddafi, sẽ làm gia tăng mối đe dọa khủng bố mà Mỹ và phương Tây phải đối mặt với al-Qaeda và IS. Các tổ chức khủng bố sẽ tăng cường bổ sung lực lượng trong những tháng tới. Sau khi rời Afghanistan, Mỹ đã mất quyền tiếp cận các nguồn tin tình báo về các phong trào thánh chiến.
Ngoài ra, sẽ có một số thành phần khủng bố trà trộn vào những người tị nạn chưa được phát hiện. Thật đáng lo khi chỉ cần số lượng rất ít thì thành phần khủng bố vẫn có thể thực hiện những cuộc tấn công chết người. Cuộc di tản khỏi Afghanistan có thể tiềm ẩn nguy cơ những kẻ khủng bố trà trộn để vào Mỹ và châu Âu.

Lực lượng IS từng trỗi dậy mạnh mẽ

Reuters

PGS Nagy: Ở hiện tại, Mỹ có thể đối phó với khủng bố thông qua mạng lưới vệ tinh rộng khắp, máy bay không người lái và máy bay ném bom nếu lực lượng khủng bố bị cô lập. Còn nếu chủ nghĩa khủng bố di căn vào các mạng lưới ngầm xuyên quốc gia mở rộng gây ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ, Washington sẽ phải suy nghĩ lại cách đối phó với thách thức khủng bố đang được khuyến khích và phát triển.
Dù chủ nghĩa khủng bố là nỗi lo đối với Mỹ và các đồng minh, nhưng có vẻ Mỹ và các đồng minh giờ đây có thể ngăn chặn nguy cơ bị tấn công ở nội địa bởi các lực lượng như al-Qaeda.

Hướng chuyển mới của Mỹ

Vậy sắp tới, Mỹ có chuyển hướng sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) khi Washington liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực này?
Ông Schuster: Tôi nghĩ rằng Mỹ sẽ phân bổ nguồn lực nhiều hơn cho Indo-Pacific. Hành động và việc tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc khiến Mỹ không có lựa chọn nào khác.
Thực tế thì trong khi Washington tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố, Bắc Kinh đã có nhiều hành động như: Phát triển hải quân và không quân Trung Quốc thành lực lượng hiện đại có thể thách thức Mỹ; Tăng cường bắt nạt các nước láng giềng; Tìm cách kiểm soát Biển Đông bất chấp tuyên bố chủ quyền đã bị Tòa trọng tài Quốc tế bác bỏ vào năm 2016.

Nhóm tác chiến tàu sân bay và nhóm tác chiến đổ bộ của hải quân Mỹ tập trận ở Biển Đông vào tháng 4.2021

US Navy

PGS Nagy: Những nguồn lực có được từ việc rút khỏi Afghanistan sẽ được Mỹ đưa vào Indo-Pacific. Vì lợi ích của Washington là duy trì sự tham gia và dẫn dắt sự phát triển của khu vực. Không làm như vậy có nghĩa là khu vực có thể bị Trung Quốc dẫn dắt.
Cách đây 5 năm, tôi đã bắt đầu kêu gọi chính quyền rút quân khỏi Afghanistan. Lẽ ra, Washington phải bắt đầu rút quân từ trước đó. Hoạt động quân sự ở Afghanistan đã không còn đem lại kết quả tương xứng với nguồn lực mà chúng tôi và các đối tác, đồng minh phải tiêu tốn. Tiếp tục ở lại đó càng tiêu tốn những chi phí cơ hội ngày càng nhiều.
Nguồn lực mà Mỹ đổ vào Afghanistan không thể được sử dụng ở nơi khác. Đó là vấn đề thực sự khi Trung Quốc ngày càng trở nên hùng mạnh và hung hãn. Có người vẫn cho rằng cần giữ lại khoảng 2.500 binh sĩ tại Afghanistan nhưng cần nhớ rằng vấn đề không chỉ là 2.500 quân, mà còn là sự hỗ trợ của không quân và đôi khi cần đến cả tàu sân bay. Giờ đây, các nguồn tài nguyên đó có thể dùng cho việc ứng phó ở khu vực Indo-Pacific rộng lớn hơn.
TS James Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải - Đại học Hải chiến Mỹ)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.