Được học và bình đẳng

29/08/2021 06:00 GMT+7

Trước khai giảng năm học mới, nhiều trường tiểu học ở TP.HCM đang gấp rút lên danh sách học sinh F0, F1, rồi sau đó, thu thập thông tin học sinh có mặt ở thành phố, đủ phương tiện máy móc kết nối, em nào đang “trốn dịch” mắc kẹt ở các vùng quê, không thể tiếp cận thiết bị công nghệ để tham gia lớp học trực tuyến .

Những thăm dò, thống kê đó rất cần thiết để nhà trường lên một khung chương trình, phương pháp giáo dục hợp lý; đảm bảo quá trình dạy học được liền lạc và chất lượng.
Đặt mình vào phụ huynh có con nhỏ ở tuổi đi học ở vùng tâm dịch, sẽ thấy lo lắng trăm bề. Lo lắng giữ con đủ cái ăn, khỏe mạnh thể chất lẫn tinh thần trong đại dịch chưa xong, lại phải lo chuyện học hành trường lớp không biết sẽ xáo trộn ra sao. Việc học trực tuyến, nghe thì giản đơn, nhưng không phải phụ huynh nào cũng đủ điều kiện sắm sửa máy móc và đủ khả năng để theo dõi bài học để hỗ trợ việc học cho con hằng ngày.
Ngày thường, chúng ta nói với nhau về văn hóa giáo dục trong thế giới hiện đại là đào luyện con người với năng lực thích nghi cao trước mọi hoàn cảnh, bởi một thế giới biến động và bất định. Nhưng trong đại dịch, thực tế khắc nghiệt đã vượt xa ngoài mọi phỏng đoán và hình dung. Làm sao linh hoạt để duy trì được một được một không gian giáo dục có tính liên tục, đảm bảo chất lượng dạy và học là bài toán đầy thách thức với nhà trường và cả xã hội.
Hãy hình dung một đứa trẻ ở tuổi cậu bé thơ ngây trong bài văn Tôi đi học của Thanh Tịnh bước vào buổi tựu trường online thì dấu ấn, tương quan trường lớp, thầy bạn sẽ ra sao? Các cô cậu bé 6 tuổi sẽ tiếp nhận những bài học đầu tiên trong đời trước một màn hình máy tính như thế nào? Các nhà quản lý giáo dục, nhà trường hẳn biết hết. Nhưng trong một tình cảnh mà chúng ta không cách nào khác, phải lựa chọn sự an toàn.
Nhìn rộng hơn, cần một thiết kế kịp thời và uyển chuyển tạo ra không gian giáo dục bình đẳng. Điều này đòi hỏi hệ thống chính quyền bên cạnh triển khai các biện pháp chống dịch hiệu quả, lo cho người nghèo không bị bỏ lại phía sau, lo cầm cự kinh tế và đảm bảo an ninh, nhưng cũng đừng quên chăm lo cho trẻ em nghèo, trẻ em sinh trưởng trong các nhóm xã hội yếu thế có cơ hội được học trong bối cảnh rất nhiều người phải xê dịch, lâm vào khó khăn vì dịch bệnh ảnh hưởng hưởng đến kinh tế, kéo theo con em họ mất điều kiện tiếp cận trường học.
Gần đây tại TP.HCM, ngành giáo dục đã có những nỗ lực trong chính sách, cho thấy trách nhiệm và sự chia sẻ của ngành với những khó khăn của phụ huynh như: Sở GD-ĐT đã đề nghị hệ thống trường dân lập, tư thục giữ ổn định mức học phí cho năm học mới; tạm không thu học phí học kỳ 1, miễn học phí học kỳ 1 cho học sinh từ mầm non đến phổ thông. Nhiều trường đại học trên địa bàn thành phố cũng dừng tăng học phí để hỗ trợ nhiều sinh viên khó khăn có thể tiếp tục theo đuổi việc học.
Tất cả những nỗ lực đó chắc hẳn hướng đến mục tiêu quan trọng nhất: việc học được tiếp tục, bình đẳng, liền lạc và hiệu quả trong một hoàn cảnh đầy khó khăn và thử thách. Giải bài toán “được học và bình đẳng” trong giáo dục là để không mất nhịp trong phát triển xã hội hậu đại dịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.