‘Đừng vì vài chuyến nông sản vào được châu Âu mà nói chiếm được thị trường’

Chí Hiếu
Chí Hiếu
28/10/2021 18:01 GMT+7

Là người thúc đẩy cho quả xoài xuất sang Mỹ, song Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan thừa nhận cảm xúc vui vụt qua, nỗi buồn lại đến, bởi nông sản Việt còn yếu thế, chưa đường bệ vào siêu thị các thị trường Âu, Mỹ.

Đó là nỗi niềm mà Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ tại tọa đàm “Nông nghiệp: Trụ đỡ vững chắc trong biến động” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều nay, 28.10.

Ông Hoan kể khi còn là lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, ông chính là ngườì rất ưu tiên cho việc truyền thông, đưa chuyến container xoài đầu tiên qua thị trường Mỹ.

“Khi đó xoài bán được giá cao, quả là cảm xúc rất thú vị. Rồi người Việt ở nước ngoài chụp ảnh xoài Đồng Tháp bán ở siêu thị gửi về. Sau đó chúng ta cũng đã thấy thêm các loại quả khác như nhãn, vải, thanh long,… Vui thật, cảm xúc thật nhưng buồn lắm”!, ông Hoan bắt đầu câu chuyện khiến người nghe tò mò.

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan tại tọa đàm

nhật bắc

Lý do là bởi sản lượng, số lượng nông sản Việt vào kệ các siêu thị ở những thị trường lớn như Mỹ hay châu Âu còn quá ít và cũng “chưa được đường bệ”.

“Hôm qua, khi ngồi trực tuyến với 27 đại sứ của mình ở Liên minh châu Âu, tôi mới biết nông sản mình bán sang ít lắm. Lâu lâu mới có vài thương vụ, đa phần bán ở cửa hàng người gốc Á như người Việt, người Thái Lan. Một đại sứ ở EU đã nói rằng nông sản của mình mới chỉ là 1% trong tỷ trọng nhập khẩu nông sản của EU, mà lại bán ở các cửa hàng gốc Á”, ông Hoan nói.

Trước đó, trong chuyến công tác châu Âu với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ông Hoan cũng chứng kiến cảnh hoa quả của Việt Nam chủ yếu bán ở cửa hàng của người Thái Lan.

“Nghĩa là chúng ta chưa đi đàng hoàng đường bệ mà còn rất rụt rè, ở phân khúc gặp nhiều rủi ro hoặc là bán trong cộng đồng người Việt. Khi đưa nông sản của mình vào được hệ thống phân phối chính quy của họ thì mới định hình thương hiệu cho mặt hàng nông sản của quốc gia. Chúng ta đưa vào đó được thì mới có sức lan tỏa, người tiêu dùng mới biết đến. Nhiều khi chúng ta hào hứng quá, chúng ta quên có những vấn đề, có những rủi ro phía sau. Chúng ta còn quá nhiều việc phải làm, phải có chiến lược hẳn hoi, phải mất nhiều năm nữa, không chỉ mới vài chuyến hàng của một vài doanh nghiệp mà nói là chúng ta đã chiếm lĩnh được thị trường”, tư lệnh ngành Nông nghiệp tâm tư.

Làm nông nghiệp "kiểu Uber, Grab"

Dù vậy, nói về hướng tái cơ cấu nông nghiệp, ông Hoan cho rằng không hẳn là chỉ có con đường tập trung, tích tụ để sản xuất lớn.

Xoài Đồng Tháp xuất đi Mỹ

trần ngọc

Ông chia sẻ khi tâm sự với một vị tiến sĩ - là chủ tịch một tập đoàn nông nghiệp lớn của Việt Nam, ông được trả lời rằng sẽ làm nông nghiệp bằng dư duy “kết nối kiểu Uber, Grab”.

“Vị doanh nhân này bảo chúng ta đang sống trong cuộc cách mạng 4.0, người ta kinh doanh vận tải mà có sở hữu chiếc xe nào đâu? Người ta kinh doanh khách sạn lưu trú nhưng không sở hữu một khách sạn nào cả. Làm nông nghiệp bằng tư duy như thế, bằng cách thức như thế, để đỡ xáo trộn thị trường, đỡ xáo trộn sở hữu riêng miếng đất của người nông dân”, Bộ trưởng thuật lại.

Và ông đặt vấn đề: "Chúng ta thường nói nông nghiệp là phải sản xuất quy mô lớn nhưng bây giờ điều đó cũng chưa chắc, nhất là do tác động của đại dịch Covid-19 vừa rồi, do mô thức hoạt động chia nhỏ ra nhiều hơn".

“Ví dụ như việc chia nhỏ một nhà máy lớn thành nhiều nhà máy nhỏ, nếu bị F0, họ sẽ đóng cửa một chỗ, còn những nhà máy khác vẫn hoạt động được, tức là họ sẽ chia nhỏ mà không theo xu thế tích tụ được, giống như trước đây ta quy hoạch những đại đô thị. Nhưng trước bối cảnh đại dịch, các đại đô thị này cũng bị chia nhỏ và kết nối những đô thị nhỏ lại, bản chất là chia nhỏ những mô thức. Nông nghiệp cũng vậy, cũng cần có sự thay đổi để thích ứng với đại dịch", ông Hoan phân tích.

Chia sẻ điều này, ông Vũ Tiến Lộc, cựu Chủ tịch VCCI, đồng tình cho rằng hướng phát triển của nông nghiệp sẽ phải kết hợp cả quy mô lớn với quy mô nhỏ. Theo ông Lộc, tác động của kinh tế số bây giờ khiến một hộ nông dân trồng hoa tại Đà Lạt hoặc một người trồng cà phê ở Đắk Lắk cũng có thể vươn tới thị trường thế giới nếu làm theo kiểu của một doanh nhân, của một nhà khởi nghiệp.

Tuy nhiên, ông Lộc nhấn mạnh rằng: “Nhỏ nhưng không lẻ, phải liên kết lại với nhau. Làm sao nhỏ nhưng phải kết nối lại theo chuỗi, chứ không phải thủ tiêu cái nhỏ. Đây cũng là một cách, còn tập trung, tích tụ lại trong một tổ hợp cũng là một cách”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.