Lăng kính bạn đọc:

Đừng vì lợi ích kinh tế trước mắt mà hủy hoại thiên nhiên

Đ.Huân
(tổng hợp)
22/08/2023 05:05 GMT+7

Liên quan đề xuất chuyển đổi gần 90% khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải để làm khu kinh tế, nhiều ý kiến bạn đọc bày tỏ không đồng tình.

Như Thanh Niên thông tin, hồi tháng 4.2023, ông Lại Văn Hoàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, ký Quyết định 731 về việc xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới khu rừng đặc dụng tại 3 xã ven biển Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh (H.Tiền Hải, Thái Bình) có tên gọi là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (gọi tắt khu bảo tồn). Theo quyết định, khu bảo tồn sẽ nằm ở vị trí vùng ngoài đê biển thuộc 3 xã Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh của H.Tiền Hải. Phía bắc, phía nam và phía đông giáp quy hoạch khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ. Phía tây giáp quy hoạch khu nuôi trồng hải sản công nghệ cao. Khu bảo tồn có quy mô diện tích 1.320 ha, bao gồm phần đất rừng ngập mặn 632 ha và diện tích đất chưa có rừng là 688 ha. Ranh giới của khu bảo tồn được xác định bằng 38 điểm tọa độ từ P1 đến P38.

Đừng vì lợi ích kinh tế trước mắt mà hủy hoại thiên nhiên - Ảnh 1.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải có nguy cơ bị thu hẹp gần 90% diện tích

Cù Hiền

Điều đáng nói là 9 năm trước, vào ngày 26.9.2014, ông Phạm Văn Ca, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, đã ký Quyết định số 2159 về việc phê duyệt đề án và xác lập khu bảo tồn với quy mô 12.500 ha, trong đó bao gồm diện tích rừng ngập mặn, đất bãi bồi và đất ngập nước. Quyết định này xác lập vị trí, phạm vi ranh giới, diện tích của khu bảo tồn nằm về phía tả ngạn cửa Ba Lạt (thuộc H.Tiền Hải, Thái Bình). Phía tây giáp đê 6 (thuộc xã Nam Thịnh, Nam Hưng và Nam Phú), phía bắc giáp lạch sâu cửa Lân, phía nam là sông Hồng, phía đông là dải cồn cát cao Cồn Vành, Cồn Thủ (15 km) từ cửa Ba Lạt đến cửa Lân, tiếp giáp với Biển Đông.

Quyết định 2159 cũng nêu rõ phân khu chức năng vùng lõi và vùng đệm của khu bảo tồn. Theo đó, vùng lõi được xác định do đặc thù của vùng cửa sông nên toàn bộ diện tích khu bảo tồn thuộc diện bảo vệ và không phân thành các phân khu chức năng như các khu bảo tồn thiên nhiên khác. Vùng đệm của khu bảo tồn gồm 3 xã Nam Hưng, Nam Phú và Nam Thịnh với tổng diện tích tự nhiên trong vùng dự án là 4.564 ha. Đề án của khu bảo tồn được lập ra với mục tiêu bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng cửa sông Hồng, là vùng VN đăng ký vào danh sách vùng bảo vệ theo Công ước quốc tế Ramsar.

Như vậy, với Quyết định 731, tỉnh Thái Bình đã thu hẹp, đến mức gần như sẽ xóa sổ khu bảo tồn khi giảm quy mô từ 12.500 ha xuống còn 1.320 ha, đồng thời thu hẹp đáng kể diện tích rừng đặc dụng của khu bảo tồn.

Sao lại nhắm vào khu bảo tồn thiên nhiên?

Thông tin khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải có nguy cơ bị thu hẹp gần 90% diện tích khiến nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên lo lắng. "Sao đi ngược lại thế giới vậy? Trong khi thế giới ra sức tìm mọi cách để bảo tồn, phát triển thiên nhiên thì một số địa phương ở VN làm ngược lại. Còn nhiều khu đất đai có thể quy hoạch để phát triển kinh tế, tại sao lại phải lấy đất các khu bảo tồn thiên nhiên?", BĐ Nguyễn Dương không đồng tình.

Cùng quan điểm, BĐ Phương Khanh ý kiến: "Phải bảo vệ tính nguyên vẹn của rừng, hệ sinh thái thiên nhiên. Để có được một khu như thế này đâu phải một sớm một chiều, mà có khi mất cả vài trăm năm. Thế giới người ta coi rừng, đặc biệt là rừng ven biển, như báu vật, còn ta đôi khi có mà không biết gìn giữ. Tuyệt đối không thể đánh đổi thiên nhiên nói chung, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải nói riêng vì lợi ích kinh tế trước mắt".

"Nếu lấy khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải để làm sân golf và khu nghỉ dưỡng thì chẳng mang lại lợi ích gì nhiều cho cộng đồng dân cư địa phương ở đây cả, mà sẽ mất đi một hệ sinh thái ở diện rộng mà thiệt hại là không thể đo đếm được", BĐ Văn Thìn viết.

Hãy nghĩ đến hậu quả lâu dài

Nhiều ý kiến mong chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục góp tiếng nói, cơ quan ban ngành T.Ư vào cuộc để bảo vệ khu bảo tồn này. "Tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai để lại hậu quả ngày càng nặng nề có nguyên do con người can thiệp ngày càng thô bạo vào thiên nhiên. Nhiều bài học nhãn tiền còn đó. Chúng ta có nhất thiết phải phát triển kinh tế bằng mọi giá, kể cả xâm hại môi trường, thiên nhiên? Rất mong các bộ, ban, ngành chuyên môn vào cuộc gấp để ngăn chặn", BĐ Mỹ Linh mong mỏi.

Tương tự, BĐ Kha Nguyễn ý kiến: "Vai trò của rừng ngập mặn ven biển thì hầu như ai cũng biết, lẽ ra chúng ta phải giữ gìn bảo tồn mở rộng thì đằng này lại đi tìm cách thu hẹp. Lợi ích kinh tế đâu chưa thấy nhưng trước mắt việc này sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy về môi trường, khí hậu... Hãy thật thận trọng!".

"Phát triển kinh tế cũng cần tính đến sự bền vững, chứ không phải chăm chăm được về kinh tế nhưng lại tàn phá môi trường. Nhiều doanh nghiệp hiện nay vì lợi ích trước mắt mà tìm mọi cách để khai thác triệt để, bất chấp cảnh quan môi trường. Phá thì ngày một ngày hai, mất rồi mà muốn khôi phục thì cần cả trăm năm. Tôi kiến nghị khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải cần được giữ gìn và bảo tồn xứng đáng", BĐ Chi Bùi ý kiến.

* Chúng ta sẽ trả cái giá rất đắt nếu cứ tàn phá thiên nhiên. Đừng vì một vài lợi ích phát triển kinh tế trước mắt mà bỏ qua yếu tố tác động môi trường lâu dài.

Trần Ngọc

* Thay vì thu hẹp, cần bảo tồn và phát triển khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải. Làm được vậy con cháu đời sau sẽ biết ơn nhiều lắm.

Vu Trang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.