Dựng tượng đồng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại Huế (28.2.2024): 'Hãy ru nhau trên những lời lá mới'

03/03/2024 07:32 GMT+7

Đi qua trần gian này, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939-2001) đã tự ý thức: 'Hãy cứ vui chơi cuộc đời, đừng cuồng điên mơ trăm năm sau'. Thế nhưng trong cuộc chơi ấy, ông đã để lại cho đời sống này nhiều dấu ấn - đó là những tác phẩm có sức ảnh hưởng tới nhiều thế hệ người nghe.

Khi Trịnh Công Sơn cất lên tiếng nói tự sâu thẳm lòng mình: "Con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo. Con diều rơi cho vực thẳm buồn theo. Tôi là ai mà còn ghi giấu lệ" đã tìm gặp sự đồng cảm của nhiều người. Đồng cảm này, có thể là tôi, có thể là bạn, có thể là tất cả chúng ta. Và đến một ngày nào đó, có thể là ngày trong mọi ngày, có thể là ngày 1.4.2001 - ngày mà người nhạc sĩ rời xa cõi tạm, chúng ta lại nhớ đến ông một cách da diết. Nhớ, bởi lẽ Trịnh Công Sơn đã để lại cho đời nhiều ca khúc sống theo năm tháng, có tác động đến nhận thức của người đương thời, kể cả sau này…

Dựng tượng đồng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại Huế (28.2.2024): 'Hãy ru nhau trên những lời lá mới'- Ảnh 1.

Ông Lê Hùng Mạnh bên tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại công viên Trịnh Công Sơn (Huế)

LÊ MINH QUỐC

Từ tình cảm chung, như mọi người khác đã từng yêu mến âm nhạc Trịnh Công Sơn, có người nghĩ đến một việc làm đáng quý: dựng tượng của ông - như bày tỏ lời tri ân đến ông. Tri ân bởi âm nhạc của ông đã mang đến cho họ một đời sống khác mà họ đang sống. Người đã thực hiện việc làm này là ông Lê Hùng Mạnh, một doanh nhân hiện đang làm việc tại TP.HCM. Ý tưởng này đã đến với ông từ lúc nào? Ông Mạnh cho biết ngay từ trẻ đã hát, đã tin yêu vào ca khúc của Trịnh Công Sơn. Và ca từ đó đã giúp ông có cái nhìn khác trong sự lựa chọn nhiễu nhương trước thời cuộc trước năm 1975.

Ở miền Nam, thế hệ của ông đã có lúc thốt lên một cách ai oán, phiền muộn lẫn đớn đau: "Cho tôi đi xây lại chuyện tình. Cho tôi đi nâng dậy hòa bình. Cho tôi đi qua tận gập ghềnh. Nhìn dòng máu trong tim anh…". Từ ca từ này, giai điệu này, ông Lê Hùng Mạnh đã dấn thân tích cực như nhiều thanh niên khác trong đô thị miền Nam khi đó. Sau này, qua nhiều lần từng trò chuyện gặp gỡ người nhạc sĩ mà mình ngưỡng mộ, ông Mạnh tự nhủ mình phải làm một điều gì đó về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Với ý định này, ông đã trao đổi với người anh, người bạn là điêu khắc gia Trương Đình Quế. May mắn sau khi nghe nguyện vọng của ông Mạnh, ông Quế đã đồng ý và tán thành. Có thể nói, là một "cơ duyên" bởi lẽ ông Quế và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh cùng năm và bè bạn từ thời trẻ. Cả hai đã có sự đồng điệu trong sáng tạo nghệ thuật và những cuộc đối ẩm chân tình ấm áp. Năm 1960, khi ông Quế tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định, thì cũng là năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nổi tiếng với ca khúc đầu tay Ướt mi. Khi biết ý định của ông Mạnh, điêu khắc gia Trương Đình Quế không chỉ vận dụng trí nhớ từ nhiều lần gặp gỡ, quan sát, ghi nhận hình ảnh của người bạn thân thiết mà còn từ phác thảo, ký họa, ảnh chụp… nhằm có cách thể hiện bức tượng Trịnh Công Sơn ưng ý nhất.

CÚI XUỐNG CHO TÌNH DẤY LÊN

Để làm bức tượng này chu toàn, không "phân tâm", ông Quế chọn địa điểm mà nhà báo Hà Đình Nguyên đã lui tới tìm hiểu, đưa tin sớm nhất trên Báo Thanh Niên: Xưởng tạc tượng bên cạnh bờ suối tại Nông trường cao su An Viễng, thuộc xã Bình Sơn, H.Long Thành (Đồng Nai). Nơi hẻo lánh này, trong quá trình thực hiện, ông Lê Hùng Mạnh đã nhiều lần bàn bạc với ông Quế về cách thể hiện vóc dáng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Sau nhiều lần tranh luận, góp ý lẫn nhau, cả hai thống nhất chọn tư thế người nhạc sĩ đang ngồi, tay cầm cây đàn ghi-ta, với gương mặt đăm chiêu, nhìn xuống trang sách đang mở ra. Tất cả tinh thần của bức tượng này nhằm thể hiện tinh thần lúc nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng suy ngẫm về phận người:"Cúi xuống cho tình dấy lên. Cho da thịt mềm. Cho cơn mặn nồng ngất lịm. Cúi xuống cho đời lãng quên. Cho mây trời chiều. Cho đêm mở hội âm thầm". Thể hiện bức tượng này qua chất liệu đồng là nghệ nhân Đoàn Tấn Huệ, thực hiện tại xưởng đúc đồng ở Thuận An (Bình Dương). Và khi làm bệ cho bức tượng này, ông Mạnh cũng tán thành ý tưởng của KTS Hồ Viết Vinh chọn hình tượng con mắt (dài: 6,5 m, ngang 3,5 m, cao 0,55 m). Sở dĩ như thế bởi về hình tượng con mắt, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng nhiều lần sử dụng trong ca từ của mình.

Như vậy, với tư thế ngồi, chiều cao 1,7 m, ngang 1,6 m, dài 2,3 m thì người hâm mộ khi chụp ảnh lưu niệm sẽ thân thiện, gần gũi hơn với người nghệ sĩ từng thốt lên: "Tôi là ai, là ai, là ai? Mà yêu quá đời này". Quả nhiên như thế, vào chiều 28.2.2024, trong dịp chính thức khánh thành tượng tại công viên Trịnh Công Sơn thuộc P.Gia Hội (TP.Huế), nhiều người đã này tỏ sự thích thú, tán thành ý tưởng vừa nêu trên.

Đón nhận bức tượng đồng Trịnh Công Sơn do ông Lê Hùng Mạnh tặng TP.Huế, ông Trương Đình Hạnh, Phó chủ tịch UBND TP.Huế, khẳng định sau việc làm này, chính quyền các cấp tiếp tục nỗ lực chỉnh trang công viên Trịnh Công Sơn và nơi đây sẽ trở thành một trong những điểm tham quan cho mọi người khi đến với Huế. Suy nghĩ này đã được người dân ủng hộ, bởi lẽ ca khúc của Trịnh Công Sơn đã góp phần phản ánh nét đẹp dịu dàng, thơ mộng, sâu lắng của một vùng đất kinh kỳ, như: "Chiều đã đi vào vườn mắt em. Mùa thu qua tay đã bao lần. Hàng cây thắp nến lên hai hàng. Để nắng đi vào trong mắt em". Và khi đến nhìn ngắm tượng Trịnh Công Sơn, cũng có thể là lúc chúng ta chia sẻ với tâm tình của ông thuở sinh thời: "Đường nào dìu tôi đi đến cơn say. Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời. Dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy. Giật mình tỉnh ra ồ nắng lên rồi"…

Thật kỳ lạ, khi chúng tôi ra đến Huế chung vui với sự kiện khánh thành tượng Trịnh Công Sơn thì trời u ám, rớm lệ ngậm ngùi. Mưa đầy. Gió lạnh. Nhưng chiều ngày 28.2.2024 - cũng là dịp sinh nhật lần thứ 85 của ông - thì ai nấy cũng hân hoan, vui mừng reo lên: "Ồ, nắng lên rồi". Nếu có sự "tri ngộ" nào đó giữa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với chúng ta thì đây cũng là một biểu hiện đấy chứ? Được biết sau sự kiện độc đáo này, doanh nhân Lê Hùng Mạnh hiện đang tiếp tục nỗ lực dựng tượng Bùi Giáng tại Quảng Nam hoặc Đà Nẵng. Tượng của "trung niên thi sĩ" Bùi Giáng cũng do điêu khắc gia Trương Đình Quế thực hiện.

Nhìn chung, những người nghệ sĩ tài hoa một khi đã tận hiến cho đời sống này - đời sau vẫn còn nhớ đến họ, không gì mất đi và không điều gì lãng quên nếu chúng ta cùng nghĩ đến sự tốt đẹp nhất dành cho cộng đồng. Nói như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đó cũng là lúc đồng cảm với thông điệp về lòng tri ân và yêu thương con người: "Hãy ru nhau trên những lời gió mới. Hãy yêu nhau cho gạch đá có tin vui. Hãy kêu tên nhau trên ghềnh dưới bãi. Dù mai nơi này người có xa người…".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.