Dùng toán để dạy, học tiếng Anh

Thúy Hằng
Thúy Hằng
27/12/2021 07:30 GMT+7

Những lý thuyết toán học như rút gọn phân số, phép toán vector, phép tính lũy thừa… đều liên quan phương pháp dạy và học tiếng Anh do một người từng đứng chót lớp môn học này sáng tạo ra.

Từ một học sinh đứng chót lớp môn tiếng Anh, Lê Đình Lực (29 tuổi, quê TP.Pleiku, Gia Lai) đang là nhà khởi nghiệp với ngôn ngữ này.

Sáng tạo phương pháp dạy tiếng Anh

Lê Đình Lực nhớ rõ ngày mới thi đậu lớp chuyên toán Trường phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), anh “choáng” vì trình độ tiếng Anh của mình thua xa các bạn. “Có những lúc tôi dịch hết nghĩa các từ trong câu rồi ráp lại mà vẫn không hiểu người ta viết gì. Mỗi khi nhận các điểm 4, 5 tiếng Anh tôi đều hoảng sợ…”, Lực nhớ lại.

Mỗi mùa hè, Lực dành rất nhiều thời gian để ôn luyện, bù vào lỗ hổng tiếng Anh của mình. Thi đậu vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhưng học chưa đầy 1 tháng anh đã xin bảo lưu 1 năm vì bỗng dưng thấy nản. Suốt 1 năm đó, Lực học nhiều khóa tiếng Anh, tự mày mò nghĩ ra phương pháp học tiếng Anh từ kiến thức toán học của mình và chinh phục TOEFL IBT gần 100/120, SAT 2.100/2.400.

Lê Đình Lực (giữa) trong một lần làm việc với các cộng sự của mình

Minh Anh

Trở lại giảng đường, Lực giành một lúc 2 văn bằng, sau đó lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của Trường ĐH RMIT (TP.HCM). Vừa đi học, anh vừa dạy thêm tiếng Anh cho các sinh viên. Từng dự định học lên tiến sĩ rồi trở về quê hương, an yên với một vị trí, nhưng đi dạy tiếng Anh, anh nhận ra mục tiêu của mình đã thay đổi. “Tôi luôn ám ảnh với việc làm cho việc học tiếng Anh của người Việt hiệu quả hơn nhờ tư duy toán. Và phải ứng dụng công nghệ để trải nghiệm học dễ dàng, thú vị hơn”, Lực nói về lý do khởi nghiệp.

Từ những ấp ủ về phương pháp dạy, học tiếng Anh theo tư duy tuyến tính năm 2008, Lực sáng tạo ra phương pháp Linearthinking và dần hoàn thiện. Phương pháp này được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp bằng công nhận sau 2 năm xét duyệt. Những lý thuyết toán học như rút gọn phân số, phép toán vector, phép tính lũy thừa là tiền đề cho sự logic của phương pháp. “Nó có thể ứng dụng để giải quyết 3 vấn đề cố hữu khi học tiếng Anh của người Việt như tư duy chung chung, đọc dịch từng cụm rồi ghép lại thành câu, giữ thói quen dùng trong nói, viết tiếng Việt (như ghép các từ có nghĩa thành câu) để sử dụng sang tiếng Anh”, Lực nói.

Tôi luôn ám ảnh với việc làm cho việc học tiếng Anh của người Việt hiệu quả hơn nhờ tư duy toán. Và phải ứng dụng công nghệ để trải nghiệm học dễ dàng, thú vị hơn.

Lê Đình Lực, chủ nhân của DOL IELTS

Đi từ một người rất dở tiếng Anh, Lực biết những lỗi thường gặp của người học và cách khắc phục nó. Nhờ vậy mà người học tiến bộ rất nhanh.

Làm công nghệ giáo dục

Có tầm nhìn xa, Lê Đình Lực sớm phát triển hệ thống công nghệ để học viên có thể học, ôn tập, làm đề thi, rèn luyện tiếng Anh từ các bài viết cập nhật tin tức đang là “trend” (khuynh hướng) của giới trẻ.

Gần 1 năm qua, Lực và các cộng sự còn viết một cuốn từ điển Việt - Anh với khoảng 30.000 từ

thúy hằng

Ông chủ của DOL IELTS (trung tâm luyện thi IELTS do Lực sáng lập) không mất tiền thuê mặt bằng vì đã tự thiết kế, đầu tư xây dựng hẳn một tòa nhà trên đường 3 Tháng 2, Q.10, TP.HCM. Tính đến nay, tổng số tiền đầu tư cơ sở vật chất cũng như công nghệ cho “đứa con cưng” start up của mình, Lực tính sơ sơ là 3 triệu USD.

Như những nhà khởi nghiệp khác, Lực đối mặt nhiều khó khăn trong đại dịch Covid-19. Phải dạy trực tuyến, số lượng học viên giảm, doanh thu giảm, nhưng chi phí đầu tư thì vẫn phải trả đều đặn và ngày càng tăng. Chàng trai 29 tuổi cho biết khi đã có vợ con thì có những áp lực, buộc mình phải cẩn trọng hơn. May mắn, anh có được những cộng sự giỏi.

“Cũng có lúc tôi mất ngủ, nhưng chưa lúc nào tôi hối hận vì lựa chọn khởi nghiệp. Tôi đi qua nhiều cảm xúc. Được gặp gỡ và làm việc chung với nhiều kiểu người, nhân sinh quan của tôi được thay đổi nhiều”, Lực tâm sự.

Chàng trai viết từ điển Việt - Anh

Gần 1 năm qua, Lực và các cộng sự còn viết một cuốn từ điển Việt - Anh với khoảng 30.000 từ. Anh cho biết tiếng Việt rất phong phú, nhưng rất nhiều từ điển Việt - Anh đang dịch chưa đúng, nhiều từ điển trực tuyến còn cho kết quả sai.

“Ví dụ phở tái, trứng chần, cơm phần chẳng hạn? Bạn có biết từ tiếng Anh của nó là gì không? Với mỗi từ mới, chúng tôi cũng sẽ đặt câu sao cho gần gũi, bắt “trend” đúng giới trẻ. Tôi sẽ xuất bản dạng sách truyền thống và đồng thời sử dụng lợi thế công nghệ của mình, để khi ai đó tìm kiếm từ tiếng Việt này dịch sang tiếng Anh ra sao, thì Google sẽ cho kết quả của chúng tôi lên đầu tiên”, Lực nói về dự định quan trọng trong năm 2022.

Con trai Lực hiện hơn 1 tuổi, người cha đang khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục không muốn dạy tiếng Anh cho con lúc này. Anh muốn con mình trước tiên phải giỏi tiếng Việt. “Dù đi đâu, làm gì, thì trước tiên cũng phải nói sõi nhất, sử dụng giỏi nhất ngôn ngữ mẹ đẻ, còn tiếng Anh có thể giỏi nhanh mà”, anh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.