Dùng thuốc nam không đúng dễ gây nguy hiểm tính mạng

08/04/2016 13:50 GMT+7

Dùng thuốc không đúng cách, đúng bệnh thì dù thuốc nam, thuốc bắc, thuốc tân dược hay thực phẩm chức năng… đều có thể gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.

Dùng thuốc không đúng cách, đúng bệnh thì dù thuốc nam, thuốc bắc, thuốc tân dược hay thực phẩm chức năng… đều có thể gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.

Tân di - Ảnh: K.VyTân di - Ảnh: K.Vy
Theo lương y Lê Văn Cảnh (phòng khám đông y Thiên Long, Q.5, TP.HCM), để sử dụng hiệu quả các loại thảo dược phải hiểu và dùng đúng cách. Nếu sử dụng không đúng về liều lượng, bộ phận dùng, cách sơ chế (loại bỏ độc tố), sao tẩm và bảo quản, thời gian uống thuốc… thì tác dụng sẽ không như mong muốn. Tốt nhất, bệnh nhân nên gặp thầy thuốc để được chẩn bệnh, kê đơn phù hợp. Hoặc muốn dùng theo kinh nghiệm dân gian thì phải tìm hiểu thật kỹ qua những người đã dùng có hiệu quả.
Thảo dược tuy không có tác dụng phụ nhưng sẽ có những độc tính cấp viễn. Ví dụ, một số thuốc có độc tính như cà độc dược, mã tiền, bã đậu... đều thuộc thuốc độc bảng A, rất nguy hiểm. Muốn sử dụng an toàn, người dùng phải sơ chế đúng cách để thuốc giảm bớt độc tính, đặc biệt những vị thuốc này luôn được quản lý chặt chẽ và thận trọng về mặt liều dùng.
Những triệu chứng ngộ độc dễ gặp nhất khi sử dụng thuốc nam sai chỉ định theo lương y Cảnh là bệnh nhân đau đầu - chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn ói. Thường thì người bệnh sẽ thấy mệt mỏi yếu sức, da tím tái, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, hoặc nặng hơn có thể rơi vào trạng thái mơ hồ, nhiễm độc và tử vong. Ngoài ra, một số bệnh nhân do dị ứng với một hoặc nhiều vị thuốc nam, nên cũng không dùng được.
Lương y Cảnh khuyến cáo, thuốc nam, bắc chỉ an toàn và hiệu quả khi: dùng đúng thuốc (tránh nhầm lẫn giữa các cây thuốc có hình dáng tương đối giống nhau); dùng đúng liều, hoặc dùng liều từ thấp đến cao; dùng đúng bộ phận, vì mỗi bộ phận của cây thuốc có công dụng khác nhau; đúng cách sao thuốc (ví dụ: sao vàng hạ thổ để kiện tỳ, sao đen để cầm máu, tẩm rượu để dẫn thuốc vào gan; tẩm muối để dẫn thuốc vào thận…).
Cũng theo lương y Cảnh, để phân biệt được thuốc thật thuốc giả là một việc hết sức khó khăn đối với người không chuyên môn (kể cả người có chuyên môn cũng không tránh khỏi). Vì thuốc lúc còn tươi, còn là cây, dây, lá thì dễ phân biệt nhưng thuốc đã xơ chế, thái phiến và phơi sấy khô thì rất khó phân biệt được (do biến đổi hình dạng, màu sắc, mùi vị...).
Không có tiêu chuẩn nào để nhận biết chính xác được thuốc thật, giả ngoài chuyên môn và kinh nghiệm. Ngoài ra, một số thuốc ta có thể kiểm nghiệm định tính để phát hiện. Nhưng ngặt vì chi phí kiểm nghiệm lớn, nên việc kiểm nghiệm chỉ được tiến hành khi thật sự cần thiết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.