Đừng sợ, buồn có thể giúp bạn làm việc hiệu quả hơn!

23/07/2018 09:05 GMT+7

Dù cho tâm trạng tồi tệ hay cảm thấy… ‘buồn đến hao gầy’, hãy suy nghĩ tích cực lên vì ngay cả nỗi buồn cũng có thể giúp bạn cơ mà.

Healthmedicinet đưa tin về nghiên cứu phát hiện ra cảm thấy buồn, thật sự có thể giúp một số người tập trung hơn, quản lý thời gian và lựa chọn thứ tự nhiệm vụ ưu tiên tốt hơn.
Nhóm nghiên cứu cũng thấy rằng tâm trạng tốt có thể cản trở kỹ năng quản lý thời gian và tổ chức. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng đối với những người hướng ngoại. Còn người hướng nội lại cảm thấy làm việc tệ hơn khi tâm tình ảm đạm.
Đây là kết quả nghiên cứu mới do nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi giáo sư tâm lý Tara McAuley tại Đại học Waterloo thực hiện, theo Healthmedicinet.
Trang Healthmedicinet cũng cho biết các nhà nghiên cứu tập trung vào phản ứng cảm xúc - sự nhạy cảm, cường độ và thời gian phản ứng cảm xúc gắn liền với tâm trạng của chúng ta khi tiến hành thực nghiệm. Đây là những yếu tố quyết định ảnh hưởng đến cái gọi là “hoạt động hiệu quả” (hoặc, khả năng thực hiện các nhiệm vụ).
Các nhà nghiên cứu khám phá cách 95 người đối phó với nhu cầu và căng thẳng hằng ngày, tùy thuộc vào tâm trạng của họ. Họ được chia nhóm theo các loại phản ứng cảm xúc: những người có phản ứng cao và những người phản ứng thấp. Cá nhân có phản ứng cao (những người hướng ngoại) là những người có phản ứng cảm xúc nhanh, dữ dội và lâu dài, còn những người phản ứng thấp (những người hướng nội) thì nhẹ nhàng hơn.
Trong nghiên cứu, những người hướng ngoại thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ khi họ đang ở tâm trạng xấu. Ngược lại, những người phản ứng thấp cho thấy khả năng của họ sẽ giảm xuống khi tâm trạng tệ hại.
Giáo sư McAuley nói: “Kết quả của chúng tôi cho thấy một số người trong tâm trạng buồn bã có thể thực sự trau dồi kỹ năng tư duy quan trọng cho cuộc sống hàng ngày. Chúng ta biết rằng phản ứng cảm xúc khác nhau ở mỗi người bắt đầu từ khi còn nhỏ và những khác biệt cá nhân này có ý nghĩa đối với sức khỏe tâm thần trong quá trình phát triển sau này”.
Nhưng ông cảnh báo mọi người không nên diễn dịch kết quả để rồi lúc nào cũng ráng phản ứng thái quá hay nhăn nhăn nhó nhó vì muốn làm việc hiệu quả. Healthmedicinet cho rằng cần nghiên cứu sâu hơn để giải thích mối quan hệ này. Một số nghiên cứu đưa ra kết luận những người phản ứng cao thường quen với cảm xúc tiêu cực hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.