Dừng ngay những thói quen này nếu không muốn ‘rước’ bệnh nan y vào người

Thảo Phương
Thảo Phương
10/04/2024 14:33 GMT+7

Theo thống kê, ước tính mỗi năm Việt Nam có thêm 8.000 người bị suy thận, trong đó có nhiều bệnh nhân dưới 30 tuổi. Bệnh suy thận đang ngày càng trẻ hóa, điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh nhiều người đừng nên coi thường sức khỏe của bản thân.

Có phải bệnh suy thận chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi?

Phát hiện mắc suy thận giai đoạn 3B ở tuổi 29, chị Thiều Thanh Yến (hiện 31 tuổi), ngụ tại TP.HCM, chia sẻ tình cờ phát hiện bệnh trong lúc đi khám sức khỏe tổng quát. Vì ăn uống khoa học, thường xuyên tập thể dục, chơi thể thao, luôn vui vẻ, lạc quan nên chị Yến không tin bản thân mắc bệnh. “Mình không hề tin bản thân bị bệnh. Sau nhiều lần đi khám, xét nghiệm thì cuối cùng sự thật là mình đã bị suy thận”, chị Yến chia sẻ.

Chị Yến làm clip chia sẻ về bệnh suy thận của bản thân để cảnh tỉnh các bạn trẻ

Chị Yến làm clip chia sẻ về bệnh suy thận của bản thân để cảnh tỉnh các bạn trẻ

CHỤP MÀN HÌNH

Nói về nguyên nhân bản thân bị suy thận, chị Yến cho biết vì ăn thịt nướng nhiều, thận không lọc kịp đạm. Khi còn là sinh viên chị vừa học, vừa làm nên có thời gian dài mỗi đêm chỉ ngủ 2 - 3 tiếng đồng hồ. Thức đêm nhiều khiến thận hoạt động quá tải. Chưa kể, chị Yến còn có thói quen uống nước đá bất chấp thời tiết lạnh hay nóng dẫn đến viêm họng nặng, ảnh hưởng đến thận. “Mình nhận ra những thói quen hằng ngày nếu không biết cách kiểm soát sẽ rất dễ dẫn đến suy thận”, chị Yến nói.

Từ câu chuyện của chính mình, chị Yến cảnh tỉnh nhiều người trẻ đừng chủ quan với sức khỏe. "Nếu ai đang theo đuổi lối sống không lành mạnh, lao lực để kiếm tiền thì nên dành thời gian cho bản thân, kiểm soát lại chế độ ăn uống. Và có thể thì nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ", chị Yến chia sẻ.

Mắc hội chứng thận hư từ nhỏ, cộng thêm lối sống kém lành mạnh, thường thức đêm làm việc, ăn uống thất thường khiến chàng trai N.V.L (26 tuổi), ngụ tại tỉnh Tiền Giang đang vật vã với căn bệnh suy thận suốt 3 năm nay. “Năm 2021, mình ngủ dậy thấy người mệt mỏi, mặt và chân bị sưng phù, nhưng lúc đó đang dịch Covid-19 nên chỉ mua thuốc về uống. 2 tuần sau đó vì quá mệt nên mình nhập viện, sau khi thăm khám thì được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để chạy thận vì bệnh đã qua giai đoạn cuối”, L. kể lại.

Hiện tại, mỗi tuần L. phải vào bệnh viện 3 lần để chạy thận. Sau 3 năm chống chọi với căn bệnh này, sức khỏe chàng trai sa sút nghiêm trọng. L. bồi hồi: “Mọi người nên kiểm tra sức khỏe định kỳ nếu có bệnh thì còn phát hiện kịp thời mà ngăn chặn. Hơn nữa, đừng nghĩ mình còn trẻ mà coi thường sức khỏe rồi đến lúc hối hận cũng đã muộn”.

Nguyên nhân khiến bệnh suy thận ngày càng trẻ hóa

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Văn Long, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), cho biết có 3 nguyên nhân chính khiến người trẻ mắc bệnh suy thận, bao gồm: lối sống, chế độ ăn và các yếu tố khác tác động vào.

Bác sĩ Lê Văn Long tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân

Bác sĩ Lê Văn Long tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân

BSCC

Đầu tiên là về lối sống, cụ thể bác sĩ Long giải thích: “Các bạn trẻ bây giờ hay có thói quen thức khuya. Việc này sẽ làm suy giảm và rối loạn miễn dịch gây ra các bệnh lý tự miễn mắc phải như: viêm cầu thận, hội chứng thận hư khiến chức năng thận kém đi dẫn đến suy thận. Bởi vì, từ 23 giờ tối hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau là thời điểm thận cần nghỉ ngơi để hồi phục nên càng làm việc đêm càng gây gánh nặng cho thận. Hơn nữa, thức đêm gây căng thẳng thần kinh dẫn đến co thắt các mạch máu ở vùng ngoại vi trong đó có thận. Việc này sẽ khiến các mạch máu máu ở thận giảm lưu lượng, thiếu oxy làm suy giảm chức năng thận. Ngoài ra, việc dùng những chất kích thích như: rượu bia, thuốc lá, lạm dụng thức ăn nhanh, sản phẩm nhiều dầu mỡ hay dùng thuốc một cách bừa bãi tăng nguy cơ xơ vữa, hẹp lòng mạch máu, giảm tưới máu mạn tính đến thận về lâu dài cũng tác động đến thận”.

Thứ 2, về chế độ ăn, bác sĩ Long phân tích: “Chế độ ăn giàu đạm, làm cho thận chuyển hóa khá nhiều để lọc và đào thải. Ngoài ra, khi ăn quá nhiều đạm, dầu mỡ mà ít vận động sẽ tăng nguy cơ béo phì dẫn đến tăng huyết áp và tiểu đường sớm. Đó là những nguyên nhân lâu dần dẫn đến suy thận”.

Cuối cùng là các yếu tố từ bên ngoài. “Việc lạm dụng đồ uống có ga, nước ngọt, trà sữa làm tăng lượng đường huyết sẽ gây hại cho thận. Tất cả chất bảo quản trong nước ngọt có ga là chất độc cần đào thải, nếu bám vào các tổ chức của gan và thận sẽ làm xơ hóa, gây hại cho cơ quan này. Ngoài ra, nguồn nước, môi trường chế biến không được đảm bảo cũng gây hại cho thận”, bác sĩ Long cho biết.

Do vậy, bác sĩ Long đưa ra lời khuyên rằng, cách tốt nhất để tránh suy thận ở người trẻ là cần có lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học và kiểm tra sức khỏe định kỳ. “Suy thận giai đoạn 1 và 2 có khả năng điều trị được bằng cách từ bỏ những lối sống kém lành mạnh, điều chỉnh phác đồ điều trị, chế độ ăn uống phù hợp. Còn nếu bệnh đã sang giai đoạn 3 thì khá khó”, bác sĩ Long cho hay.

Bác sĩ Long cũng chỉ ra các dấu hiệu dễ nhận biết bệnh suy thận, bao gồm: cơ thể mệt mỏi một cách bất thường, sạm da, dễ bị mẩn ngứa, đi tiểu đêm nhiều lần, vùng mặt và tay chân bị phù nhẹ, sốt, chán ăn không rõ nguyên nhân, đau thắt lưng... “Đó là những dấu hiệu ban đầu để đi kiểm tra sức khỏe còn muốn xác định chính xác thì phải xét nghiệm máu”, bác sĩ Long nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.