Dùng giun tròn phát hiện sớm ung thư

Ngọc Quý
Ngọc Quý
07/12/2022 00:07 GMT+7

Khoảng 95% bệnh nhân ung thư tuyến tụy sẽ tử vong vì phát hiện bệnh muộn. Các nhà khoa học mới đây đã phát triển phương pháp giúp phát hiện sớm ung thư tuyến tụy. Điều đặc biệt hơn là phương pháp này sử dụng giun tròn.

Công nghệ phát hiện sớm ung thư tuyến tụy do các chuyên gia tại công ty công nghệ sinh học Hirotsu Bio Science ở thành phố Tokyo (Nhật Bản) phát triển. Sản phẩm dự kiến sẽ ra mắt trong vài tuần tới, theo trang tin Daily Mail (Anh).

Phương pháp mới sử dụng giun tròn biến đổi gien có thể giúp phát hiện sớm ung thư tuyến tụy

REUTERS

Người muốn kiểm tra ung thư tuyến tụy sẽ gửi mẫu nước tiểu của mình đến phòng thí nghiệm qua đường bưu điện. Nước tiểu sau đó sẽ được cho vào đĩa petri, loại đĩa nhỏ làm bằng chất dẻo hay thủy tinh thường dùng trong phòng thí nghiệm. Trên đĩa sẽ có hàng chục con giun tròn, loại giun nhỏ có chiều dài khoảng 1 mm.

Giun tròn có khứu giác rất nhạy, nhạy hơn nhiều so với chó. Loại giun tròn dùng trong nghiên cứu có tên khoa học là C. Elegans. Các nhà khoa học Nhật đã biến đổi gien những con giun này để chúng có thể phát hiện và bơi tránh ra xa những mẫu nước tiểu của người mắc ung thư tuyến tụy.

Những nghiên cứu sau đó cho thấy cách phát hiện ung thư này hiệu quả hơn so với nhiều phương pháp xét nghiệm hiện có, chẳng hạn như xét nghiệm máu.

Chi phí cho mỗi bộ xét nghiệm ung thư tuyến tụy như vậy là 70.000 yên, hơn 12 triệu đồng. Giá này có thể sẽ giảm trong tương lai nếu công ty mở rộng quy mô sản xuất và tăng công suất sản xuất.

Ung thư tuyến tụy là một trong những loại ung thư nguy hiểm nhất vì khó phát hiện và tốc độ tiến triển nhanh. Đến khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng rõ rệt thì ung thư đã đến giai đoạn tiến triển và nguy cơ tử vong cao.

Trong vài năm tới, công ty Hirotsu Bio Science cho biết sẽ triển khai các thử nghiệm dùng giun tròn để phát hiện sớm ung thư gan, cổ tử cung và vú, theo Daily Mail.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.