Đừng dựa vào quỹ bình ổn

19/01/2016 06:21 GMT+7

Trả lời Thanh Niên, lãnh đạo Tập đoàn điện lực VN khẳng định không tăng giá điện trong năm 2016. Thông tin này khiến người dân và doanh nghiệp thở phào nhẹ nhõm bởi trước đó, nhiều ý kiến cho rằng điện chuẩn bị tăng giá.

Trả lời Thanh Niên, lãnh đạo Tập đoàn điện lực VN khẳng định không tăng giá điện trong năm 2016. Thông tin này khiến người dân và doanh nghiệp thở phào nhẹ nhõm bởi trước đó, nhiều ý kiến cho rằng điện chuẩn bị tăng giá.

Điện tăng giá vốn là chuyện “đến hẹnnăm ít cũng 1 lần, nhiều thì 2 lần. Nhưng năm nay nếu điện vẫn tăng, các doanh nghiệp (DN) nội địa sẽ vô cùng khó khăn trong cuộc chiến cạnh tranh với hàng ngoại khi mở cửa thị trường. Nhất là cuộc chiến sống còn với hàng hóa từ các nước trong khối ASEAN bởi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã được thành lập vào cuối năm 2015. Vốn tương đồng về mẫu mã, chất lượng, chủng loại... nên giá cả trở thành vũ khí quan trọng, thậm chí quyết định sự sống còn của họ. Vì vậy, chi phí điện năng ổn định phần nào đó sẽ giúp DN chủ động tính toán giá thành, chủ động kế hoạch kinh doanh.
Quan trọng hơn, đây là cơ hội để tạo sự cộng hưởng và lan tỏa trong nền kinh tế khi một loạt chi phí đầu vào đều đã giảm mạnh. Chúng ta đều thấy, suốt 2 năm qua kể từ khi giá dầu thô lao dốc, nền kinh tế trong nước luôn bị đánh giá là chưa tận dụng được cơ hội từ việc giá xăng dầu giảm mạnh. Cứ giá xăng giảm thì điện tăng, hoặc cước vận chuyển chây ì... Cái nọ “đá chân” cái kia, giằng kéo nhau khiến sản xuất không bật lên được. DN khó vẫn hoàn khó. Năm nay, giá dầu thô vẫn tiếp tục đà giảm và ngưỡng “không tưởng” 20 USD/thùng đã được dự báo. Các nước nhập khẩu xăng dầu đang tận dụng tối đa cơ hội chi phí năng lượng giảm để thúc đẩy kinh tế. Trong khi theo tính toán của Tập đoàn dầu khí VN, nếu giá dầu giảm 1 USD/thùng thì doanh thu Tập đoàn dầu khí VN giảm 5,4 nghìn tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước giảm 1,5 nghìn tỉ đồng. Phần hụt của ngân sách này sẽ được bù trừ nếu chúng ta phát huy tối đa hiệu quả từ việc kiểm soát tốt chi phí đầu vào như xăng dầu, điện, giá cước... để DN có thể tận dụng được cơ hội, củng cố nội lực, tăng sức cạnh tranh.
Ở một khía cạnh khác, dù nhẹ nhõm vì điện không tăng giá trong năm nay nhưng người dân lại thấp thỏm khi Bộ Công thương đang đề xuất thành lập quỹ bình ổn giá điện. Theo đó, nguồn hình thành quỹ bình ổn giá điện sẽ được trích từ giá bán điện và tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh. Tuy quỹ chỉ được trích lập khi các yếu tố đầu vào hình thành giá bán điện giảm so với hiện hành và chi phí sản xuất, kinh doanh điện bị treo (chưa được tính hết vào giá bán điện) đã được xử lý hết. Nhưng trước việc quỹ bình ổn xăng dầu thiếu hiệu quả mấy năm qua và có khả năng bị loại bỏ thì việc thành lập quỹ bình ổn cho điện nhiều chuyên gia cho rằng không cần thiết. Đó là chưa kể, xu hướng sử dụng quỹ để trợ giá là đi ngược lại với xu thế của thế giới mà VN đang hội nhập ngày càng sâu, rộng. Việc này cũng đi ngược với định hướng tiến tới thị trường cạnh tranh mà ngành điện đang thực hiện. Sẽ nhẹ nhõm hơn khi giá điện thực sự theo cơ chế thị trường, minh bạch, rõ ràng có tăng, có giảm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.