Đụng độ ở biên giới Ấn - Trung: Hành động của Bắc Kinh có thể gây hậu quả ngược

17/06/2020 08:08 GMT+7

Theo chuyên gia, với cách thức mà Trung Quốc khiêu khích dẫn đến căng thẳng có thể khiến hậu quả ngược lại kỳ vọng của Bắc Kinh.

Ngày 16.6, trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận định biên giới Ấn Độ - Trung Quốc gần đây trở nên căng thẳng khi Bắc Kinh điều động 5.000 binh sĩ xâm nhập phía New Delhi quản lý ở khu vực đường kiểm soát biên giới hai nước. Và sau một số lần đụng độ chỉ gây thương tích, thì nay xung đột đã khiến quân nhân hai bên thiệt mạng.
TS Nagao đánh giá: Gần đây, Trung Quốc khiêu khích với nhiều quốc gia và điều này ẩn chứa rủi ro rất lớn mà những gì xảy ra tại biên giới Ấn Độ - Trung Quốc chứng minh cho rủi ro đó. Đụng độ chưa nổ súng tưởng chừng “hạ nhiệt”, nhưng rồi đã đánh đổi bằng mạng sống của quân nhân hai bên khi một số binh sĩ Ấn Độ lẫn Trung Quốc được cho là đã thiệt mạng. Từ đó, có thể dự báo chuyện xảy ra như thế nào xoay quanh 3 yếu tố sau:

Đụng độ tại biên giới Trung-Ấn: 20 lính Ấn Độ thiệt mạng

Thứ nhất, đây là sự cố sau khi binh sĩ Trung Quốc xâm nhập vào phía Ấn Độ quản lý ở khu vực đường kiểm soát biên giới hai nước. Vì thế, nếu lực lượng Trung Quốc thoái lui khỏi khu vực này thì tình hình có thể tạm ổn.
Thứ hai, Ấn Độ vốn đã phải thích nghi với những vụ đụng độ tương tự tại biên giới với Pakistan, nên về kinh nghiệm thực tế thì rõ ràng New Delhi đang chiếm ưu thế. Nên cũng chính vì thế mà New Delhi sẽ không để cảm xúc lấn át khiến cho căng thẳng ở biên giới Ấn - Trung leo thang.
Thứ ba, trong trường hợp xung đột đang diễn ra ở biên giới Ấn - Trung thì khu vực này rất thưa thớt dân cư, nên khó tạo ra những hậu quả ngoài ý muốn liên quan dân thường. Nhờ đó, cả hai phía sẽ có nhiều điều kiện để giải nhiệt căng thẳng và hạn chế những hậu quả liên quan thường dân. Vì thế, nếu hai bên đồng thuận không để tình hình căng thẳng thì vẫn có nhiều cơ hội để giải nhiệt.

3 phút tìm hiểu về xung đột chết người trên biên giới Ấn Độ - Trung Quốc

Từ những thực tế trên, nếu Bắc Kinh chịu “xuống thang” xung đột thì vấn đề có thể dễ dàng hạ nhiệt hơn. Thực tế, đây là “chiêu trò” mà Trung Quốc sử dụng để khiến Ấn Độ phải hạn chế việc tham gia nhóm “Bộ tứ an ninh” Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Theo TS Nagao, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở do Mỹ tiên phong, với nền tảng là bộ tứ an ninh Mỹ - Nhật - Úc - Ấn, đang tiến hành nhiều biện pháp kiềm chế Trung Quốc. Trong nhóm bộ tứ an ninh này, chỉ Ấn Độ có chung đường biên giới trên bộ với Trung Quốc, nên New Delhi nhiều khả năng trở thành mục tiêu để Bắc Kinh đáp trả.
Tuy nhiên, với cách thức mà Trung Quốc khiêu khích dẫn đến căng thẳng có thể khiến hậu quả ngược lại kỳ vọng của Bắc Kinh. Đó là diễn biến lần này khiến cho Ấn Độ càng có thêm động lực để thắt chặt quan hệ với các nước trong khu vực, mà điển hình là một số quốc gia ở Đông Nam Á, hay rộng hơn là Úc, Mỹ và Nhật Bản nhằm tăng cường khả năng ứng phó trước những diễn biến khó lường từ Trung Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.