Dùng điếu cày đánh chết người: Có phải là phòng vệ chính đáng?

18/08/2022 16:26 GMT+7

Hành vi dùng điếu cày đánh chết người có thể bị xử lý tội 'giết người'. Tuy nhiên, bị hại ném ly thủy tinh khiến nghi phạm gây án thì có phải là phòng vệ chính đáng?

Như Thanh Niên đã thông tin về vụ việc một nam thanh niên dùng điếu cày đánh chết người: Chiều 14.8, Bùi Văn Hải (32 tuổi), O.C.Đ. (26 tuổi) cùng 3 người bạn khác đến quán cà phê ở thôn Chợ Đập, xã An Bình, H.Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình chơi. Tại đây, nhóm của Hải gặp nhóm của Trịnh Đức Tư (24 tuổi).

Tư đến hỏi mượn điếu cày ở gần chỗ nhóm của Hải ngồi thì xảy ra mâu thuẫn. Tư ném cốc thủy tinh về Đ. nhưng không trúng, liền bị Hải dùng điếu cày đập vào đầu vài cái. Do thương tích vùng đầu quá nặng, Tư tử vong trên đường cấp cứu.

Ảnh chụp video ghi lại cảnh dùng điếu cày đánh chết người

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Theo luật sư (LS) Trần Minh Hùng (Đoàn LS TP.HCM), hành vi của Hải có dấu hiệu cấu thành tội “giết người”, vì Hải đã có hành vi sử dụng điếu cày, được xem là hung khí nguy hiểm để đánh vào đầu (vùng trọng yếu trên cơ thể) khiến nạn nhân tử vong.

LS Hùng cho biết, tội “giết người” quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có khung hình phạt từ 20 năm đến chung thân, tử hình đối với các hành vi mang tính chất côn đồ, tái phạm nguy hiểm, động cơ đê hèn... Trường hợp kết quả điều tra xác định nạn nhân có một phần lỗi, thì hình phạt sẽ giảm còn 7 - 15 năm tù.

Có phải hành vi phòng vệ chính đáng?

Tuy nhiên, ngoài căn cứ vào video clip, quá trình điều tra, CQĐT phải xác minh, làm rõ động cơ, mục đích, tính chất hành vi... Liệu hành vi của Hải có phải "giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh" hay “giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” hay không ?

Theo LS Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP.HCM), trong trường hợp Hải bị Tư ném cốc thủy tinh vào mặt trước, sau đó Hải mới dùng điếu cày đánh lại, nhưng hậu quả vẫn gây ra cái chết cho Tư, hành vi của Hải vẫn có dấu hiệu của tội "giết người".

Bởi lẽ, theo Khoản 1, Điều 22 BLHS phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

“Mục đích của hành vi phòng vệ chính đáng là ngăn chặn bạo lực, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác chứ không phải vì thù tức, mâu thuẫn mà gây thiệt hại cho người có hành vi tấn công mình. Video clip cũng cho thấy Tư chỉ dừng lại ở việc ném ly thủy tinh và chưa có biểu hiện tiếp theo đe dọa đến tính mạng của người Hải, thì đã bị Hải đã cầm điếu cày đánh”, LS Tuấn phân tích.

LS Tuấn cũng cho biết, video clip chỉ là một phần của sự việc dùng điếu cày đánh chết người. CQĐT sẽ làm rõ về diễn biến nhận thức, ý thức chủ quan của các bên. Trong vụ việc này, phía bị hại cũng có một phần lỗi nên khi lượng hình, tòa án sẽ cân nhắc để xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.