Đừng đi xe đạp sai làn, vượt đèn đỏ nữa… nên ứng xử văn minh hơn

20/04/2022 18:58 GMT+7

Từ khi phong trào đi xe đạp bùng nổ, nhiều hiện tượng xấu như đạp xe vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, thách thức người khác… xảy ra liên tục. Từ đó bạn trẻ kêu gọi ứng xử văn minh hơn khi đi xe đạp .

Người đi xe đạp thường ỷ lại

Vài năm trở lại đây, phong trào xe đi xe đạp phát triển mạnh mẽ ở các thành phố. Nhiều bạn trẻ cũng sắm cho mình chiếc xe đạp để tập thể thao và dạo phố.

Mới đây, mạng xã hội lan truyền một đoạn video trích xuất từ camera hành trình gắn trên ô tô ghi lại tình huống giao thông khiến nhiều người vô cùng bức xúc. Trong đoạn video, một nhóm người chạy xe đạp thể thao bất chấp luật giao thông, ngang nhiên đi vào làn đường dành cho ô tô.

Đoàn người chạy xe đạp này nối hàng “rồng rắn” trong làn đường dành cho ô tô, dù làn đường bên phải dành cho xe máy và xe đạp vẫn còn trống. Chưa kể, một người đạp xe còn thể hiện thái độ “hổ báo” với tài xế ô tô.

Đây không phải là lần đầu tiên vì trước đây, không ít lần cảnh sát giao thông (CSGT) đã xử lý những trường hợp người đi xe đạp vi phạm lỗi vượt đèn đỏ, chạy sai làn trên một số tuyến đường.

Lê Hoàng Thanh Trúc chia sẻ một bộ phận người đạp xe đang làm xấu đi hình ảnh giới chơi xe đạp

NVCC

Bình luận về vấn đề này, Lê Hoàng Thanh Trúc (32 tuổi, ngụ P.Thảo Điền, TP.Thủ Đức) cho rằng xe đạp cũng là một trong những phương tiện giao thông nên người chạy xe đạp phải chấp hành luật giao thông, đi đúng làn đường của mình.

"Những hành động không chấp hành luật giao thông làm cho những người tham gia giao thông bằng các phương tiện khác có cảm giác khó chịu, dè chừng, tạo nên ấn tượng xấu và thái độ gay gắt đối với những người đam mê xe đạp thể thao", Trúc chia sẻ.

Đạp xe tập thể dục trên làn đường cho ô tô, còn đòi… đánh tài xế

Theo Nguyễn Ngọc Gia Hân (26 tuổi, nhân viên quan hệ khách hàng, Q.7, TP.HCM), nhiều người vẫn cho rằng CSGT không muốn phạt người đi xe đạp vì nhiều lý do.... "Họ thường ỷ lại mà quên rằng đi xe đạp cũng được quy định bằng luật. Điều đó vô tình đã ra tạo thói quen không xem trọng luật giao thông ở những người đạp xe đạp", Gia Hân bày tỏ quan điểm.

Xe đạp hiện nay được giới trẻ chọn làm phương tiện đi lại và tập luyện thể thao

Huỳnh Ngư

Theo Hân, một số nhóm người chơi xe đạp thể thao hình thành thói quen xấu là vượt đèn đỏ vì họ nghĩ rằng phải dừng, xuống xe rất bất tiện, mất thời gian và mất trớn. “Điều này tạo cái nhìn xấu của xã hội về những người đạp xe. Ai cũng cưỡi trên những chiếc xe đạp đắt tiền nhưng lại xem nhẹ tính mạng và nếp sống văn minh đô thị”, Hân nói thêm.

Đoạn clip lan truyền trên Facebook cho thấy không chỉ đi vào làn đường dành cho ô tô, người đàn ông đi xe đạp còn tỏ thái độ thách thức, thậm chí đòi đuổi đánh tài xế ô tô

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Đạp xe thế nào để văn minh?

Thanh Trúc chỉ ra hai thứ mà giới đạp xe cần thực hiện là tuân thủ luật giao thông và tự bảo vệ an toàn cho bản thân.

“Bản thân tôi đạp xe rất tập trung quan sát, nhất là khi đến ngã tư, ngõ hẻm, để đoán trước tình huống. Khi đạp xe, tôi luôn đội nón bảo hiểm, trang bị các thiết bị như đèn trước, đèn nháy phía sau nếu đi buổi tối. Đèn nháy phía sau và đèn chiếu sáng phía trước xe khi đi trời tối là rất cần thiết, giúp đảm bảo an toàn cho bản thân và giúp người tham gia giao thông nhận biết được xe đạp phía trước”, Trúc chia sẻ.

Gia Hân cũng như nhiều người trẻ thích đạp xe trên đường phố

Dạ Thảo

Bên cạnh đó, Trúc cho rằng người đạp xe phải giữ văn hóa ứng xử lịch sự và khiêm tốn. "Nếu người đạp xe thể thao quá phô trương, chơi nổi thì có thể dễ gây khó chịu cho người đi các phương tiện khác và dẫn đến việc bị đối xử chèn ép từ các phương tiện lớn hơn như vượt xe không an toàn, ép xe, quẹo gấp", Trúc nói.

Còn Nguyễn Minh Chiến (27 tuổi, nhân viên văn phòng, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng giới đạp xe bây giờ đa phần là dân văn phòng, có học thức và nhận thức cao. "Do đó, họ không thể ngụy biện là không biết luật giao thông", anh Chiến nói.

Ngoài ra, theo anh Chiến, thái độ khi đạp xe cũng rất quan trọng, nếu lỡ xảy ra va quẹt thì bạn trẻ cũng nên mềm mỏng, không nên tranh cãi hay khiêu khích làm xấu tình hình. Anh mong mọi người ý thức hơn, đừng đi sai làn, vượt đèn đỏ mà ứng xử văn minh hơn khi đạp xe.

"Tất nhiên điều tôi mong muốn nhất là CSGT phải xử phạt thật nghiêm những trường hợp vi phạm luật giao thông của người đi xe đạp. Không bỏ qua, lơ là dù là những lỗi nhỏ. Có như vậy mới mong giảm được những tình huống xấu xí xảy ra từ người đạp xe đạp trong những ngày qua”, anh Chiến nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.