Đừng để xin lỗi dân chỉ là phong trào

21/08/2016 06:38 GMT+7

Thời gian gần đây, rất nhiều bộ ngành, địa phương yêu cầu cơ quan công quyền phải công khai xin lỗi người dân nếu để xảy ra sai sót, chậm trễ trong giải quyết các thủ tục liên quan đến dân.

Điều này được cho là dấu hiệu tích cực để thực hiện một nền hành chính minh bạch, giảm thiểu các sai phạm, nhũng nhiễu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng sau xin lỗi, cần có chế tài nghiêm người vi phạm để sai phạm không còn tái diễn.
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nói: Việc công khai xin lỗi người dân khi các cơ quan công quyền xử lý, giải quyết sai sót là cần thiết và cũng là lẽ đương nhiên. Anh làm sai, có hành vi sai, xử lý sai, anh phải xin lỗi công dân nói riêng, người dân nói chung. Nhưng không phải chỉ là xin lỗi rồi thôi, vấn đề là anh phải khắc phục những sai sót mà anh gây ra. Ví dụ vừa qua một số cơ quan tố tụng đã phải xin lỗi do gây oan sai như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Trần Văn Thêm...
Khi cơ quan công quyền có sai phạm gây ảnh hưởng đến quyền lợi người dân, cơ quan đó không chỉ phải xin lỗi về mặt danh dự mà còn phải bồi thường về vật chất do hành vi, xử lý đã gây thiệt hại cho người dân. Tại diễn đàn Quốc hội thời gian qua, các đại biểu Quốc hội cũng đã yêu cầu các thành viên Chính phủ khi bị chất vấn, không chỉ nhận thiếu sót thế này, hứa hẹn thế kia mà đi kèm đó là có hệ thống giải pháp. Và sau một thời gian, cơ quan đó, hoặc người bị chất vấn đó phải có chuyển biến. Đó mới chính là điều người dân, dư luận và cử tri cần.
Có ý kiến cho rằng việc xin lỗi dân có nguy cơ trở thành “phong trào”, nếu cán bộ, công chức làm sai không bị xử lý trách nhiệm gì…
Tôi cũng đã nhiều lần phát biểu trên diễn đàn Quốc hội, anh nhận lỗi không chỉ để giải tỏa bức xúc của người dân, của dư luận xã hội mà đi kèm với đó là trách nhiệm pháp lý. Nếu chỉ xin lỗi mà không truy trách nhiệm thì đúng là sẽ rộ lên “phong trào” xin lỗi cho xong, coi như xin lỗi là chấm hết. Trách nhiệm pháp lý đi kèm đó có thể hạ mức lương, kỷ luật cảnh cáo, chuyển công tác, cho ra khỏi ngành và thậm chí là trách nhiệm hình sự.
Gốc rễ của vấn đề tôi cho rằng vẫn là cơ chế và con người. Chúng ta cần tiếp tục có những quy định rõ ràng, cụ thể được luật hóa về trách nhiệm, chế tài đối với công chức, cán bộ để có căn cứ xử lý. Thứ hai là nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu. Thứ ba, kèm theo lời xin lỗi là những giải pháp xử lý, đồng thời phát huy vai trò của người dân, cử tri, công luận để giám sát hoạt động của cán bộ, công chức để những người trong bộ máy công quyền tự hoàn thiện mình, trở thành công bộc thực sự của dân.
Thực tế, có nhiều vụ việc xảy ra nhưng ít thấy có vụ việc nào mà người thừa hành công vụ của nhà nước phải chịu những kỷ luật nặng mà thay vào đó chỉ là khiển trách, cảnh cáo... Thậm chí một vụ việc nghiêm trọng như 18 lần vỡ đường ống sông Đà cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì “vi phạm lần đầu”... Điều này tạo cho các cán bộ công quyền và người dân suy nghĩ rằng đã là cán bộ nhà nước thì dù sai phạm thế nào cũng được che chắn, bảo vệ...
Đúng là có tâm lý người dân có cảm giác cơ quan công quyền của ta nuông chiều các cán bộ, công chức nằm trong bộ máy. Có nhiều vụ việc với người dân thì làm dữ dội nghiêm khắc nhưng với cán bộ, công chức thì nương tay hoặc chỉ “rút kinh nghiệm” nhưng rút mãi không hết! Cần phải có hình thức xử lý thích đáng để người dân thấy không phải với dân thì làm nghiêm còn với quan chức thì “giơ cao đánh khẽ”.
Chúng ta có nghiêm khắc với những người trong bộ máy công quyền thì mới có thể lựa chọn được cán bộ, công chức tốt. Nếu chỉ rút kinh nghiệm, vô hình trung là tạo điều kiện để họ tiếp tục mắc khuyết điểm. Xử lý nghiêm không chỉ có tác dụng với cá nhân cán bộ sai phạm mà còn là tấm gương, bài học với những người thừa hành công vụ khác. Đó cũng là cơ hội để loại ra khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ, công chức vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân.
Mặc dù chúng ta vẫn nói “cán bộ là đầy tớ của nhân dân” nhưng tâm lý chung của nhiều người dân là vẫn e ngại chuyện kiện cáo, khiếu nại cán bộ. Theo ông, những việc các cơ quan công quyền tích cực xin lỗi người dân thời gian qua sẽ tác động thế nào đến nhận thức của người dân về quyền làm chủ của mình?
Đúng là thời gian qua việc để người dân giám sát hoạt động của cán bộ, công chức còn có những hạn chế. Thậm chí nhiều người dân còn e ngại việc va chạm với cơ quan công quyền vì người có chức quyền trả thù, trù úm. Nhưng nếu chúng ta có cơ chế, quy định rõ ràng để huy động người dân tham gia giám sát những người làm việc trong bộ máy công quyền sẽ tạo được trào lưu toàn dân giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước. Có cơ chế để người dân giám sát sẽ có hiệu quả rất tốt vì không có gì có thể qua mắt được nhân dân.
Xin lỗi rồi phải có hướng sửa chữa
Theo GS Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó giám đốc Học viện Hành chính quốc gia, việc cơ quan công quyền xin lỗi dân do các sai phạm của mình là cần thiết, nhưng xin lỗi rồi phải có hướng sửa chữa.
Những năm qua ít thấy cán bộ, công chức nào bị xử lý rốt ráo trừ những vụ án lớn đã tạo tâm lý cho người dân về việc cơ quan công quyền bao che cho người trong bộ máy và ngược lại tạo tâm lý “không biết sợ” cho đội ngũ cán bộ, công chức. Tất cả những chuyện như thế cho thấy tính pháp quyền không được thực thi nghiêm chỉnh. Bên cạnh đó là thói quen hành xử hành chính “gia đình chủ nghĩa” đang tồn tại khá phổ biến nên có chuyện nhận sai là xong mà không điều tra làm rõ, có giải pháp khắc phục.
Các cơ quan công quyền vừa qua tích cực xin lỗi người dân, nhưng xin lỗi xong, có những việc không rõ hướng khắc phục thế nào. Xin lỗi phải đi kèm biện pháp khắc phục và phải thông báo lại cho người dân về việc xử lý. Nếu không sẽ thành hội chứng xin lỗi suông, thành một dạng “dân chủ hình thức”. (Trường Sơn)

Nghiêm trị cán bộ, công chức nhũng nhiễu
Chuyên viên cao cấp Diệp Văn Sơn, nguyên Phó vụ trưởng Cơ quan đại diện phía nam (Bộ Nội vụ), cho rằng vấn nạn trễ hẹn thường xuyên trong giải quyết hồ sơ hành chính cho thấy sức ì quá lớn của cán bộ, công chức. Sức ì này xuất phát từ bệnh vô cảm, quan liêu của công chức, tinh thần trách nhiệm kém, thiếu kiểm tra giám sát, thiếu kỷ cương... Để công phá sức ì này, thư xin lỗi thôi là chưa đủ. Thực tế mong muốn lớn nhất của người dân khi đi làm thủ tục hành chính là được giải quyết đúng hẹn, “chứ đến ngày hẹn trả kết quả mà lại được nhận cái thư xin lỗi thì cũng không ai thấy vui gì”.
Cải cách hành chính không nên hô hào chung chung mà phải có quy định, bộ tiêu chí cụ thể để nghiêm trị những cán bộ, công chức vòi vĩnh, nhũng nhiễu người dân nhằm xây dựng được nền hành chính hướng về lợi ích của khách hàng. “Mặc dù Nghị định 157/2007/NĐ-CP về trách nhiệm người đứng đầu đã được ban hành, tuy nhiên chưa hình thành thói quen ứng xử khi xác định trách nhiệm. Bộ máy tổ chức của một cơ quan cũng giống như một cơ thể sống, nghĩa là bộ não phải chỉ huy tứ chi, chứ tứ chi không thể chỉ huy bộ não. Vì vậy, người đứng đầu một cơ quan phải có và phải chịu trách nhiệm toàn bộ mọi hoạt động của cơ quan đó”, ông Sơn nói.
Tân Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.