Đừng để nụ hôn trở thành nỗi ám ảnh!

27/02/2016 05:00 GMT+7

Gần đây tôi có nghe nhiều về trào lưu kiss cam đang sôi nổi ở những thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội.

Gần đây tôi có nghe nhiều về trào lưu kiss cam đang sôi nổi ở những thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội. 

Thế nhưng, với tôi nó như ở đâu đó xa xôi lắm, nó không thể chạm đến mình - một phụ nữ đã ở tuổi ngoài ba mươi, vừa... chân ngắn, vừa có nhan sắc thường thường bậc trung. Thế nhưng tuần rồi khi nghe một người quen kể rằng cô ấy vừa bị kiss cam, bỗng hốt hoảng nhận ra cái món lạ lùng này “già không bỏ, nhỏ không tha”, nó không chỉ lan tỏa trong giới trẻ mà “người lớn” cũng chẳng chừa.
Những ngày gần đây nhiều nơi râm ran câu chuyện về vấn đề này, và một câu hỏi được đặt ra: “Làm gì khi bị kiss cam?”. Cô bạn trẻ trung xinh đẹp nhất phán: “Mình sẽ lột giày ra đập thẳng vào mặt nó, vì với loại người ngang ngược như vậy thì chẳng cần tôn trọng làm gì”. Cô bạn vốn hiền dịu nói: “Chắc tui sẽ la làng. Thiệt hết sức gớm ghiếc! Nghĩ làm sao mà không dưng nhảy bổ vô cưỡng hôn người khác! Cái miệng là nơi chứa biết bao nhiêu là vi khuẩn, nhất là loại bạ đâu hôn đó như cái tụi kiss cam thì còn bẩn đến cỡ nào!”. Cô bạn có ngón võ lận lưng thì cương quyết: “Mình sẽ đập nó một trận cho mang thương tích luôn, chứ chờ luật pháp xử lý mấy vụ này thì biết đến bao giờ”.
Đó là ý kiến của chị em, còn cánh đàn ông thì sao? Thử làm một “nghiên cứu bỏ túi”, tôi nhận được 8/12 câu trả lời là không đồng tình, 4 người còn lại thì bảo “chưa biết phải phản ứng ra sao nếu rơi vào tình huống đó, nhưng có lẽ sau vài giây ngơ ngác sẽ... mắng luôn”. Hỏi tại sao, một anh trả lời: Dạng phụ nữ có “năng lực” cưỡng hôn người khác thì không phải vừa đâu, nên chẳng đáng để dành cho sự tôn trọng. Hơn nữa, nếu người ta đang đi cùng vợ/người yêu mà còn nhào vô hôn kiểu đó chắc chắn khó tránh khỏi ăn tát từ “chính chủ” hoặc chuốc lấy nhục nhã vì bị từ chối thẳng thừng, bởi chẳng có người đàn ông nào dại dột làm mất lòng vợ hay người yêu vì một người xa lạ nào đó.
Tôi hỏi những người quen, bạn bè là người nước ngoài và những người bạn Việt kiều về trào lưu này, họ đều bảo rằng đây là một biến tướng của trào lưu “chia sẻ cái ôm” hay “cái hôn phớt”. Tuy nhiên, trong tình huống chia sẻ cái ôm hay nụ hôn, người được hôn phải chấp nhận và biểu lộ sự đồng tình chứ không phải là tự dưng sấn sổ đến hôn người ta giữa phố xá, nhất là khi người ta đang đi với người yêu hoặc vợ/chồng. Sự đồng tình ấy phải đến từ ít nhất một trong hai biểu hiện là lời nói hoặc hành động, và tất nhiên biểu hiện đồng tình đó phải bộc lộ trước khi “bị” hay “được” kiss cam.
Có thể nói, “văn hóa” kiss cam đang rầm rộ tại VN là một hành vi vô văn hóa, rất khó chấp nhận. Khoan nói đến cảm giác giận dữ, bực tức của người bị hôn… thì đó là việc làm hết sức mất vệ sinh. Hơn thế nữa, hành vi đó còn là một thái độ thiếu tôn trọng bản thân, không hề tôn trọng người bị hôn cũng như những người xung quanh chứng kiến hành vi đó. Ai cũng biết, nụ hôn là điều thiêng liêng và đáng trân trọng, chỉ dành cho những người yêu nhau hay giữa vợ và chồng, nó không phải là một thứ đại trà mà ai cũng có thể cho và nhận.
Văn hóa Âu Mỹ vốn cởi mở hơn Á Đông, nhưng họ cũng không tùy tiện lao vào đè nghiến ai đó ra để hôn như là hành vi ở những người mất năng lực nhận thức! Nhẹ thì hầu tòa và bồi thường bằng tiền, nặng hơn thì có thể phải ngồi tù bóc lịch và mất việc làm. Thế nên, đừng nâng quan điểm nó lên thành một thứ “văn hóa”, cũng đừng bắt chước theo và ngụy biện rằng đó là văn hóa Âu Mỹ du nhập vào.
Ngày nào trái đất vẫn còn quay, ngày đó con người vẫn còn có nhu cầu yêu thương, và nụ hôn vẫn là một nhu cầu cần thiết như nước uống hay không khí. Thế nên, đừng biến nụ hôn đáng yêu và đáng trân trọng trở thành cơn ác mộng hay nỗi ám ảnh và sự kỳ thị! Hãy để nụ hôn dành cho những con người yêu nhau, hiểu biết về nhau và cùng hân hoan trong niềm hạnh phúc cho đi - nhận lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.