Đừng để hy sinh vô ích

07/09/2021 06:36 GMT+7

Chống dịch cần được chuyển từ chiến thuật truy vết F0 sang chuẩn bị các phương án tổ chức xã hội, dịch vụ y tế lâu dài, để làm sao cho số ca tử vong là thấp nhất.

Việc lúng túng trong xử lý cấp giấy đi đường ở Hà Nội mấy ngày nay cũng như việc kiểm soát đi lại liên tỉnh có phần cực đoan của nhiều địa phương vừa qua cho thấy, nhiều người vẫn nghĩ rằng di chuyển là nguyên nhân của lây lan dịch bệnh, nên phải bằng mọi cách hạn chế nó.
Thực ra, bản thân việc đi lại không làm phát sinh dịch bệnh. Bằng chứng là TP.HCM giãn cách 2 tháng nay, cấp giấy đi lại, triệt để phong tỏa nhiều khu vực, số ca mắc vẫn ở mức 4.000 - 5.000 ca/ngày (tín hiệu vui nhất là số ca tử vong đã giảm); Hà Nội đã giãn cách hơn 1 tháng, số ca nhiễm vẫn chừng 50 - 70 ca/ngày. Cho nên vấn đề ở chỗ, chúng ta có kiểm soát được việc lây nhiễm “bên trong” hay không, chứ không phải chỉ tập trung quản chặt “bên ngoài” (hạn chế đi lại).
Người, xe cứ di chuyển trên đường thì không làm phát sinh lây nhiễm mà việc lây nhiễm chỉ diễn ra khi tiếp xúc không an toàn, sản xuất không an toàn, dịch vụ không an toàn.
Vậy nên, thay vì cấm toàn bộ việc sản xuất, đi lại và cấp “giấy đi đường” mà hoàn toàn không biết đối tượng được cấp giấy có “an toàn” hay không như vừa qua, chính quyền các địa phương nên cung cấp các giải pháp, kể cả chế tài để đảm bảo giao thông an toàn, sản xuất an toàn và dịch vụ an toàn. Tức là, thay vì quản lý chặt “vùng xanh” thì nên chỉ kiểm soát “vùng đỏ”. Việc kiểm soát “vùng đỏ” cũng không nên theo địa giới hành chính mà nên theo nhóm đối tượng nguy cơ. Việc quản lý đối tượng nguy cơ cao, quản lý địa bàn cũng phải được áp dụng công nghệ ở mức cao, chứ không phải thủ công như cách Hà Nội cấp giấy đi đường đang làm.
Thực tế Việt Nam cũng như diễn biến dịch trên thế giới cho thấy, không thể khống chế được tuyệt đối dịch Covid-19, đưa F0 về 0 là không tưởng. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng xác định “phải sống chung lâu dài với dịch bệnh”. Vậy thì chống dịch cần được chuyển từ chiến thuật truy vết F0 sang chuẩn bị các phương án tổ chức xã hội, dịch vụ y tế lâu dài, để làm sao cho số ca tử vong là thấp nhất.
Cốt lõi của chống dịch trong tình hình mới vẫn phải là 5K, 5T chứ không phải cách ly diện rộng. Những người tiêm đủ liều vắc xin, F0 đã lành bệnh phải được coi là những đối tượng đi lại an toàn. Đẩy mạnh tiêm vắc xin cho nhóm nguy cơ (tử vong) cao là người già, người có bệnh nền, ưu tiên cho nhóm sản xuất, shipper, kinh doanh dịch vụ… để việc sản xuất, vận chuyển, logistics vận hành bình thường, không đứt gãy.
Các bộ, ngành chức năng nên có hướng dẫn chi tiết, điều kiện nào là sản xuất an toàn, điều kiện nào là kinh doanh an toàn, những ai đủ điều kiện tham gia sản xuất, sử dụng dịch vụ… Chính quyền hậu kiểm thật nghiêm thay cho việc cả xã hội xếp hàng ở công an phường xin giấy đi đường.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, 22 triệu mũi vắc xin phòng Covid-19 đã được tiêm trên cả nước, gồm 19 triệu người tiêm mũi 1 và hơn 3 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi. Riêng TP.HCM đã có 89,3% từ 18 tuổi tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin; Hà Nội con số này cũng khoảng 54,6%. Độ phủ vắc xin ngày càng rộng hơn sẽ là cơ hội để chúng ta mở việc đi lại, sản xuất kinh doanh theo một trạng thái bình thường mới.
Số liệu của Bộ KH-ĐT cho thấy, 8 tháng năm nay, có 85.500 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 10.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Thêm mỗi ngày giãn cách (không hiệu quả) là một ngày xã hội hy sinh vô ích vậy đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.