Đừng để du khách 'một đi không trở lại'!

16/11/2022 06:02 GMT+7

Nhiều bạn đọc bất ngờ trước việc du lịch Việt Nam có 16 cái “nhất thế giới”. Vui, nhưng bạn đọc cũng thẳng thắn chỉ ra những điều cần khắc phục ngay để du lịch phát triển bền vững.

Như Thanh Niên đã thông tin, giải thưởng “Oscar của du lịch thế giới” World Travel Awards (WTA) vừa công bố danh sách giải thưởng cấp thế giới năm 2022. Trong đó, Việt Nam được xướng tên ở 16 hạng mục.

Theo Trung tâm thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch), ở cấp quốc gia, Việt Nam được vinh danh là Điểm đến di sản hàng đầu thế giới (World’s Leading Heritage Destination 2022). Đây là lần thứ 3 Việt Nam được nhận giải thưởng này, 2 lần trước vào năm 2019 và 2020.

Cây cầu du lịch biểu tượng hàng đầu thế giới (World's Leading Iconic Tourist Bridge 2022) - Cầu Vàng, Sun World Bà Nà Hills

NGUYỄN TÚ

Đáng chú ý, các địa phương, khu, điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam cũng được vinh danh là điểm đến hàng đầu thế giới năm nay như: Hà Nội, Hội An, Phú Quốc, Mộc Châu, Tam Đảo...

Cùng với đó, nhiều thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam trong các lĩnh vực khách sạn, khu nghỉ dưỡng, hãng hàng không, hãng lữ hành... cũng đã giành được vị trí quán quân tại các hạng mục hàng đầu thế giới của WTA 2022.

Cụ thể, Việt Nam được vinh danh là Điểm đến di sản hàng đầu thế giới; Điểm đến nghỉ dưỡng thành phố hàng đầu thế giới gọi tên Hà Nội; Phú Quốc là Điểm đến biển đảo thiên nhiên hàng đầu thế giới; Mộc Châu xuất sắc chiến thắng giải Điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới; Thị trấn du lịch hàng đầu thế giới là Tam Đảo...

Các sản phẩm du lịch nhân tạo độc đáo của Việt Nam cũng ghi dấu ấn mạnh với hàng loạt “cúp vàng”: Điểm đến dịch vụ cáp treo hàng đầu thế giới - Cáp treo tại Sun World Bà Nà Hills; Sun World Fansipan Legend nhận cú đúp giải thưởng với Điểm du lịch văn hóa hàng đầu thế giới và Điểm du lịch về cảnh quan thiên nhiên hàng đầu thế giới; Điểm đến vui chơi, giải trí hàng đầu thế giới là Đảo Ký Ức Hội An; Cây cầu du lịch biểu tượng hàng đầu thế giới là Cầu Vàng, Sun World Bà Nà Hills...

Ngoài ra, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng vượt qua hàng trăm đối thủ để chiến thắng ở giải Hãng hàng không văn hóa hàng đầu thế giới; Khu nghỉ dưỡng xanh hàng đầu thế giới là InterContinental Danang Sun Peninsula Resort; Vietravel được vinh danh là Công ty Lữ hành hàng đầu thế giới; Khu nghỉ dưỡng đám cưới cao cấp hàng đầu thế giới - JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay Resort & Spa và giải Khách sạn thiết kế hàng đầu thế giới thuộc về Hotel de la Coupole - Mgallery.

Lãnh đạo Tổng cục Du lịch đánh giá các giải thưởng đạt được cho thấy sự yêu mến, công nhận, tôn vinh của cộng đồng quốc tế đối với sức hấp dẫn và đẳng cấp của du lịch Việt Nam.

Rất bất ngờ !

“Nói thật, tôi rất bất ngờ với 16 cái “nhất thế giới” mà WTA vừa công bố. Bất ngờ và vui nữa. Mong rằng đây là một bước tạo đà để sau Covid-19, du lịch Việt Nam vươn lên phát triển đúng thực chất và bền vững. Các nước đang ráo riết mở cửa du lịch sau Covid-19, Việt Nam mình cũng cần đổi mới rất nhiều để ngày càng thu hút du khách”, bạn đọc Anh Dũng phấn khởi cho biết.

Đồng ý kiến, BĐ longnguyenmar bày tỏ: “Những sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực không mệt mỏi của du lịch và xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, theo tôi các “cúp vàng” này chưa hoàn toàn là điểm tựa vững chắc cho tương lai của du lịch Việt Nam. Cần phát huy các tiềm năng rừng vàng - biển bạc - đảo ngọc - văn hóa và ẩm thực độc đáo. Ngoài ra, cần đầu tư phát triển mạnh về chất như dịch vụ phụ trợ, ăn chơi, đặc biệt là chăm sóc sắc đẹp - y tế…”.

BĐ daovanlelevandaoddvvll cũng cho biết: “Tuyệt vời! Mong du lịch Việt Nam phát triển hơn nữa, đem nhiều lợi ích cho người dân Việt Nam”.

Làm sao để thu hút ngày càng nhiều du khách

Đó không chỉ là mong muốn của những người làm trong ngành du lịch Việt Nam mà còn của rất nhiều BĐ. Bên cạnh 16 cái “nhất thế giới”, nhiều BĐ cũng chỉ ra những cái chưa được của du lịch Việt Nam, với mong muốn sớm cải thiện để ngày càng thu hút nhiều du khách.

BĐ Mười Bảy thẳng thắn: “Đừng “chặt chém” nữa, nếu không, du khách sẽ một đi không trở lại”. BĐ Van Tien góp ý: “Phải kiểm soát chặt chẽ giá cả các dịch vụ, nhất là các quán ăn, nhà hàng, nơi bán hàng lưu niệm, dịch vụ làm đẹp... Tuyệt đối để xảy ra chụp giật, chặt chém, ăn hiếp du khách. Du khách rất sợ bị giật đồ, phải đảm bảo an toàn, đừng để du khách đến một lần rồi “chạy mất dép””.

“Sau đại dịch Covid-19, rất nhiều nước, vùng lãnh thổ đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút du khách, nhưng du lịch chưa phát triển được như mong muốn, do nhiều nguyên nhân về kinh tế, chính trị… Ở Việt Nam, lượng du khách Trung Quốc, Nga… sụt giảm mạnh. Tôi nghĩ, Việt Nam một mặt phải nghiên cứu sâu hơn các thị trường truyền thống để có những đột phá, mặt khác phải mở rộng tìm kiếm những thị trường mới, có nhiều sản phẩm du lịch mới, và đặc biệt là phải nâng chất lượng mọi mặt: từ hàng không, khách sạn, ẩm thực, y tế… Có như vậy du lịch mới phát triển bền vững được”, BĐ Hieu Van Ng. gửi gắm đến ngành du lịch Việt Nam.

* Đi đâu cũng thấy điều lạ là hay “chặt chém”. Chán lắm! Cần quản lý chặt chẽ hơn nữa, để du khách đã đến sẽ tiếp tục đến Việt Nam.

Thanh Nguyen

* Vẫn còn ít khách du lịch nuớc ngoài ở các khu gọi là du lịch Việt Nam. Vẫn còn ít so với Thái Lan.

Lê Quý Kha

* Góp ý nhỏ: Sân bay của mình cần xử lý các thủ tục thật nhanh; hành lý cũng phải có ngay, đừng để du khách chờ đợi hoặc thất lạc hành lý, mấy ngày sau mới có; và đặc biệt là các nhân viên phải luôn cười tươi… Phải hiếu khách, chiều chuộng khách thì khách mới yêu mến mình, mới quay trở lại chứ!

L.H.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.