Đừng để dân phải đối đầu với chính quyền: Tiếp dân cấp cơ sở rất quan trọng

21/03/2016 20:15 GMT+7

Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại của công dân ngay từ cấp cơ sở có vai trò đặc biệt quan trọng.

Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại của công dân ngay từ cấp cơ sở có vai trò đặc biệt quan trọng.

Nếu cán bộ tiếp dân ở cơ sở có trình độ cao, kỹ năng tốt, hết lòng với dân thì sẽ không có chuyện người dân bức xúc, khiếu kiện tập thể.
Đó là một trong nhiều ý kiến của bạn đọc về bài Đừng để dân phải đối đầu với chính quyền trên Thanh Niên ngày 20.3.
Cực chẳng đã mới vác đơn kiện
Dân không ai muốn “đụng” đến chính quyền. Ai cũng muốn yên ổn làm ăn, sinh sống. Bức xúc lắm, thiệt thòi lắm, dân mới vác đơn đi khiếu nại, khiếu kiện. Nếu cán bộ không ở “chiếu trên”, thì có lẽ dân sẽ đỡ vất vả hơn nhiều. Có những vụ việc khá đơn giản, chỉ cần cán bộ tận tâm giải thích, giải quyết thì dân sẽ không khiếu nại lên cấp trên. Thế nhưng, cách phớt lờ, không chịu lắng nghe, không chịu hiểu và giải quyết của nhiều cán bộ cấp cơ sở đã đẩy dân vào tình cảnh khiếu nại kéo dài, đi lại khổ sở, tốn kém...
Ngô Mai Trang (Q.Bình Tân, TP.HCM)
Dân không muốn khiếu nại đâu
Tôi đồng tình với ý kiến của ông Phạm Hiếu Nghĩa, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM rằng “người dân luôn vị tha”. Vị tha ở đây là gì, là nếu họ khiếu nại 10 nhưng được giải quyết 6, dân cũng sẵn sàng chấp nhận, miễn là cán bộ, chính quyền tận tâm giải quyết, thấu hiểu và giải thích cặn kẽ, có tình, có lý. Thế nhưng đâu phải cán bộ nào cũng được như vậy. Vì rất nhiều lý do mà cán bộ, thậm chí cả một nhóm cán bộ có dấu hiệu bắt tay với doanh nghiệp để o ép người dân trong các vụ khiếu nại đền bù giải tỏa, những vụ việc liên quan đến đất đai… Khi nào cán bộ thật lòng đứng về phía người dân, vì quyền lợi chính đáng của dân để giải quyết cho dân, khi đó những vụ khiếu nại kéo dài mới chấm dứt.
Đậu Minh Hùng (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng)
Hãy để dân nói, dân trình bày
Cán bộ bây giờ rất ít lắng nghe dân, họ làm việc bằng cảm tính nhiều hơn trách nhiệm. Nhiều người dân đến chỉ mong được nói, được trình bày cho giải tỏa bớt căng thẳng, bức xúc, nhưng có khi bị cán bộ gạt phăng, không cho nói nhiều, chỉ nộp đơn rồi về. Bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy cán bộ tiếp dân còn thiếu kỹ năng về tâm lý, về thấu hiểu người dân.
Huỳnh Minh Tâm (TP.Phan Thiết, Bình Thuận)
Không phải công dân nào cũng dễ tính
Qua nhiều năm làm công tác tiếp dân tôi nhận thấy rằng, không phải công dân nào cũng dễ tính, có những người dù vụ việc của họ đã được giải quyết nhưng vẫn không hài lòng, cứ đi khiếu nại. Cũng có nhiều trường hợp họ cứ đi khiếu nại mãi, cái gì cũng khiếu nại. Những trường hợp này chúng tôi gọi là những “ca khó, ca đặc biệt”. Dù đã làm tròn trách nhiệm, hết lòng với dân nhưng lỡ gặp những trường hợp như thế này thì xem như chúng tôi dễ mất thi đua.
Nói đi thì cũng nên nói lại và đặt mình vào hoàn cảnh của chúng tôi. Chúng tôi gọi công tác tiếp dân là làm dâu trăm họ. Dẫu sao chúng tôi cũng luôn phấn đấu để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Cao Xuân Tùng (TX.Vĩnh Châu, Sóc Trăng)
Nghe Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo “Tiếp công dân không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm của cán bộ với người dân và tự đặt mình vào vị trí, tâm thế của dân thì công tác tiếp dân mới tốt lên được” mà thấy sung sướng quá. Nếu cán bộ nào cũng quán triệt tư tưởng này, cách làm này thì làm gì có tình trạng khiếu nại tập thể, khiếu nại kéo dài.
Đào Văn Thọ (Q.Bình Tân, TP.HCM)
Khâu tiếp công dân là vô cùng quan trọng đối với công tác giải quyết khiếu nại tố cáo. Không chỉ tiếp công dân trực tiếp mà cán bộ còn tiếp nhận khiếu nại tố cáo của công dân qua thư, qua điện thoại... Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc tiếp công dân ở ta nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế. Vấn đề này cần sớm khắc phục để người dân yên tâm hơn.
Nguyễn Đức Hoan (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
T.T - Duy Khang (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.