Đừng để đà cải cách hành chính chững lại

21/03/2022 06:32 GMT+7

Đó là khuyến nghị của một số chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực cải cách hành chính đối với doanh nghiệp trong hơn 2 năm qua.

Nguy cơ nhiều quy định “quay lại”

Trong mấy ngày qua, các doanh nghiệp (DN) trong ngành thực phẩm xôn xao với đề nghị của Bộ Y tế về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 15/2018 quy định chi tiết một số điều của luật An toàn thực phẩm.

Nhiều ý kiến cho rằng cần bỏ ngay các quy định không cần thiết, gây tốn kém, mất thời gian cho doanh nghiệp

Gia Hân

Bộ Y tế cho rằng, sau 4 năm thực thi, Nghị định 15/2018 đã “phát sinh một số hạn chế, tồn tại, đặc biệt là việc lợi dụng cơ chế hậu kiểm”. DN được phép tự công bố an toàn thực phẩm, cơ quan quản lý nếu nghi ngờ có thể thực hiện hậu kiểm. Song theo bộ này, lực lượng hậu kiểm của cơ quan quản lý không đủ, thiếu nên chưa sát thực tế, lượng sản phẩm công bố lại quá lớn, dẫn đến hiệu quả việc quản lý hạn chế.

Tuy nhiên theo TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM), Nghị định 15/2018 là “hình mẫu cho dấu ấn cải cách, thể hiện ở cách thay đổi tư duy quản lý nhà nước và tạo cuộc cách mạng lớn trong cải cách”. TS Minh Thảo nói, với việc lo ngại hậu kiểm không xuể, việc điều chỉnh thay đổi theo chiều hướng tăng cơ chế tiền kiểm, thêm thủ tục sẽ làm chậm tiến trình và nỗ lực cải cách hành chính của Chính phủ. Thực tế, Nghị định 15 cho miễn kiểm tra, bãi bỏ kiểm nghiệm định kỳ... đã tiết kiệm cho DN số tiền rất lớn. “Trong giai đoạn từ năm 2016 - 2019, rất nhiều thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh được bãi bỏ, khiến “quyền lực” của một số bộ, ngành bị ảnh hưởng nhưng lại được cộng đồng DN hưởng ứng vì nhiều điều kiện kinh doanh được cắt bỏ, tháo gỡ nhiều cho DN. DN thấy được sự đồng hành, chia sẻ từ các bộ ngành và Chính phủ. Tuy nhiên, trong vòng gần 3 năm trở lại đây, đặc biệt 2 năm trải qua đại dịch Covid-19, các hoạt động cải cách trong thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính trong kinh doanh đã có phần chững lại, thậm chí đã xuất hiện một số rào cản mà trước đó các bộ ngành đã tháo bỏ. Chẳng hạn, kiểm tra chuyên ngành trong kinh doanh gạo, an toàn thực phẩm, chăn nuôi...”, TS Minh Thảo nhận định.

Cũng theo vị này, các văn bản pháp quy được quy định bởi các bộ, ngành chồng chéo, xung đột, mâu thuẫn khiến các dự án của DN buộc phải chững lại, bị kéo dài vô thời hạn. Đó là tình trạng các địa phương vẫn tiếp tục không dám quyết và ứng xử linh hoạt cho DN khiến không ít nhà đầu tư trong nước và nước ngoài sau mấy năm theo đuổi dự án buộc phải bỏ cuộc.

Cải cách bắt đầu từ bộ, ngành về cơ sở…

Góp ý về chương trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mới đây trên Diễn đàn DN Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đề xuất nhiều vấn đề mà Việt Nam cần khắc phục và tiếp tục cải cách. Đại diện Hội DN Hàn Quốc nêu những thắc của DN thường được trả lời chậm hoặc trả lời không rõ ràng. Một số nhà đầu tư nước ngoài khác cho rằng, để công tác cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh phát huy tối đa hiệu quả, cần thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại quy mô nhỏ giữa các cơ quan của Chính phủ với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và Hiệp hội DN nước ngoài để thuận tiện cho việc lắng nghe và giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà DN FDI đã và đang gặp phải. “Cải cách là động lực quan trọng để Việt Nam thu hút được nhiều hơn vốn FDI trong tương lai”, một số ý kiến nhấn mạnh.

“Trong thời gian qua, ngành hải quan TP.HCM thực hiện nhiều cuộc đối thoại tháo gỡ cho DN nước ngoài và trong nước nhận được phản hồi tốt. Theo tôi, câu chuyện của một nhà đầu tư không chỉ có ngành hải quan mà rất nhiều ngành khác cần đối thoại đến cùng để giải quyết, trong đó có kế hoạch đầu tư, xây dựng, y tế, thuế, cơ quan hành chính...”.

TS Nguyễn Minh Thảo,Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM

Đồng quan điểm, TS Minh Thảo đưa ra 3 giải pháp cho các bộ, ngành. Đó là bỏ ngay các quy định không cần thiết, gây tốn kém, vô tình gây khó, mất thời gian cho DN. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào nỗ lực của các bộ, ngành, chỉ cần lắng nghe DN “kêu” một chút, sẽ thấy ngay. Thứ hai, cần thay đổi tư duy quản lý. Cách quản lý tốt nhất là đưa ra quy định để DN tuân thủ tốt nhất, thông thoáng và tạo động lực cho DN sáng tạo. Nếu DN đã làm tốt, tại sao cứ phải hậu kiểm? Một điều cần lưu ý là đa số các cuộc hậu kiểm lại... nhắm vào DN làm tốt hơn là DN nhỏ, làm ẩu. Thứ ba, tăng cường giám sát việc thực thi của đội ngũ công chức cơ sở. Đa số các trường hợp DN bị “làm khó” là từ lực lượng công chức chứ không phải từ lãnh đạo bộ, sở đó.

Bên cạnh đó, cần sự giám sát của chính DN, tổ chức nghiên cứu độc lập và tăng cường đối thoại với từng trường hợp để tháo gỡ khó khăn. Việc đối thoại cần được thực hiện đồng bộ tại nhiều cơ quan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.