Đừng để có ngày không còn rừng để giữ

01/11/2022 05:05 GMT+7

Nhiều bạn đọc bức xúc trước việc 'mất' hơn 9.000 ha rừng, và càng bức xúc hơn khi biết Sở NN-PTNT Gia Lai chỉ tiến hành kỷ luật, thuyên chuyển, hạ cấp bậc một số nhân viên, trưởng, phó ban...

Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 30.10, Công an tỉnh Gia Lai cho biết Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Đức Cơ (Gia Lai) theo kiến nghị của Thanh tra tỉnh.

Trong 5 năm, theo kết luận thanh tra, đã có hơn 9.000 ha rừng thuộc trách nhiệm quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đức Cơ (Gia Lai) bị mất

TRẦN HIẾU

Trước đó, qua thanh tra việc thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, sử dụng đất lâm nghiệp; quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Đức Cơ (BQL) từ năm 2013 - 2018, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã phát hiện nhiều sai phạm.

Cụ thể, BQL được giao quản lý, bảo vệ gần 15.000 ha (tại địa bàn H.Đức Cơ), trong đó đất có rừng hơn 13.000 ha, nhưng trong giai đoạn 2011 - 2017 đã để mất gần 6.200 ha rừng, và đến năm 2018 tổng cộng đã có hơn 9.000 ha rừng bị mất. Đã có hàng trăm héc ta rừng bị phá, trong đó có nhiều khu vực bị phá trắng. Nhiều người đã xâm nhập trái phép vào các khoảnh rừng để chặt, đốt và khai thác trộm lâm sản. Một số vùng rừng đã bị mất từ nhiều năm trước. Tại đây, nhiều người ngang nhiên chiếm đất, canh tác nông nghiệp.

Từ những sai phạm trên cùng với những sai phạm về tài chính hơn 700 triệu đồng tại ban quản lý, Sở NN-PTNT Gia Lai đã tiến hành kỷ luật, thuyên chuyển, hạ cấp bậc một số nhân viên, trưởng, phó ban.

Được biết, khi UBND tỉnh Gia Lai giao hồ sơ, giấy tờ liên quan về diện tích quản lý đất lâm nghiệp và rừng, thì hầu hết các BQL rừng đều ký nhận. Nhưng thực tế kinh phí, chuyên môn và cả phương tiện không đáp ứng đủ để khảo sát, xác minh chính xác diện tích này.

Ông Lý Việt Nam, Trưởng BQL, cho biết: “Thanh tra kết luận đơn vị làm mất hơn 9.000 ha rừng nhưng chưa nói cụ thể mất những loại rừng gì, rừng trồng, rừng tự nhiên hay rừng sản xuất. Hiện nay, rừng hỗn giao chỉ còn cây cỏ, tranh nứa, nếu sau mỗi mùa nắng bị cháy thì cũng làm thay đổi hiện trạng đất rừng, có nguy cơ bị quy kết làm mất rừng khi kiểm tra. Trung bình một nhân viên bảo vệ có trách nhiệm coi giữ 1.000 - 3.000 ha rừng. Công việc nặng nề vậy và bây giờ đối diện với lao lý, áp lực và rủi ro nên ai cũng lo ngại”.

5 năm mất hơn 9.000 ha rừng

“Đọc bài báo mà bức xúc quá, cứ tưởng chuyện đùa. BQL được giao bảo vệ gần 15.000 ha, trong đó đất có rừng hơn 13.000 ha, nhưng trong 5 năm đã có hơn 9.000 ha rừng bị mất! Điều gì đang xảy ra ở đây? Công an đã khởi tố vụ án là quá chính xác và cần thiết. Mong sẽ “làm cho ra ngô ra khoai” vụ này”, bạn đọc (BĐ) N.Duc Thien viết.

Cùng bức xúc, BĐ Nguyệt Trương TDTN đặt câu hỏi: “Mất 9.000 ha rừng mà chỉ có "đã tiến hành kỷ luật, thuyên chuyển, hạ cấp bậc một số nhân viên, trưởng, phó ban" thì rừng sẽ tiếp tục mất”. BĐ Hoàng Xây Dựng cũng ngạc nhiên: “9.000 ha rừng quy ra là bao nhiêu tiền? Theo luật thì để thất thoát tài sản nhà nước trên 500 triệu đồng đã bị án gì rồi...”.

Một người làm sao coi nổi 1.000 - 3.000 ha rừng ?

BĐ Hoài ý kiến: “Một bảo vệ coi giữ 1.000 - 3.000 ha rừng ư? “Cưỡi ngựa coi rừng” nhiều như thế thì không mất rừng mới là lạ. Mong các ngành chức năng sớm xem lại, đừng để có ngày không còn rừng để giữ”. BĐ YYY ngỡ ngàng: “Một người làm sao coi nổi 1.000 - 3.000 ha rừng, có biết bay như người sắt thì mới coi nổi. Đề nghị coi lại “chỉ tiêu” này”.

Trong khi đó, nói về việc không xác minh chính xác được diện tích rừng khi nhận bàn giao, BĐ namhoaileexx@gmai.com cho biết: “Cách đây 5 năm, drone chụp ảnh trên cao đã khá phổ biến, điện thoại camera cũng phổ thông. Lúc nhận bàn giao sao không chụp hình, ký nhận, trong quá trình làm việc sao không báo cáo bất cập, vấn đề, giải pháp ngay lúc đó… Rồi giờ nói lý do ABC, dùng câu chữ né tránh trách nhiệm…”.

Bảo vệ rừng không chỉ là công việc của BQL, mà còn là trách nhiệm của mọi người. Cần điều tra làm rõ vụ mất 9.000 ha rừng này, sớm xử lý những người sai phạm, và nhanh chóng lấy lại diện tích rừng đã mất, trồng lại rừng…

Hải Long

“Thay vì cho là mất rừng thì phải nói diện tích rừng bị giảm dần qua các năm là chính xác hơn”. Lời của ông Trưởng BQL rừng nói có vui không kìa...

Lê Minh VN

Nếu làm ngơ khi nạn phá rừng diễn ra thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

hoanghaitrieuxxxx@gmai.com

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.