Đừng để cải cách hành chính cứ nghẽn mãi

Kim Lan
Kim Lan
20/02/2022 05:06 GMT+7

Nhiều bạn đọc Thanh Niên ngạc nhiên khi một đầu tàu kinh tế, xã hội như TP.HCM nhưng chỉ số cải cách hành chính lại đang ngày càng xa tốp đầu.

UBND TP.HCM vừa tổ chức hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2021 và triển khai công tác năm 2022 trong bối cảnh chỉ số CCHC (PAR index) hằng năm càng xa nhóm dẫn đầu. Cụ thể, năm 2018, PAR index của TP.HCM đứng thứ 10, sang năm 2019 vươn lên thứ 7 nhưng đến năm 2020 xếp hạng thứ 23. Hiện PAR index của năm 2021 chưa công bố, nhưng TP.HCM đặt mục tiêu nằm trong tốp 15 năm nay.

Tại hội nghị kể trên, lãnh đạo TP.HCM cũng đã thẳng thắn điểm mặt những điểm nghẽn phối hợp trong CCHC. Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết TP.HCM sẽ có chỉ thị về CCHC, giao nhiệm vụ cụ thể, xác lập quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết thủ tục hành chính. TP.HCM cũng tính toán lập tổ công tác kiểm tra hành chính để cải thiện công tác phối hợp giữa các ngành, xây dựng quy trình về thời gian giải quyết, trách nhiệm cụ thể và cơ chế giám sát, khen thưởng, phê bình.

Dù tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn khá thấp nhưng TP.HCM vẫn còn hơn 32.000 hồ sơ chưa giải quyết đúng thời hạn

Sỹ Đông

Bắt mạch điểm nghẽn phối hợp

Không thể phủ nhận công tác hành chính tại TP.HCM đã có rất nhiều tiến bộ nhưng bạn đọc (BĐ) ngon nguyen van vẫn nhận xét: “Trong từng bộ phận, từng người thực thi công vụ hãy còn lắm chuyện phải quan tâm. Một khi lãnh đạo TP.HCM đã nhìn nhận thẳng thắn điều này cũng chính là cơ hội để cải thiện, hoàn thiện”.

Cùng chung nhận định, BĐ Tuan Tran Minh bức xúc: “Phải công nhận là có chuyển biến nhưng cải cách gì mà hàng trăm thứ được yêu cầu phải cập nhật, bổ sung, thay đổi trong thời gian quá gấp gáp”.

BĐ Trương Xuân Bá thì đơn cử một ví dụ: “Tôi đi gia hạn đăng ký tạm trú, gia hạn mua bảo hiểm y tế và rất ngạc nhiên vì các thông tin của người gia hạn đã có, nhưng vẫn phải kê khai toàn bộ lại từ đầu, rất tốn thời gian và lãng phí. Tại sao các dữ liệu vẫn chưa được liên thông? Tại sao các cơ quan vẫn chưa thể phối hợp để thủ tục… chạy một mạch thông suốt?”.

“Bắt được mạch rồi, thì cần loại thuốc đặc trị mới hiệu quả”, BĐ doan tran nhận xét. Tán thành, BĐ trinh cuong lưu ý “mức độ hài lòng tăng so với năm 2020, nhưng vẫn còn những điểm nghẽn đã được nhận ra. Mong là các cơ quan sớm khắc phục, tiếp tục thực hiện CCHC sao cho thật sự nhanh, hiệu quả, quan trọng là luôn lắng nghe phản ảnh của truyền thông và người dân”. BĐ Duong Nguyen cũng gửi gắm: “Miễn làm sao cùng một TP nhưng các quận huyện đừng ra các thủ tục khác nhau; cùng một thủ tục mà từng quận huyện đừng quy định hồ sơ khác nhau”.

Vi hành… tháo nghẽn

Đề cập đến khảo sát của MTTQ TP.HCM cho thấy mức độ sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với công tác CCHC tại 20 sở ngành, 22 quận, huyện và 312 đơn vị xã, phường, thị trấn đã tăng so với năm 2020, BĐ Minh Nghĩa cho rằng các con số khảo sát là cần thiết, nhưng cũng chỉ làm căn cứ tham khảo. “Cán bộ TP cứ thực sự vi hành xuống dân sẽ thấy khâu hành chính còn mệt mỏi, nhiêu khê lắm”, BĐ Minh Nghĩa nêu ý kiến.

Nhiều BĐ tán đồng rằng ngoài khâu khảo sát của MTTQ, còn có nhiều cách, nhiều kênh để giám sát hiệu quả công tác CCHC. BĐ huynh quoc vuong đề đạt: “Bác chủ tịch TP thử vi hành kiểm tra xem, ví dụ như đi làm hồ sơ hợp thức hóa nhà đất chẳng hạn, thì bác sẽ có cái nhìn chính xác hơn mấy con số phần trăm đó. Hiện bây giờ ai cũng đeo khẩu trang cả nên chắc không ai nhận ra bác chủ tịch vi hành đâu”.

Với một TP được xem là đầu tàu kinh tế, thật đáng ngạc nhiên khi các điểm nghẽn thủ tục hành chính vẫn đang tồn tại. Nếu các điểm nghẽn hành chính đều được khơi thông hiệu quả, sức mạnh tổng hợp của TP có thể tiếp tục vươn mình, do vậy, đa số BĐ đều cho rằng TP.HCM cần tiếp tục CCHC thực chất hơn nữa, vì đó mới là động lực thúc đẩy “cỗ máy cái chạy băng băng”.

Cần đánh giá chất lượng giải quyết hồ sơ xem người dân có hài lòng hay không nữa, chứ không chỉ là trả hồ sơ nhanh hay chậm

Hai Au

Theo tôi tổ chức, cơ quan nào không hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thì thay người đứng đầu cơ quan đó. Đây là thuốc đặc trị duy nhất với căn bệnh tắc nghẽn.

N-DINH

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.