Đừng coi tác phẩm nghệ thuật như món hàng chợ

02/12/2020 06:38 GMT+7

Nhiều ý kiến bức xúc trước sự cẩu thả và vô trách nhiệm của ban tổ chức, đồng thời cho rằng công tác tổ chức cần được chấn chỉnh sau khi đọc bài Tranh bị rạch xước, họa sĩ rút khỏi triển lãm mỹ thuật toàn quốc .

Phản hồi về bài viết Tranh bị rạch xước, họa sĩ rút khỏi triển lãm mỹ thuật toàn quốc đăng trên Thanh Niên, nhiều ý kiến bức xúc trước sự cẩu thả và vô trách nhiệm của ban tổ chức, đồng thời cho rằng công tác tổ chức cần được nghiêm túc chấn chỉnh.
Như Thanh Niên thông tin, tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2020, nhiều tranh khi tham dự bị rạch xước, phủ sơn, có tác phẩm điêu khắc bị vỡ. Họa sĩ Nguyễn Quốc Huy, một trong những tác giả có tranh bị xước, đã yêu cầu lập biên bản vụ việc. Biên bản ghi nhận tác phẩm Địa linh nhân kiệt của ông bị xước 5 vết. Ba bên là Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ VH-TT-DL), Trung tâm triển lãm Vân Hồ (Hà Nội - địa điểm treo tranh) và ông Quốc Huy cùng ký vào biên bản. Ông Huy sau đó rút tranh về vì cho rằng cách bảo quản và trưng bày tác phẩm rất tùy tiện là nguyên nhân dẫn đến tranh hư hỏng...
Trái với phản ứng của ông Huy, ông Mã Thế Anh, Phó cục trưởng phụ trách Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm, lại cho đó là chuyện không có gì lớn. “Nó xước xát tí. Cục tổ chức nhưng phối hợp với Trung tâm Vân Hồ. Bên kia người ta dàn dựng thì năm nào cũng xước. Nó kiểu như quá trình vận chuyển xước một chút có gì đâu!”, ông Thế Anh nói. Về việc khắc phục các tác phẩm bị xước hỏng, ông Thế Anh nói: “Các anh vẫn treo và sửa sau. Có một chút xước thì vẫn treo. Có một chút có gì đâu mà làm như cháy nhà (!)”.

“Cạn lời” với phát biểu của ông cục phó

Nhiều bạn đọc (BĐ) tỏ ý kiến bất bình trước phát biểu của ông Mã Thế Anh. “Ông phó cục trưởng nói như thế là không được, không coi trọng người làm nghệ thuậttác phẩm nghệ thuật”, BĐ Thành Tài ý kiến. Tương tự, BĐ Diep Nguyen gay gắt: “Cả hai phát biểu đều thể hiện sự thiếu trách nhiệm trầm trọng của một người làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực mỹ thuật”. Trong khi đó, BĐ Thập Tam ngắn gọn: “Cạn lời với phát biểu của ông phó cục trưởng”.
“Tác phẩm nghệ thuật chứ không phải hàng sản xuất công nghiệp. Các bác làm nghệ thuật mà phát biểu không nghệ thuật tí nào. Đã sai mà không chịu nhận lần sau chắc không ai dám chơi với các bác nữa đâu”, BĐ Thanh Sơn viết.

Phải chuyên nghiệp hơn trong khâu tổ chức

Không chỉ phản ứng trước phát biểu thiếu thiện chí của ông Mã Thế Anh, nhiều ý kiến cũng chỉ ra sự thiếu chuyên nghiệp trong khâu tổ chức. “Với những tác phẩm nghệ thuật không thể nói trầy xước thì có thể sửa lại, khi đã sửa lại thì giá trị bị giảm đi ít nhiều. Vì vậy ngay từ đầu khâu tổ chức sao không làm thật chuyên nghiệp, chuyên nghiệp trong cách thực hiện, trong cách bảo quản, trưng bày... Chúng ta không thể xuề xòa với nhau cho mượn tác phẩm nghệ thuật để triển lãm mà không có hợp đồng, không mua bảo hiểm để khi có sự cố xảy ra thì lại cho rằng trách nhiệm bồi thường chưa rõ ràng lắm”, BĐ Thu Thảo ý kiến.
Tương tự, BĐ Thành Nguyễn cho rằng “nguyên nhân nằm ở khâu tổ chức”. “Làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật thì phải hiểu một bức tranh được xem là đứa con tinh thần của người nghệ sĩ. Khi người ta tin tưởng giao “con” cho các anh thì các anh phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn. Tôi nghĩ việc mua bảo hiểm bắt buộc phải có chứ không phải là chuyện đơn giản cho mượn rồi khi gặp sự cố lại không biết quy trách nhiệm về ai...”, BĐ Thành Nguyễn viết thêm.
Cẩu thả và vô trách nhiệm đến thế là cùng.
Nguyễn Toàn
Triển lãm mỹ thuật quốc gia mà làm ăn như vầy thì bó tay. Không biết tôn trọng các tác giả và tác phẩm nghệ thuật thì đừng bày ra triển lãm làm gì.
Tuan Minh
Nếu ban tổ chức không có những thay đổi trong khâu tổ chức, quản lý thì chuyện này sẽ diễn ra dài dài. Thử hỏi khi đó còn ai dám mang tranh đến trưng bày không.
Khải Minh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.