‘Đừng chốt cửa phòng lại, khi bạn ở một mình…’

09/07/2018 18:35 GMT+7

“Đừng chốt cửa phòng lại, khi bạn ở một mình. Những người thân của bạn cần hỗ trợ bạn khi cần thiết”, PGS -TS Nguyễn Phương Hoa đưa lời khuyên cho những ai đang phải đối mặt với căn bệnh trầm cảm .

Cuốn sách Khi mây đen kéo tới - Cùng con vượt qua cơn trầm cảm của PGS - TS Nguyễn Phương Hoa vừa ra mắt, đề cập đến căn bệnh đã có hơn 350 triệu người trên thế giới mắc phải: bệnh trầm cảm, trong khi ở Việt Nam, đây vẫn là căn bệnh “mơ hồ” với nhiều người.

Không ít người vẫn mô tả bệnh trầm cảm như thể tình trạng gặp căng thẳng, hay gặp chuyện buồn. Tệ hơn là một số người còn có suy nghĩ đó là bệnh tưởng, bệnh giả vờ. Trong khi đó, theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào năm 2017, đã có hơn 350 triệu người trên toàn thế giới mang bệnh trầm cảm, ước tính khoảng 1 triệu người tự tử mỗi năm.

Ở Việt Nam, bệnh trầm cảm hiện đang không chỉ gia tăng về số lượng, mà còn về mức độ và độ nguy hiểm, với xu hướng trẻ hóa. Ngày càng nhiều các bạn trẻ mắc bệnh và biểu hiện bệnh ngày càng cực đoan.

Bác sĩ Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, cho biết Việt Nam có khoảng 30% dân số từng có rối loạn tâm thần, trong đó, tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Mỗi năm, ở Việt Nam, có khoảng 35.000 - 40.000 người tự sát do trầm cảm, gấp 2 đến gấp 3 số lượng người thương vong do tai nạn giao thông. Trung bình mỗi ngày, tại Viện Sức khỏe tâm thần có 50 bệnh nhân đến khám và điều trị về trầm cảm.

PGS - TS Nguyễn Phương Hoa (tốt nghiệp tiến sĩ tâm lý học xã hội tại Đại học tổng hợp Moscow - Nga, từng là nghiên cứu viên và Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và thực nghiệm tâm lý học, Viện Tâm lý học Việt Nam giai đoạn 1995 - 2001), hiện là cố vấn của dự án Beautiful Mind Việt Nam, chia sẻ: “Lúc đầu, tôi viết những chia sẻ của mình là cho những người bạn trong nhóm, chứ không nghĩ đến việc xuất bản sách”. Những chia sẻ của PGS - TS Nguyễn Phương Hoa xuất phát từ khi chị nghe nhiều tin buồn về sự ra đi của một số ca sĩ, đầu bếp nổi tiếng, một số em học sinh, sinh viên vì căm bệnh trầm cảm. Một ngày, một người bạn đã thúc giục chị in cuốn sách.

“Tôi đứng trước quyết định khó khăn là in hay không in cuốn sách này. Bởi vì đây là những dòng chia sẻ trong nhóm, nhiều bài viết được viết từ cảm xúc rất riêng tư của tôi, nên tôi đã rất chần chừ. Nhưng cuối cùng thì mong muốn được giúp đỡ mọi người, mong muốn được thông tin đến xã hội để có cái nhìn đúng hơn về căn bệnh trầm cảm, vì sự nguy hiểm của nó, trong khi nhận thức của xã hội về căn bệnh này như thế nào là căng thẳng, áp lực, thế nào là cần được chăm sóc y tế vẫn chưa đúng mức”, PGS - TS Nguyễn Phương Hoa nói về lý do xuất bản cuốn sách của mình.

"Không làm gì cả trong khi có quá nhiều việc phải giải quyết"

Khi mây đen kéo tới - Cùng con vượt qua cơn trầm cảm là những chia sẻ của PGS - TS Nguyễn Phương Hoa với góc nhìn của một nhà khoa học, có trải nghiệm cá nhân trong việc đồng hành cùng người thân vượt qua quãng thời gian dài trầm cảm.

Khác với những kết luận, dẫn chứng của một nhà nghiên cứu đơn thuần, cuốn sách chứa đựng những câu chuyện nhỏ hằng ngày, giúp bạn đọc hình dung ra những biểu hiện cụ thể, những diễn biến cảm xúc - hành vi cụ thể hằng ngày, những mẩu đối thoại hàng ngày của một người mẹ có thể giúp con trai mình vượt qua những cơn trầm cảm, những xáo trộn trong sinh hoạt gia đình hằng ngày; những nỗi buồn, những khoảnh khắc mà người thân của người có bệnh trầm cảm phải đối mặt để động viên, giữ vững tinh thần cho chính mình.

“Trầm cảm là căn bệnh về rối loạn cảm xúc nên dễ bị nhầm với việc chúng ta bị căng thẳng, áp lực. Chúng ta phân biệt bệnh trầm cảm ở chỗ nó có cản trở cuộc sống của chúng ta nhiều đến mức chúng ta cảm thấy không thể chấp nhận được hay không”, PGS - TS Nguyễn Phương Hoa chia sẻ.  

Vậy khi hàng loạt các vấn đề của cuộc sống ập đến cùng lúc, bản thân bế tắc trước mọi chuyện, cách tốt nhất giúp chúng ta vượt qua là gì?, PGS - TS Nguyễn Phương Hoa đưa ra lời khuyên: “Khi tất cả các việc ập đến, chúng ta hãy ghi nó ra, sắp xếp chúng và chọn lựa những việc ưu tiên rồi giải quyết từng việc một. Nếu chúng ta đã có đủ bình tĩnh để chọn những việc ưu tiên nhất để giải quyết thì có lẽ vấn đề của chúng ta cũng không quá lớn. Tuy nhiên, khi chúng ta có quá nhiều vấn đề mà không thể làm được gì thì kinh nghiệm của bản thân tôi cho thấy là chúng ta đừng làm gì cả. Chúng ta cần phải nghỉ ngơi. Bởi vì, khi chúng ta rơi vào trạng thái như vậy có nghĩa là chúng ta đang quá tải và nó chỉ được giải quyết với điều kiện là chúng ta có thể trở lại suy nghĩ của mình”

PGS - TS Nguyễn Phương Hoa cho hay: “Giống như chiếc xe bị chất quá nặng, nguy cơ cao sẽ xảy ra là hỏng xe, mà nếu chúng ta bị hỏng rồi thì chúng ta không thể vận hành, không thể làm gì được nữa. Cách duy nhất là bỏ bớt hàng hóa trên chiếc xe xuống. Cũng có nghĩa là ta phải bỏ bớt suy nghĩ của mình. Cho mình một khoảng thời gian để sắp xếp lại, và không làm gì cả trong khi có quá nhiều việc phải giải quyết”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.