Đừng chỉ nhìn chợ Đồng Xuân như một miếng 'đất vàng'

11/04/2018 14:18 GMT+7

Sau vài bận thất bại của Hà Nội trong việc cải tạo chợ truyền thống , thông tin thành phố rục rịch cải tạo chợ Đồng Xuân không chỉ khiến tiểu thương, mà nhiều nhà khoa học cũng lo lắng.

Cải tạo chợ theo hướng đa chức năng
Trao đổi với Thanh Niên, ông Hoàng Công Anh, Giám đốc Công ty CP Đồng Xuân, cho biết: ngay khi phong thanh nghe tin, ngày 6.4, đại diện cho hơn 2.000 tiểu thương chợ Đồng Xuân đã đến công ty để hỏi.
“Chúng tôi có giải thích đó mới là một hội thảo của các nhà khoa học, mới đang nghiên cứu, chứ chúng tôi cũng chưa nhận được văn bản chính thức nào. Thế nhưng, chiều 8.4, tiểu thương sốt ruột quá lại kéo lên. Chúng tôi lại phải nói lại là bà con cứ bình tĩnh, buôn bán như cũ. Chợ Đồng Xuân vẫn là chợ truyền thống, điểm đến của du khách khắp nơi, là nơi kinh doanh của 2.000 hộ chứ không phải đơn giản. Tiểu thương cũng lo người ta cải tạo thành trung tâm thương mại như Hàng Da, nhưng chúng tôi cũng nói là các nhà khoa học họ sẽ có góp ý, có tính toán, chứ không ai để lặp lại sai lầm cũ”, ông Công Anh cho biết.
Đến sáng 9.4, hàng trăm tiểu thương vẫn tụ tập trước cửa chợ Đồng Xuân, giăng biểu ngữ phản đối xây lại chợ. Ngay trưa hôm đó, UBND quận Hoàn Kiếm đã ra thông báo, đồng thời tổ chức đối thoại với tiểu thương. Trong buổi đối thoại, ông Phạm Tuấn Long, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, khẳng định không có chuyện xây chợ Đồng Xuân thành trung tâm thương mại giống như chợ Hàng Da.
Tuy vậy, trước buổi đối thoại 1 ngày (ngày 8.4), trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Tuấn Long thừa nhận: Do chợ đã xuống cấp, nên Hà Nội đang có nghiên cứu để tìm phương án phát triển khu vực này tốt hơn.
“Hiện nay, quận mới đang tham vấn xin ý kiến chuyên gia như GS Hoàng Đạo Kính, TS Doãn Minh Khôi, nhà sử học Dương Trung Quốc chứ chưa có phương án gì cả. Tuy nhiên, trước xu thế mua sắm của bà con đang thay đổi, mua bán trực tuyến, mua bán siêu thị nhiều, thì chợ truyền thống đang bị thách thức. Nếu muốn giữ bản sắc đó thì cũng phải nghiên cứu thay đổi thế nào để nó hoạt động tốt hơn. Hiện tình hình kinh doanh cũng đã không được như trước do chợ Ninh Hiệp phát triển. Đó cũng là một lý do để phải lo lắng”, ông Long cho biết.
Dù vậy, ông này Long khẳng định “mới đang tham vấn chuyên gia để tìm cách tiếp cận, nhận diện giá trị cốt lõi của chợ để phát huy, nhất là rút kinh nghiệm những lần cải tạo chợ truyền thống trước đây”.
Theo ông Long, hướng mà Hà Nội muốn nhắm đến là một chợ đa chức năng, “là chợ đầu mối, là trung tâm bán buôn, đồng thời cũng là phát triển du lịch và dịch vụ”.
"Nguy hiểm nhất là biến chợ Đồng Xuân thành trung tâm thương mại"
Trước những diễn biến này, Thanh Niên đã liên lạc với những nhà nghiên cứu mà ông Long cho biết đã tham vấn ý kiến. GS - KTS Hoàng Đạo Kính cho biết: “Họ không tham vấn chính thức, mà mời tôi dự một cuộc tọa đàm cùng với nhiều người khác. Đó mới là ý tưởng khởi đầu của việc cải tạo chợ Đồng Xuân và chợ Bắc Qua. Nhiều người cũng đặt vấn đề xây thành các trung tâm thương mại to, hiện đại như AEON hay Vincom. Quan điểm của tôi là không làm như vậy. Nếu có làm cũng phải trên cơ sở phát huy truyền thống, bản sắc của phố cổ Hà Nội, mà cái đó là gì, là cửa hiệu. Phố cổ Hà Nội là cửa hiệu".
Các chuyên gia lưu ý, không thể nhìn chợ Đồng Xuân bằng con mắt kinh tế thông thường Ảnh Ngọc Thắng
"Thứ hai là công trình ấy không được làm to tát, nó phải ăn nhập với không gian ở đó. Phải tạo ra không gian nhỏ, mềm mại, sinh động trên nền tảng buôn bán của phố cổ Hà Nội truyền thống. Cải tạo như chợ Cửa Nam là “chết” rồi chứ còn gì nữa. Chợ đó phải đặc sắc như một sự bổ sung cho phố cổ. Người ta đến đó là đến với chợ của Hà Nội cũ, chứ không phải nhìn vào đó bằng con mắt kinh tế thuần túy”, GS Hoàng Đạo Kính bày tỏ quan điểm.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng bất ngờ, nói “tôi cũng chưa biết họ sửa chữa kiểu gì”. “Đương nhiên chợ có vị trí rất quan trọng về kinh tế, người ta nói là "đắc địa" hay đất vàng đất bạc, rất dễ khiến cho những người có tư duy thuần túy về kinh tế nhìn thấy ở đấy một nguồn lợi. Tôi nói nguồn lợi chung về kinh tế, chứ chưa nói gì đến tư lợi theo nghĩa xấu. Nhưng đừng quên những giá trị chúng ta phải lưu giữ về văn hóa, bởi vì tiền bạc có thể kiếm được, nhưng những yếu tố về văn hóa không dễ kiếm đâu”, ông Dương Trung Quốc lưu ý.
“Tôi nghĩ chắc chắn họ muốn khai thác không gian chiều cao, thậm chí ngầm dưới đất nữa. Đó là xu hướng hiện nay. Tuy nhiên, điều quan trọng là giải pháp về kiến trúc thế nào, chứ nhìn lại tất cả những lần cải tạo, dường như chúng ta chỉ lấy cớ đẩy chợ truyền thống vào một xó xỉnh nào đó thôi và như thế là quá thực dụng”, ông Quốc bày tỏ.
Cũng lo lắng về xu hướng “hoành tráng” hóa chợ truyền thống một cách thiếu tính toán, TS Khuất Tân Hưng, khoa di sản kiến trúc, Đại học Kiến trúc Hà Nội, cho rằng: “Các chợ truyền thống chuyển sang trung tâm thương mại có nhiều, nhưng đến bây giờ đều thất bại cả. Ngoài chợ Hàng Da, còn chợ Mơ, thậm chí cả những chợ thị trấn ở ngoài xa cũng bị thất bại. Chẳng hạn, chợ Gạch ở Phúc Thọ, một chợ truyền thống sau khi chuyển thành trung tâm thương mại thành ra vắng tanh vắng ngắt, chả ai dùng".
"Ở đây, ngoài vấn đề di sản kiến trúc còn có vấn đề văn hóa. Nếu chỉ nghĩ là sẽ bố trí khu bán hàng cho tiểu thương thì cũng không có nghĩa là thành công, vì nó còn liên quan đến văn hóa giao thương, người mua hàng. Người mua không thích thì họ không đến. Nên nếu định dự kiến cái gì thay đổi chợ Đồng Xuân phải cực kỳ thận trọng. Nếu không là đi theo vết xe đổ của các chợ truyền thống kia. Nếu có thể làm sâu xuống thành các hầm để xe vì khu vực đó quá thiếu chỗ để xe, và cũng phải kết hợp với hệ thống ga tàu điện ngầm thì tốt, song song với việc phải giữ các cấu trúc cũ của chợ. Nguy hiểm nhất là lại biến nó thành trung tâm thương mại”, ông Hưng lo lắng.
Thạc sĩ Trần Nhật Khôi, khoa kiến trúc, Đại học Kiến trúc Hà Nội, cho rằng chợ Hàng Da, chợ Mơ, chợ Trương Định và một loạt chợ khác được biến đổi theo hướng xây lại, biến các tầng trên thành trung tâm thương mại, còn chợ ướt (bán rau củ thịt cá) ở dưới. Các mẫu này khi hoạt động đều cho kết quả là thất bại. Khi đưa vào tầng gầm của các tòa nhà, các chợ ướt hoạt động rất hạn chế vì nó cần không gian rất thoáng và mở để khô nhanh và thu rác tốt.
“Dân mình thói quen là không thích đi chợ ướt trong không gian đóng kín. Cùng với đó, phần trên cũng hoạt động không ra gì, dù mua chỗ rất đắt. Tóm lại, tầng trên và tầng dưới đều không hoạt động được. Đó là các bài học về chợ đầu mối dịch chuyển. Vì thế, khi chợ Đồng Xuân có thay đổi cũng cần chú ý việc đó. Với Đồng Xuân cũng cần chú ý việc lưu thông hàng hóa. Hiện tại, nó chỉ hoạt động hiệu quả như một nơi giao thương, chỉ là nơi giới thiệu hàng, còn kho và giao hàng lại đặt ở chỗ khác. Nếu ép nó thành trung tâm thương mại thì không thể được”, ông Khôi khuyến cáo.
“Chúng ta không ngăn cản thay đổi, nhưng thay đổi phải giữ được những cái tốt, cái đẹp. Tại sao chúng ta không có trưng cầu dân ý, ít nhất trong khuôn khổ một quận, không những người ở trong chợ (Đồng Xuân) nói, người xung quanh chợ nói, mà người đi qua chợ cũng có thể đóng góp ý kiến được. Không thể nhìn như một nhà kinh tế thuần túy, chỉ thấy cái gì có lợi nhất về mặt tiền bạc, còn văn hóa là thứ yếu”, nhà sử học Dương Trung Quốc khuyến nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.