Đừng buộc tớ nói theo cách của cậu !

29/06/2006 22:14 GMT+7

Một trong những nguyên nhân khiến khán giả dị ứng khi xem phim Việt là ngôn ngữ của nhân vật. Đó là thứ ngôn ngữ không có trong đời thật, ấn vào mồm nhân vật bắt phải phát ra theo cách trả bài. Chuyện phim xảy ra ở miền Nam, nhân vật nói giọng Nam hẳn hoi, thế nhưng ngôn từ thì rặt là ngôn từ miền Bắc.

Bạn bè xưng hô với nhau cứ cậu cậu tớ tớ, nhắc đến người thứ ba thì anh ấy, cô ấy, ông ấy... một cách rất máy móc và phi lý. Trong đời thật, người miền Nam có cách nói năng đa dạng hơn nhiều. Có thể xưng bằng tên của hai người, xưng tui gọi bồ, xưng mình gọi ấy, xưng tôi gọi ông..., thân thiết hơn thì anh em, mày tao..., chẳng chết ai cả. Nghe giọng Nam xưng hô cậu cậu tớ tớ, cứ ngang phè như mắm tôm lẫn vào cà phê. Ngoài đời, nếu thấy ai xưng hô kiểu dzậy, chết liền! Chính cái không hề có trong đời ấy khiến khán giả thấy nhân vật từ trên trời rơi xuống, chẳng liên quan gì đến mình, chẳng có gì gần gũi với mình, cho dù trong phim, có thể lý lịch ba đời của anh ta là người miền Nam.

Cũng như thế, người miền Nam sẽ nhắc đến người thứ ba theo cách gọi ảnh, cổ, ổng..., rất quen thuộc. Đó là cách nói quen miệng, đã thuộc về văn hóa sinh hoạt, ai cũng hiểu và chẳng hề có ai thắc mắc. Nó không hề hàm ý thiếu tôn trọng, mà có thể chỉ để nói rút gọn, thay vì dùng hai từ. Buộc một người miền Nam nói những từ anh ấy, cô ấy, ông ấy... quả là sự cưỡng bức không cần thiết. 

Tinh tế hơn, còn có những khác biệt rõ rệt trong danh xưng hằng ngày của sinh hoạt hai miền. Nếu có ai đó gọi người khác bằng từ thím, dượng, thì chắc chắn anh ta phải là người miền Nam, bởi ở miền Bắc không có cách gọi ấy: vợ chú vẫn được gọi là cô và chồng cô, chồng dì vẫn được gọi là chú... Đó là chưa kể, người miền Nam quen gọi những phụ nữ lớn tuổi là dì, với hàm ý là chị em của mẹ, chứ không phải là cô, theo cách quen của miền Bắc. Cũng như thế, người ta xưng mình là con, cho dù ở vai cháu, chứ ít khi xưng là cháu, theo cách nói miền Bắc...

Đời sống thực có muôn màu muôn vẻ, ngôn ngữ vô cùng đa dạng, phong phú, không việc gì phải tự làm nghèo đi bằng cách khung vào một số cách viết, cách nói, cách xưng hô... Qua ngôn ngữ, người ta sẽ bộc lộ mình là ai, thuộc tầng lớp nào và tính cách ra sao... Nếu tất cả mọi người đều ăn nói y hệt nhau, cuộc sống sẽ chán phè như một bữa tiệc đông người với duy nhất món đồ hộp cứng ngắc.

Phim ảình phải lôi cuốn được khán giả bằng cái như thật hoặc hơn cả thật của mình.  Nếu xem phim chỉ thấy toàn cái giả thì làm sao buộc người ta mỗi ngày phải bỏ thì giờ ra ngồi trước màn hình?! Ngôn ngữ là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng để làm nên cái thật đó. Xin đừng quên!

 Camera

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.