Đừng bênh vực ‘bọn’ đỗ ô tô vô ý thức!

09/05/2021 10:27 GMT+7

Dĩ nhiên tôi không ủng hộ cách xử sự của nhiều người khi “cả giận mất khôn”, hành xử thô lỗ, phản cảm với những cá nhân đỗ xe thiếu ý thức, nhưng tôi rất đồng cảm khi thử đặt mình vào vị trí của họ.

Mới đây, tôi có đọc được bài báo viết về trường hợp đỗ xe thiếu ý thức ở Hà Nội. Nhưng nội dung bài khiến tôi khá bức xúc. Bởi lẽ, nội dung bài báo này dường như “cảm thông” với những kẻ đỗ xe bất chấp. Theo đó, tác giả cho rằng sở dĩ những người đỗ xe “bậy” một phần vì quy hoạch đô thị thiếu bãi đỗ xe. Cá nhân tôi nghĩ rằng suy luận này là vô cùng chủ quan và thiếu trách nhiệm. Chưa hết, cách nêu vấn đề của bài báo này dường như đang cổ xúy cho một hành vi sai trái.
Bản thân tôi không ít lần trở thành nạn nhân của việc đỗ xe vô ý thức. Không nói đâu xa, cách đây chỉ hơn một tuần, tại khu chung cư tôi đang ở, nhiều cư dân trong đó có tôi đã vô cùng bức xúc vì kiểu đỗ xe theo phong cách “chỉ riêng mình ta”. Cụ thể, tại tầng hầm B1 trong tòa nhà tôi đang ở, bên cạnh khu vực đỗ xe hỗn hợp bên dưới dành cho cả ô tô và xe máy, còn có thêm một gác lửng thiết kế riêng cho xe máy. Khu gác lửng này có một cầu thang rộng gần 2 mét dẫn lên. Đường dẫn được vẽ sơn đầy đủ. Mặc dù vậy, chẳng hiểu sao một cư dân lái chiếc Toyota Fortuner 7 chỗ lại đậu xe chặn ngay đường dẫn lên gác.
Tôi không thể hiểu nổi người lái chiếc xe này nghĩ gì. Bởi lẽ, việc đậu ô tô choán ngay lối lên xuống tầng gác này trước hết là vô ý thức, sai quy định. Và quan trọng hơn, trên tầng gác có rất nhiều xe gắn máy. Việc người chủ chiếc Fortuner đỗ xe chắn ngay lối lên xuống khiến nhiều cư dân phải trễ giờ làm, bực như “chọc tiết” vì không thể lấy xe ra.
Trước đó, tôi cũng thấy rất nhiều trường hợp đậu xe vô ý thức. Điển hình cách đây nửa năm, cô bạn tôi ở quận Bình Thanh (TP.HCM) cũng không may trở thành nạn nhân của vấn nạn đỗ xe “không não” này. Sáng đầu tuần chuẩn bị đi làm, hai vợ chồng cô áo quần tươm tất mở cổng định dắt xe máy ra thì “nóng mặt” khi trước mắt là chiếc Mitsubishi Xpander màu trắng. Chủ xe vô ý thức đến mức đậu xe chắn ngang cửa nhà, không chừa ra một lối đi, dù là nhỏ nhất để chủ nhà có thể ra vào. Trước đó nữa, trên mạng xã hội tôi cũng thấy có nhiều trường hợp “hết nói nổi” khi chủ xe vô ý thức “quăng xe” ngay trước cửa công ty, cửa hàng buôn bán của người khác.
Tất nhiên, đối mặt với những trường hợp đậu xe vô ý thức, tôi nghĩ rằng không ai có thể bình tĩnh. Thậm chí, nhiều người đáp trả rất gay gắt. Chồng cô bạn tôi sau khi rát cổ la lối mà không thấy chủ xe đến thì nổi cáu. Anh đấm đá và dùng sơn xịt lên thành xe. Một lúc lâu sau chủ xe xuất hiện. Anh chồng cô bạn tôi và chủ xe này xảy ra mâu thuẫn dẫn đến xô xát. Cả 2 sau đó phải nhập viện điều trị. Trong khi trên mạng, tôi thậm chí còn thấy nhiều kiểu trả đũa “chợ búa” hơn như đổ mắm tôm lên xe, đập cửa kính… Hay cách đây vài năm có một kiểu đáp trả không giống ai và vô cùng phản cảm của cô gái ở Hà Nội khi dán băng vệ sinh khắp xe.
Dĩ nhiên, tôi không ủng hộ hành vi của những “nạn nhân” kể trên. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, tôi đồng cảm với họ. Ở vào hoàn cảnh như vậy, tôi nghĩ tất cả chúng ta đều tức giận. Và với một số người nóng tính, khó tránh khỏi những hành vi bộc phát, thiếu kiềm chế.
Còn với những luận điểm “cảm thông” với hành vi đỗ xe vô ý thức vì cho rằng nguyên nhân do quy hoạch đô thị hiện nay thiếu bãi đỗ xe, cá nhân tôi không thể đồng tình. Bởi dẫu biết rằng việc thiếu bãi đỗ xe đang là thực trạng. Tuy nhiên, với những người sử dụng ô tô, trước hết cần có ý thức và trách nhiệm cộng đồng. Nếu gần nơi bạn đến không có bãi giữ xe thì bạn nên chịu khó đi xa hơn hoặc bạn có thể chọn phương tiện khác để di chuyển. Không thể vịn lý do không có chỗ đậu xe và thản nhiên đậu trước cửa nhà người khác. Việc đó chẳng khác nào trường hợp bạn vứt rác bừa bãi khi ngay nơi bạn đứng không tìm thấy thùng rác.
Hoặc nếu trường hợp gấp gáp và không còn giải pháp nào, tôi nghĩ rằng trước hết chủ xe nên quan sát kĩ vị trí. Và nếu buộc phải đậu xe trước cửa nhà người khác, bạn nên xin phép họ, hoặc ít ra cũng “dành” cho họ một lối ra vào.
Quan trọng hơn, tôi nghĩ chính thái độ của bạn mới quan trọng. Câu chuyện sẽ đơn giản hơn nhiều nếu nhiều chủ xe sẵn sàng nhận lỗi và cầu thị hơn trong cách giải quyết vấn đề. Tôi từng xem nhiều đoạn phim ghi lại cảnh nhiều người khi buộc phải đậu xe không đúng chỗ đã viết lại một mảnh giấy dán trên xe xin thứ lỗi. Hoặc nhiều trường hợp khi bị chủ nhà la lối đã cúi đầu xin lỗi. Chỉ đơn giản vậy thôi là mọi chuyện êm xuôi, không đến nỗi chiếc xe phải gánh tội cho chủ như những trường hợp kể trên hay chủ xe và nạn nhân phải cùng nhau nhập viện như trường hợp bạn tôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.