Đừng bàn nữa, làm thôi

20/10/2022 04:18 GMT+7

Đó là mong muốn của nhiều người khi nghe thông tin Cần Giờ sẽ được quy hoạch phát triển là thành phố biển du lịch.

Bởi suốt gần 3 thập niên qua, rất nhiều lần vấn đề này được đưa ra nhưng rồi cho đến giờ, Cần Giờ, mảnh đất ví như “mỏ vàng” của du lịch TP, vẫn chỉ ở dạng tiềm năng.

Đáng nói là cái sự “rập rình” này không chỉ gây ức chế cho người dân mà còn gây nhiều hệ lụy về mặt xã hội. Cứ mỗi lần nói đến quy hoạch là một lần đất đai nháo nhào sốt. Những năm qua, Cần Giờ quay cuồng hết cơn nóng này đến cơn sốt khác. Sốt dự án cầu Bình Khánh đếm không biết bao nhiêu lần. Sốt ông lớn nọ, đại gia kia sắp làm siêu dự án này, siêu công trình kia cũng không biết bao nhiêu lần. Giới đầu cơ, đầu tư, đầu nậu gom hàng, rao bán từ đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản... không chừa đất gì. Người chôn vốn ở đây hàng thập niên cũng nhiều mà kẻ lướt sóng làm bàn cũng không ít. Chỉ có Cần Giờ thì vẫn thế, muốn tới phải xếp hàng đợi phà rất lâu, lúc cao điểm hàng tiếng đồng hồ. Du lịch vẫn quẩn quanh với thăm đảo khỉ, rừng Vàm Sác, biển không thể tắm và cuối cùng là vào chợ Hàng Dương ăn hải sản ngon, rẻ... Tối thì khỏi nói. Buồn hiu! Vì vậy, đa số mọi người chỉ tranh thủ tham quan trong ngày nên tối đến là quán xá, đường phố vắng hoe. Hầu hết mọi người đến đây đều có cảm giác tiếc nuối. Tiếc cho một Cần Giờ tiềm năng nhưng không được phát triển. Tiếc vì TP.HCM có biển nhưng người dân những ngày lễ hay cuối tuần vẫn chen nhau đi về Bà Rịa-Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang... tắm biển. Tiếc vì nhiều người dân Cần Giờ vẫn làm nông đơn thuần trong khi kinh tế biển, du lịch là lợi thế lại không được khai thác.

Trên thực tế, tiềm năng, lợi thế của Cần Giờ đã được phân tích rất kỹ, chủ trương phát triển Cần Giờ cũng có từ rất sớm. Chỉ tiếc rằng cả một “mỏ vàng” du lịch này cũng không ngoại lệ, cũng bị treo như nhiều dự án khác. Lý do thì rất nhiều nhưng có lẽ, lớn nhất vẫn là sự thiếu quyết tâm của tất cả các cấp, ngành có liên quan. Bởi Cần Giờ không chỉ là một huyện đảo có tiềm năng về du lịch, Cần Giờ còn được ví như “người cận vệ môi trường của TP”, ngày đêm làm sạch không khí và nước thải. Thế nên, dù từ chủ trương đến quy hoạch đều cam kết, đều khẳng định không tác động vào thiên nhiên, hệ sinh thái, thì cũng không ai “dám” quyết liệt để “đánh thức” vùng đất này.

Nhìn lại hơn 40 năm kể từ ngày Cần Giờ (huyện Duyên Hải) được phê duyệt và chính thức sáp nhập vào TP.HCM, chính quyền TP đã làm khá nhiều việc cho huyện đảo này. Đầu tiên là khôi phục và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ trên một vùng đất bị chất độc hóa học và bom đạn hủy diệt thành bình địa. Năm 2000, rừng ngập mặn Cần Giờ đã được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở VN, với tổng diện tích 38.556 ha. Rồi làm đường kết nối giữa Cần Giờ và nội thành; xây dựng hệ thống điện lưới quốc gia..., tất cả những việc này đã làm thay đổi bộ mặt của Cần Giờ. Tuy nhiên, Cần Giờ vẫn cần hơn thế.

Đó là một quyết tâm chính trị để vừa gìn giữ lá phổi cho người dân, vừa khai thác, phát triển những tiềm năng, lợi thế của huyện đảo Cần Giờ nói riêng và góp phần đột phá kinh tế TP nói chung.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.