Đức tuyên bố ngừng phụ thuộc Nga, nhưng giờ đang chùn bước

16/04/2022 20:05 GMT+7

Chỉ 6 tuần sau khi Thủ tướng Olaf Scholz công bố những thay đổi chiến lược cho nước Đức, cam kết của Berlin đã phải đối mặt với sự ngờ vực ngày càng gia tăng.

Thủ tướng Olaf Scholz đã khiến cả thế giới và chính quốc dân của ông ngạc nhiên khi đáp trả việc Nga đưa quân vào Ukraine bằng kế hoạch 100 tỷ euro nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng của Đức, gửi vũ khí cho Ukraine và chấm dứt sự phụ thuộc vào Nga về năng lượng.

Đó là sự thay đổi lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Đức kể từ sau Chiến tranh Lạnh, điều mà ông Scholz gọi là "Zeitenwende" - thay đổi mang tính thời đại, theo New York Times. Những tuyên bố của thủ tướng Đức đã nhận được sự tán thưởng ở cả trong và ngoài nước.

Đức sẽ viện trợ quân sự 1 tỉ euro cho Ukraine

Song 6 tuần sau, những tiếng vỗ tay đã thưa dần. Ông Scholz không lập tức ngừng nhập khẩu dầu khí từ Nga, nói rằng phí tốn quá lớn. Ông không chuyển 100 xe bọc thép cho Ukraine, nói rằng Đức không được "hấp tấp". Liên minh cầm quyền tranh luận về việc làm thế nào để thực hiện những nhiệm vụ lớn mà ông Scholz đã đặt ra.

Vì thế, người ra ngày càng nghi ngờ về cam kết của chính phủ Đức đối với những kế hoạch này. "Zeitenwende là có thật, nhưng đất nước vẫn như xưa", Thomas Bagger, nhà ngoại giao cấp cao của Đức, đại sứ tiếp theo tại Ba Lan, cho biết. "Không phải ai cũng thích những chuyện đó".

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kyiv hồi tháng 2.2022.

afp

Rạn nứt xuất hiện

Những thay đổi mà ông Scholz tuyên bố đi xa hơn nhiều so với cam kết chi 2% GDP cho quân đội - tức khoảng 70 tỉ euro mỗi năm, cao hơn mức 41 tỉ euro của Pháp. Chúng trực tiếp chạm đến căn tính nước Đức thời hậu chiến với tư cách một quốc gia xuất khẩu hòa bình, cũng như chạm đến mô hình làm ăn đã đưa Đức trở thành nền kinh tế lớn nhất và mạnh nhất châu Âu.

"Giờ người Đức được yêu cầu suy nghĩ lại mọi thứ - cách tiếp cận của chúng tôi đối với việc làm ăn, đối với chính sách năng lượng, quốc phòng và đối với Nga", theo chuyên gia quốc phòng Claudia Major, thuộc Viện Vấn đề Quốc tế và An ninh Đức. "Chúng tôi cần thay đổi tư duy. Chúng tôi cần nhận ra rằng đây là chuyện về chúng tôi - rằng chính trị cường quyền đã trở lại và nước Đức phải đóng một vai trò nào đó".

Song bà Major cũng nói: "Một lần nữa Đức không dẫn đầu mà đang bị kéo đi".

Ngay cả Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cũng lo ngại rằng Zeitenwende có thể mang tính tạm thời hơn là căn bản. Bà cho rằng sự đồng thuận đang rất mong manh, rằng những người Đức ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ với Nga giờ đang im lặng nhưng vẫn không thay đổi quan điểm.

"Họ biết họ phải làm chuyện đó ngay bây giờ, về việc trừng phạt, độc lập năng lượng và chuyển giao vũ khí, cũng như về cách ứng xử với Nga. Nhưng thực ra, họ không thích như vậy", bà nói trong một cuộc phỏng vấn.

Kể từ khi ông Scholz công bố Zeitenwende tại một phiên họp đặc biệt của quốc hội hôm 27.2, nhiều rạn nứt trong cam kết thay đổi của Đức đã bắt đầu xuất hiện.

Đường ống Nord Stream 2 dẫn dầu khí từ Nga tại Lubmin, Đức.

chụp màn hình new york times

Những người nổi tiếng ở Đức kêu gọi chính phủ chống lại việc tái vũ trang và "sự thay đổi 180 độ trong chính sách đối ngoại của Đức", và đến nay 45.000 người đã ký tên ủng hộ. Các nhà lập pháp đảng Xanh vận động để chỉ dành một phần trong gói ngân sách 100 tỷ euro cho quân đội, viện dẫn lý do là các nhu cầu khác như "an ninh con người" và biến đổi khí hậu. Các công đoàn và lãnh đạo doanh nghiệp cảnh báo về suy thoái kinh tế nếu khí đốt của Nga ngừng chảy vào Đức.

"Năng lượng giá rẻ của Nga đã là cơ sở cho khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp chúng ta", Martin Brudermüller, giám đốc điều hành tập đoàn hóa chất BASF, nói vào tuần trước.

Trên thực tế, năng lượng từ Nga đã trở thành nền tảng của nền kinh tế Đức. Giờ đây, các doanh nghiệp Đức đang phải đối mặt với khả năng bị yêu cầu tiếp tục sản xuất kinh doanh mà không cần nguồn năng lượng này, và sự phản kháng đang âm thầm gia tăng. Các bộ trưởng của chính phủ cho biết các lãnh đạo doanh nghiệp đã kín đáo hỏi họ rằng khi nào mọi thứ sẽ "trở lại bình thường".

Đức sẽ chuyển giao xe tăng cho Ukraine?

Mối liên hệ phức tạp

Mối liên hệ giữa Đức với Nga đặc biệt phức tạp bởi lịch sử thăng trầm với các cuộc chiến tranh lạnh và nóng, bao gồm cảm giác tội lỗi về việc hàng triệu người Nga bị Đức Quốc xã sát hại. Điều này củng cố niềm tin rằng cấu trúc an ninh của châu Âu phải bao gồm Nga và tính đến các lợi ích của Nga.

Đó cũng là mô hình đã mang lại những phần thưởng tuyệt vời cho nước Đức.

"Chúng tôi xuất khẩu sang Trung Quốc và nhập khẩu khí đốt giá rẻ từ Nga, đó là công thức thành công cho xuất khẩu của Đức", Ralph Bollmann, người viết tiểu sử về cựu thủ tướng Đức Angela Merkel, cho biết.

Ngay sau bài phát biểu Zeitenwende của ông Scholz, Berlin dường như thể hiện quyết tâm hành động dứt khoát. Song không lâu sau đó, những kế hoạch này có vẻ đã đe dọa chính liên minh cầm quyền bao gồm 3 đảng rất khác biệt.

"Chính phủ đã đưa ra một số quyết định can đảm, nhưng dường như họ sợ hãi sự can đảm của chính mình", Jana Puglierin, giám đốc văn phòng Hội đồng Châu Âu về Quan hệ Đối ngoại tại Berlin, nhận xét.

Biểu tình tại Berlin đòi chính phủ Đức dừng nhập khẩu năng lượng từ Nga.

AFP

Sự hoài nghi ngày càng gia tăng về việc tầng lớp tinh hoa chính trị Đức sẵn sàng tách khỏi Moscow về cơ bản, hoặc các cử tri Đức sẽ vui vẻ chi trả nhiều hơn cho năng lượng và thực phẩm trong tương lai gần.

"Chủ nghĩa hòa bình của Đức đã cắm rễ rất sâu", John Kornblum, cựu đại sứ Mỹ tại Đức, người đã sống ở quốc gia này từ những năm 1960, cho biết. "Những ảo tưởng của người Đức có thể đã tan vỡ, nhưng nỗi ám ảnh về nước Nga và chiến tranh thì không".

"Mối quan hệ kỳ lạ giữa Đức với Nga có thể tạm dừng trong thời điểm này, nhưng sẽ trở lại đầy mạnh mẽ ngay sau khi chiến sự chấm dứt", ông nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.