Đức Trọng nỗ lực về đích

31/10/2022 10:30 GMT+7

Dù có những khó khăn nhất định, nhưng với những giải pháp hợp lý, H.Đức Trọng (Lâm Đồng) đã có sự phát triển đáng ghi nhận sau đại dịch và địa phương đang nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội (KH-XH) của năm.

Nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục phát triển mạnh ở Đức Trọng

Ảnh: A.T

Bà Phạm Thị Thanh Thúy, Phó chủ tịch UBND H.Đức Trọng, nhìn nhận 10 tháng qua, việc phát triển sản xuất nông nghiệp đang từng bước tái cơ cấu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao; chương trình nông thôn mới được quan tâm thực hiện; cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp; hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố vững mạnh; thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt hơn 1.310 tỉ đồng (đạt 107,7% dự toán tỉnh giao); giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 375 tỉ đồng, đạt 70% kế hoạch vốn. Trong tháng 10, có 13 doanh nghiệp (DN) đăng ký hoạt động, tăng 162,5% so với cùng kỳ năm 2021, tổng vốn điều lệ đạt 45,3 tỉ đồng, nâng số DN đăng ký hoạt động lên 1.476 DN với tổng vốn điều lệ đạt 14.619 tỉ đồng. Cấp 1.145 giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

Công tác thanh tra, tiếp dân; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng tiếp tục được chú trọng. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai linh hoạt, dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, việc tiêm phòng được triển khai kịp thời. Các hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ của người dân, DN được phục hồi và phát triển. Công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống, sức khỏe nhân dân được đảm bảo, các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức phù hợp, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Tình hình tai nạn giao thông được kiềm chế và giảm sâu về số vụ, số người chết; số vụ vi phạm và thiệt hại về tài nguyên rừng do hành vi vi phạm Luật lâm nghiệp được giảm thiểu…

Tuy nhiên, dù có những thuận lợi như trên, nhưng tình hình sản xuất nông nghiệp của người dân, DN cũng chịu ảnh hưởng do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; tình trạng vi phạm luật Lâm nghiệp vẫn còn xảy ra. Tiến độ triển khai một số quy hoạch còn chậm; tình hình xây dựng công trình sai phép, không phép, lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông vẫn còn xảy ra. Tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 còn thấp so với mặt bằng chung toàn tỉnh…

Cũng theo bà Thúy, để khắc phục những tồn tại trên, huyện đã chỉ đạo các phòng ban, đơn vị thuộc huyện, UBND các xã, thị trấn chủ động rà soát, phối hợp thực hiện tốt các nội dung chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, huyện để phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ KT-XH năm 2022. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu và nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh và có lộ trình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp; sản xuất các mặt hàng nông sản chủ lực theo kế hoạch, thời vụ. Tăng cường quản lý bảo vệ rừng, tài nguyên, khoáng sản. Thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN phát triển trong điều kiện nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhất là mặt hàng xăng dầu, phân bón, thức ăn gia súc. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch. Triển khai đồng bộ, quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công 2022, phấn đấu tỷ giải ngân đạt 100% kế hoạch. Tập trung, ưu tiên nguồn lực, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện các công trình trọng điểm trên địa bàn.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ văn hóa - xã hội theo kế hoạch; chỉnh trang đô thị, cơ quan công sở nhằm nâng cao mỹ quan đô thị và chào mừng Festival hoa Đà Lạt. Thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính tại cơ quan, đơn vị, địa phương, nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, DN. Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, phát động các phong trào thi đua nước rút nhằm hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH năm 2022…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.